Hải quân Việt Nam cử tàu HQ-561 mang theo 70 cán bộ, chiến sĩ tham gia diễn tập |
Cuộc diễn tập cứu hộ, giảm nhẹ thiên tai đa phương Komodo được tổ chức ở Biển Đông trong thời gian 5 ngày - từ ngày 31 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4, với sự tham gia của 17 nước tham gia, trong đó có Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Lào, Campuchia, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Australia.
Theo bài báo, các nước tham diễn cử 24 tàu chiến, 14 máy bay trực thăng, khoảng 4.885 người tham gia, trong đó 3.000 người là nhân viên Hải quân Indonesia, khoảng 1.885 người là nhân viên hải quân 17 nước. Liên Hợp quốc, EU, Hà Lan, Tây Ban Nha và ASEAN còn cử 25 quan sát viên tham gia.
Trong đó, Hải quân Indonesia cử 19 tàu chiến, 2 máy bay và 4 trực thăng; Hải quân Nga cử tàu săn ngầm cỡ lớn Shaposhniko, tàu chở dầu Irkut và 1 tàu cứu hộ; Nhật Bản có tàu JDS Akebono; Mỹ có tàu USNS Caesar Chavez; Hải quân Việt Nam cử tàu HQ-561 mang theo 70 cán bộ, chiến sĩ tham gia diễn tập.
Riêng phía Trung Quốc đã cử một chiếc tàu đổ bộ cỡ lớn mang tên Trường Bạch Sơn chở theo 2 trực thăng, 1 phân đội y tế và 1 phân đội công binh tham gia. Đây là một trong 3 tàu đổ bộ cỡ lớn hiện có của Hải quân Trung Quốc và đều thuộc biên chế cho Hạm đội Nam Hải – lực lượng chủ yếu phụ trách tác chiến trên Biển Đông.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Trường Bạch Sơn, số hiệu 989, Type 071, thuộc Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc. Còn 2 tàu đổ bộ lớn khác cùng loại là Tỉnh Cương Sơn và Côn Luân Sơn đều được điều đi tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích (nguồn Tân Hoa xã). |
Theo báo Trung Quốc, tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn là tàu đổ bộ mới nhất do Trung Quốc tự chế tạo, có khả năng phòng không nhất định, có thể đồng thời mang nhiều máy bay trực thăng, có khu cứu hộ y tế riêng, có thể thực hiện nhiệm vụ quân sự đa dạng hóa tương đối tốt, biên chế vào năm 2012.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Trường Bạch Sơn đã nhiều lần tham gia huấn luyện, diễn tập biển xa/sẵn sàng chiến đấu, nhưng tham gia diễn tập với quân đội nước ngoài thì đây là lần đầu tiên. Theo bài báo, chỉ huy tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn là Đặng Tiên Vũ.
Cuộc diễn tập Komodo lần này được chia làm 3 giai đoạn: diễn tập trên sa bàn ở bến cảng; diễn tập trên biển (tập tìm kiếm cứu nạn trên biển, thông tin liên lạc bằng cờ tay, cứu hộ tàu bị nạn, vận động đội hình, cứu thương tàu-bờ); diễn tập nhiệm vụ dân sự trên đảo.
Các khoa mục bao gồm: hạ cánh máy bay trực thăng, cứu hộ nhân viên rớt xuống nước, thông tin ánh sáng, đo đạc hàng không, đề phòng vết dầu lan rộng, rò rỉ khí gas, cứu giúp y tế...
Lãnh đạo hải quân các nước tham dự diễn tập Komodo 2014. |
Theo chỉ huy đại đội tác chiến của Hải quân Indonesia, tình huống được tưởng định của cuộc diễn tập là: Vùng biển Natuna xảy ra sóng thần, trực tiếp làm chìm một con tàu thương mại, làm hư hại một giếng khoan dầu mỏ, quốc gia liên quan chịu thảm họa to lớn, thương vong nhiều.
Được biết, vào ngày 29 tháng 3 (giờ địa phương), Sở chỉ huy cuộc diễn tập liên hợp nhân đạo - cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai đa phương Komodo đã tuyên bố thành lập ở đảo Batam, Indonesia, phụ trách chỉ huy 4 cụm biên đội. Trong đó có một cụm gồm tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn – Hải quân Trung Quốc, tàu chỉ huy-chi viện KD Mahawanjsa của Malaysia, tàu hộ vệ tên lửa lớp Sigma của Indonesia.
Sau khi nhận lệnh xử lý tình huống tưởng định, Sở chỉ huy liên hợp của cuộc diễn tập (do các nước cử cán bộ tham gia) lập tức, nhanh chóng khởi động cơ chế ứng phó khẩn cấp, nhanh chóng tập kết tàu chiến của nhiều nước, dựa vào đặc điểm của thảm họa và tính năng tàu chiến của các nước để tổ chức ra 4 nhóm khác nhau, mỗi nhóm có 1 tiểu ban chỉ huy... Cuộc diễn tập được thực hiện theo kế hoạch.
Chi đội trưởng chi đội tàu đổ bộ phía Trung Quốc là Kỷ Hồng Đào cho biết, cuộc diễn tập này chủ yếu tập trung vào thực hiện thuận lợi cơ chế phối hợp giữa các nước khi xảy ra thảm họa lớn, triển khai hợp tác ở cấp độ chiến thuật, tiến hành diễn tập các mặt như chi viện hậu cần, nghiên cứu khả năng xây dựng nhanh chóng cơ chế và trình tự hợp tác giữa hải quân các nước khi xảy ra thảm họa.
Hình ảnh trên tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Theo sĩ quan tham mưu Hải quân Malaysia: "Thông qua huấn luyện, đã tiếp tục nâng cao và tối ưu hóa khả năng hành động phối hợp cứu hộ, giảm nhẹ thiên tai trong chỉ huy liên hợp". "Những vấn đề mà trước đây lo ngại như bất đồng về ngôn ngữ và phương thức chỉ huy, khó khăn về phối hợp binh lực đều đã được giải quyết qua cuộc diễn tập lần này".
Để tăng cường giao lưu giữa các nước, Indonesia còn tổ chức riêng hoạt động giao lưu thể thao văn hóa. Ngoài tham gia hoạt động giao lưu, Hải quân Trung Quốc còn tổ chức cho phân đội y tế của họ tiến hành khám chữa bệnh lưu động cho người dân địa phương.
Đây là cuộc diễn tập cứu hộ thiên tai tiến hành nhanh chóng, có hiệu quả giữa hải quân các nước ASEAN, giữa hải quân ASEAN và các nước đối tác. Trong diễn tập, các nước tham gia cùng lập kế hoạch, chỉ huy liên hợp, phối hợp chặt chẽ, cùng nghiên cứu - đây là cơ chế chỉ huy và hợp tác đa quốc gia.
Theo bài báo, tham gia cuộc diễn tập đa phương lần này là một phần của giao lưu đối ngoại hàng năm của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc muốn thông qua diễn tập để đắp nặn hình tượng tốt đẹp về hải quân của họ. Trung Quốc cũng muốn thông qua diễn tập để học hỏi phương thức chỉ huy, phương thức phối hợp...