Vì sao gần 10 ngàn học sinh Sài Gòn năm nay không chọn trường công lập?

09/05/2019 09:25
Hưng Long
(GDVN) - Nếu trước đây, hệ thống trường tư thục không được phụ huynh “mặn mà” về chất lượng thì nay, những cơ sở này đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ với trường công lập.

Trường phổ thông tư thục thành phố Hồ Chí Minh đang gánh 30% sĩ số, nhưng còn nhiều khó khăn

Tại buổi “Tọa đàm Giáo dục tư thục của Ủy ban Văn hóa Quốc hội” diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (ngày 06/5), thầy Hồ Tấn Minh – Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu ra một số thực trạng về hệ thống trường tư thục.

Thầy Minh cho biết, hệ thống trường tư thục hiện nay tiếp nhận số lượng học sinh chiếm gần 30% học sinh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Để đáp ứng đủ chuẩn theo quy định còn nhiều vấn đề.

Thầy Hồ Tấn Minh. (Ảnh: H.L)
Thầy Hồ Tấn Minh. (Ảnh: H.L)

Hệ thống trường tư thục ngoài đáp ứng cho nhu cầu chỗ học cho con em có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh, còn phục vụ nhu cầu chỗ học cho con em cư dân từ các tỉnh đổ về để sinh sống.

Hệ thống trường phổ thông tư thục tại thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển rất nhanh về số lượng và một số trường tư thục đang có chất lượng  giáo dục rất tốt. 

Về chính sách hỗ trợ hệ thống trường tư thục vẫn còn chưa được như mong muốn, mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tạo nhiều điều kiện hết sức có thể trong phạm vi quyền hạn của mình.

Khó khăn lớn nhất của các trường phổ thông tư thục là đất đai, mặt bằng, bởi vì hiện tại chính sách ưu đãi về quy hoạch đất đai để xây dựng trường học chỉ đủ để xây dựng trường công lập.

Băn khoăn về quyền sở hữu của nhà đầu tư trường tư thục

Ngay cả khi các trường phổ thông tư thục đã thuê được địa điểm, vấn đề chuyển công năng đất để mở cơ sở giáo dục cũng còn bất cập, vì chủ đất cho thuê lo sợ, một khi đất họ cho thuê để mở cơ sở giáo dục được chuyển công năng rồi, sau này không thể chuyển đổi công năng từ đất giáo dục trở lại đất thổ cư.

Một số trường bị khiếu nại thường xuyên liên quan đến việc chuyển đổi công năng sử dụng đất như nêu trên.

“Tôi đề nghị cần có một cơ sở pháp lý về chuyển đổi công năng đất để cho các cơ sở giáo dục thuê và điều chỉnh một cách hợp lý”, thầy Minh băn khoăn.

Qua đó, các chủ cơ sở giáo dục tư thục mới có thể xác định được vị trí yên ổn để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Như vậy, nhà đầu tư trường tư thục mới có thể yên tâm đầu tư cho công tác chuyên môn. Một số cơ sở phải thường xuyên di dời địa điểm dạy học nên về chuyên môn rất khó kiểm soát.

Vai trò, vị thế của các trường phổ thông tư thục thành phố Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định

Thầy Minh phân tích, trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 82 trường phổ thông tư thục so với 112 trường phổ thông công lập. Hiện tại, độ tin cậy của phụ huynh vào hệ thống trường tư thục là rất cao.

Theo thống kê tuyển sinh năm nay, có khoảng gần 10.000 học sinh không đăng ký thi tuyển sinh vào các trường công lập mà đăng ký vào hệ thống các trường ngoài công lập và theo các mô hình khác để học.

Hướng sắp tới để phát triển các trường tư thục đạt được chất lượng cao thì các trường ngoài công lập sẽ phải đảm bảo các cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ để đẩy mạnh tính cạnh tranh.

Giáo dục tư thục cần được đối xử bình đẳng với công lập

Các trường ngoài công lập không chỉ cạnh tranh với nhau mà phải xây dựng tính cạnh tranh với các trường công lập.

Trường ngoài công lập còn có lợi thế tự chủ về công tác nhân sự, được lựa chọn giáo viên giỏi về để dạy nên cũng là một lợi thế.

Song song đó, trường ngoài công lập được tự chủ thực hiện chương trình theo đề án của thành phố, tăng cường chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Đối với trường công lập thực hiện rất khó về vấn đề tự chủ chọn giáo viên giỏi và chuẩn đầu ra ngoại ngữ vì rơi vào quy định về xã hội hóa từ phụ huynh để thực hiện.

Hưng Long