Vì sao 60% sinh viên làm trái ngành nghề, trong khi thiếu lao động tay nghề cao?

09/01/2022 07:21
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyên gia giáo dục phân tích nguyên nhân, cách giải quyết tình trạng sinh viên ra trường làm trái ngành nghề, trong khi đó lại thiếu lao động chất lượng cao.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI - Bộ Công thương), mỗi năm cả nước có 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành. Trong khi đó, nguồn lao động chất lượng cao lại chưa đáp ứng đủ của các doanh nghiệp.

Đây cũng là vấn đề được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và VCCI luận bàn trong buổi hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các mô hình học nghề, tập nghề tại doanh nghiệp" tổ chức vào cuối tháng 12/2021.

Hội thảo cũng chỉ rõ tầm quan trọng của việc gắn kết chặt chẽ giữa 3 "nhà": Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) có những phân tích, đề xuất biện pháp để giải quyết tình trạng trên.

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh không làm tốt

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Xuân Nhĩ, nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên làm trái ngành nghề, là do công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh không làm tốt.

"Việc học sinh ra trường không làm đúng ngành nghề, có thể trong quá trình học thì họ cảm thấy ngành nghề không phù hợp với bản thân, nên khi họ ra trường, tiếp xúc với xã hội thì có nhu cầu khác.

Nguyên do theo tôi là do giáo dục của chúng ta làm không làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh. Giờ chúng ta phải thống kê nhu cầu của xã hội như thế nào, để giới thiệu và hướng nghiệp cho học sinh chọn lựa", Phó Giáo sư Nhĩ nhận định.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ. (Ảnh: Thùy Linh)

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ. (Ảnh: Thùy Linh)

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, Nhà nước và Bộ Giáo dục cần tìm ra được ngành nghề nhu cầu xã hội đang cần, để đón đầu khi học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Ví dụ như hiện tại, trong thời đại dịch Covid-19, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có nhu cầu rất lớn, đáng lẽ chúng ta phải đón đầu từ lâu, đến hiện tại "cơn bão" công nghệ số ập đến. Trên thế giới cũng đưa công nghệ số vào từ lâu, còn chúng ta thì chậm hơn.

Phó Giáo sư Nhĩ phân tích: "Chúng ta hướng nghiệp cho học sinh có thể bắt đầu từ mầm non, chứ không nhất thiết phải đến Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Đến bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông là phải phân luồng học sinh thường là trong hoạt động xã hội có 3 hướng là nghiên cứu, trung học chuyên nghiệp và nghề", Phó Giáo sư Nhĩ nhận định.

Lấy ví dụ tại các quốc gia khác, Phó Giáo sư Nhĩ cho hay, học sinh cuối bậc Trung học cơ sở thì học sinh đã được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, trong khi đó tại Việt Nam thì chưa làm được như vậy.

Đây là một trong những yếu điểm của giáo dục Việt Nam hiện nay, khiến ai cũng nghĩ rằng mình phải đi học đại học. Trong khi đó có những trường đại học nghiên cứu nhưng không làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu.

Phân tích thêm về việc người học sau khi tốt nghiệp làm trái ngành nghề, Phó Giáo sư Nhĩ cho rằng, bên cạnh việc chúng ta không làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, thì lâu nay chúng ta vẫn nặng về lý thuyết nhiều hơn thực hành trong chương trình đào tạo.

Cần có cơ chế cho doanh nghiệp

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phân tích, trong hoạt động liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, học trong nhà trường một phần, còn thực hành tại doanh nghiệp. Bởi trong nhà trường không thể có đầy đủ các thiết bị cao cấp và cập nhật xu thế.

"Vì vậy, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường là việc rất cần làm và nên làm", Phó Giáo sư Nhĩ nói.

Hiện nay, chúng ta chưa có cơ chế trong liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời cũng chưa có quy định đủ rõ ràng. Vì vậy, việc liên kết vẫn còn tự do, điều này khiến cho doanh nghiệp cũng không nhận thấy rõ trách nhiệm của họ.

Ví dụ như doanh nghiệp cũng ngại nhận học sinh vào thực hành vì có thể làm giảm năng suất của họ, nên họ cũng không mấy mặn mà.

Tuy nhiên, nếu quy định trách nhiệm của doanh nghiệp và có những chính sách khuyến khích cho họ, như nhận bao nhiêu sinh viên sẽ được miễn giảm thuế thì chắc chắn sẽ thúc đẩy được cơ chế liên kết này.

"Các cơ quan nghiên cứu quản lí nhà nước chưa đưa ra quy định cụ thể để các doanh nghiệp mặn mà đào tạo. Mặc dù chúng ta đã cử nhiều người đi nước ngoài để học hỏi cách làm nhưng khi về vẫn chưa làm được", Phó Giáo sư Nhĩ nói.

Nên để các trường tự chủ về tài chính, chương trình đào tạo

Theo Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho hay, chúng ta có thể nhìn thấy cái mặt được của doanh nghiệp trong việc liên kết với nhà trường là đào tạo ra nguồn lao động chất lượng cao, có tay nghề, để sau khi người học ra trường thì phục vụ lại doanh nghiệp.

Vì vậy, doanh nghiệp đợi sự hỗ trợ của nhà nước là không nhất thiết, bản thân doanh nghiệp tự lực sẽ nhanh hơn là chờ đợi.

Nhận định về việc có đến 60% sinh viên khi ra trường làm trái ngành, Tiến sỹ Chức cho rằng, đây là sai lầm của những người làm quy hoạch trong lĩnh vực giáo dục. Đáng nhẽ, quy hoạch phải làm sao để bổ sung nguồn lao động nào thiếu, từ đó để cho các trường tuyển sinh.

Thực tế, hiện nay nhiều trường chạy theo xu thế là đào tạo ngành "hot", nhưng không chú trọng đến nguồn cung cầu của thị trường lao động.

"Các cơ quan liên quan như Tổng cục thống kê, giáo dục, nông nghiệp, công thương... cần có sự liên kết để có những thống kê cụ thể về tình hình nguồn lao động, từ đó để các đơn vị giáo dục sẽ có định hướng đào tạo phù hợp", Tiến sỹ Chức nhận định.

Tiến sỹ Chức cũng cho rằng, việc liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường là rất cần thiết. Ví như ngành du lịch tại Thụy Sỹ, các khách sạn liên kết với nhà trường đào tạo nhân lực ngay tại cơ sở.

Bên cạnh đó, việc đào tạo chương trình nên để các trường tự chủ không chỉ về tài chính, mà còn cả chương trình cách thức đào tạo. Bộ Giáo dục chỉ có vai trò kiểm tra chất lượng đào tạo.

"Bộ phải đóng vai trò là tổng chỉ huy, tổng kiểm soát, chứ không phải đi làm vai trò cụ thể trong mọi công việc", Tiến sỹ Chức nhận định.

Mạnh Đoàn