Vào trường Thực nghiệm, sao phải khổ thế?

16/05/2012 06:01
Độc giả Lê Thanh Tâm
(GDVN) - Sự lựa chọn là vô cùng. Đâu phải cứ học ở trường Thực nghiệm là sẽ thành GS. Hồ Ngọc Đại thứ hai, GS. Ngô Bảo Châu thứ hai… Thay vì lựa chọn một con đường quá khó khăn và vất vả hãy tính đến các con đường khác có cùng đích đến như nhau.
Việc hàng trăm phụ huynh bạc mặt từ nửa đêm mang ghế, chiếu xếp hàng, thậm chí đạp đổ cổng trường chen lấn, đạp đổ cả cổng để chạy vào mua hồ sơ cho con tại Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội những ngày qua đã khiến dư luận choáng váng, dù sự việc lần này không phải là duy nhất. Nhiều người coi đó là “chuyện bình thường ở huyện”, nhưng không ít người lại gọi đó là câu chuyện bất bình thường. Phụ huynh tự “mua việc” làm khổ chính mình và làm khổ con cái khi vô tình đặt áp lực lên đôi vai nhỏ bé của chúng. Và thật đáng tiếc là áp lực ấy do chính các ông bố bà mẹ là "thủ phạm" chứ không phải ai khác, trong khi ấy những đứa trẻ mới học đánh vần còn chưa biết gì về trường học.
Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả xung quanh câu chuyện nóng như “mua hồ sơ vào Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội” những ngày qua. Dưới đây là những quan điểm của độc giả Lê Thanh Tâm (Hà Nội) gửi từ email: tamlt@gmail.com Những ngày này, đi đến đâu cũng thấy người ta bàn tán về việc phụ huynh mang ghế, chiếu xếp hàng từ nửa đêm chờ mua hồ sơ vào lớp 1 Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội cho con. Thậm chí, ngay cơ quan tôi cũng có mấy gia đình mà vợ chồng thay phiên nhau “gác cổng” Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội đợt cuối tuần vừa qua. Việc xếp hàng từ nửa đêm chờ mua một bộ hồ sơ vào lớp 1 cho con không còn là chuyện hiếm lạ ở đất Hà Nội này. Mùa tuyển sinh nào cũng có và nó lại cực nóng với những trường chuyên, trường điểm, uy tín. Thế nhưng, “sốt ruột” đến mức đạp đổ cả cổng trường rồi xô đẩy, chạy ùa vào trường để tranh nhau mua hồ sơ thì tôi chưa thấy bao giờ. Thật kinh khủng! Có lẽ, những bậc phụ huynh sẵn sàng thức đêm, sẵn sàng đội mưa, hứng sương, nhịn đói, nhịn khát... để “rình” mua bằng được bộ hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 cho con không biết đến sự điều chỉnh mới nhất từ công tác đào tạo của ngôi trường này. Rằng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1, năm học 2012 -2013 của Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội chỉ dừng ở con số 140 và số lượng hồ sơ bản ra cũng chỉ “nhỏ giọt”: mỗi lần khoảng 200 bộ. Mua được hồ sơ giữa “biển người” chen lấn, xếp hàng đó đã khó, trẻ muốn được vào trường còn phải trải qua một đợt xét duyệt, kiểm tra toàn diện và tổng thể về thể chất và trí tuệ vô cùng nghiêm ngặt. Vậy là xuất phát từ thiện chí muốn mang đến những gì tốt đẹp nhất cho con ngay từ những năm tháng đầu đời đến trường, vô tình nhiều phụ huynh đang tạo ra áp lực học hành quá lớn cho con. Nhìn thấy những hình ảnh kinh hoàng ấy trên các trang mạng, tôi hoảng hốt, đến khi trấn tĩnh lại thì vẫn còn thấy lo lắng. Một câu hỏi đặt ra trong đầu tôi lúc này là: Tại sao các bậc phụ huynh lại phải khổ sở để con có một suất được vào trường Thực nghiệm bằng được?
Xếp hàng từ nửa đêm chờ mua hồ sơ vào lớp 1 ở Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội
Xếp hàng từ nửa đêm chờ mua hồ sơ vào lớp 1 ở Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội
Mỗi người một lý giải khác nhau cho hành động xô đổ cổng trường của mình. Tuy nhiên, chung tựu lại vẫn là mong muốn mang đến cho con môi trường học tập tốt nhất ngay từ những năm tháng đầu đời. Người ta vẫn truyền tai nhau, trường Thực nghiệm tốt lắm, chơi mà học, học mà chơi, không có chuyện còng lưng cõng cặp, không có chuyện học thêm học nếm, trẻ con vừa được trang bị kiến thức, vừa được tôn trọng… và khuyến khích cách sống tự lập, tự chủ ngay từ nhỏ. Nghe những điều này, có phụ huynh nào không thích, không muốn cho con vào đó học? Có lẽ vì thế mà dù có thức trắng một đêm, hai đêm hay nhiều đêm đi chăng nữa, các phụ huynh cũng sẵn sàng “hi sinh” vì tương lai của con. Một điều đáng nói nữa, hiện nay, việc “chạy” cho con vào trường chuyên, lớp chọn ngay từ những năm tháng đầu cấp đã dần trở thành xu thế, trở thành “mốt” của nhà giàu để khẳng định đẳng cấp. Phải chăng những hình ảnh kinh hoàng về cảnh chen chúc mua hồ sơ vừa qua là hệ quả tất yếu của xu thế đó trong xã hội hiện đại? Bản thân tôi cũng thích và ngưỡng mộ Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội. Và hơn ai hết, tôi cũng muốn cho nhóc nhà mình được vào đó học. Tuy nhiên, sau khi nhìn những hình ảnh kinh hoàng đó, bản thân tôi và ông xã đã phải tự “chào thua”. Tôi tự hỏi, không biết những đứa trẻ sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy bố mẹ mình phải “bạc mặt” đứng xếp hàng rồi chen lấn, đạp đổ cả cánh cổng sắt của trường để dành lấy một bộ hồ sơ cho mình?
Dư luận được một phen choáng váng khi nhìn thấy các phụ huynh sẵn sàng đạp đổ cả cổng trường, lao vào mua bằng được bộ hồ sơ.
Dư luận được một phen choáng váng khi nhìn thấy các phụ huynh sẵn sàng đạp đổ cả cổng trường, lao vào mua bằng được bộ hồ sơ.
Có lẽ, chúng sẽ thấy áp lực lắm! Chúng sẽ thấy mình đang là gánh nặng của gia đình. Nếu bố mẹ nào may mắn mua được hồ sơ, trẻ sẽ lại phải chịu áp lực rằng, bố mẹ vất vả như vậy mới mua được một bộ hồ sơ, con phải dành được một suất vào học trường Thực nghiệm bằng mọi giá. Bị đánh trượt là có lỗi với bố mẹ và gia đình. Rồi chuyện khi vào học trong trường Thực nghiệm, dưới ánh sáng hào quang của bao thế hệ học sinh giờ đã là những nhà doanh nhân thành đạt, nhà khoa học tài ba, những Giáo sư, Tiến sĩ… nổi tiếng, trẻ sẽ phải “gồng mình” phấn đấu và làm mọi giá để bản thân giỏi hơn - tỏa sáng, dù năng lực có hạn. Qua sự việc này, tôi chỉ muốn tâm sự một điều rằng: Hà Nội của chúng ta còn rất nhiều những ngôi trường tốt. Tôi dám chắc rằng, trường Thực nghiệm cũng chỉ là một trong số nhiều những ngôi trường có chất lượng đào tạo tốt ở Hà Nội này. Sự lựa chọn là vô cùng. Đâu phải cứ học ở trường Thực nghiệm là sẽ thành GS. Hồ Ngọc Đại thứ hai, GS. Ngô Bảo Châu thứ hai… Thay vì lựa chọn một con đường quá khó khăn và vất vả hãy tính đến các con đường khác có cùng đích đến như nhau.
Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Đổ xô vào học trường Thực nghiệm: Một phần vì GS. Ngô Bảo Châu

Xuất hiện clip nhạc chế vụ đạp đổ cổng trường Thực nghiệm xin học

Vụ Giáo sư Vật lý bị nghi "đạo văn": Chủ tịch Hội đồng cơ sở nói gì?

Giải mã chuyện phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm Hà Nội

Chùm ảnh: Đắng lòng, nhà trọ ổ chuột của sinh viên

Bàn về vụ "phạt" SV 100 USD: Một Tiến sĩ "đánh cược" với Đại học FPT

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Lê Thanh Tâm