Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo, được phân công nhiệm vụ tìm hiểu về tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. [1]
Tôi xin chia sẻ một số thông tin về chương trình và sách giáo khoa môn Ngữ văn đã được triển khai đối với lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khảo sát tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. (Ảnh: Cao Nguyên) |
Thứ nhất, các khoá tập huấn về: chương trình; sách giáo khoa; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; kiểm tra, đánh giá; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, theo tôi, chỉ đáp ứng một phần nội dung.
Tôi chủ yếu tự học, tự nghiên cứu và học hỏi các đồng nghiệp để hiểu rõ hơn về nội dung tập huấn chương trình và sách giáo khoa.
Thứ hai, các hình thức tổ chức: kết hợp trực tuyến và trực tiếp; tập huấn trực tuyến; tập huấn trực tiếp trong các khóa tập huấn mà tôi đã tham gia, tôi thấy chỉ mang lại hiệu quả một phần.
Liên quan đến việc tập huấn sách giáo khoa theo hình thức trực tuyến, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, chất lượng của các khóa tập huấn dành cho giáo viên còn chưa cao, đặc biệt đối với hình thức tập huấn trực tuyến. [2]
Vì vậy tôi nghĩ rằng, các cá nhân, tổ chức có liên quan đến tập huấn sách giáo khoa cần rà soát lại hiệu quả của hình thức này.
Thứ ba, để tăng cường hiệu quả của các khóa tập huấn, tôi và một số giáo viên xin có 10 đề xuất sau đây:
1. Giáo viên muốn có tiếng nói nhiều hơn và có thêm lựa chọn trong hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn.
2. Giáo viên muốn các hoạt động tập huấn có liên quan đến học sinh chứ không đi sâu vào chủ trương chính sách.
3. Giáo viên muốn các hoạt động tập huấn hiệu quả, thiết thực, họ có thể vận dụng vào giảng dạy được ngay.
4. Giáo viên muốn các chuyên gia tập huấn dạy thị phạm một vài tiết chứ không chỉ là thuyết giảng.
5. Giáo viên muốn hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn phải liên tục đổi mới và sáng tạo để phù hợp với thực tiễn dạy học.
6. Giáo viên muốn việc tập huấn phải làm cho thầy cô trở thành những nhà giáo tự tin hơn, giỏi hơn.
7. Giáo viên muốn hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn phải được ứng dụng trong thực tế dạy học.
8. Giáo viên muốn hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn cho họ hợp tác và nói chuyện thành thật, nhất là "sạn" trong sách giáo khoa.
9. Giáo viên muốn hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn giúp thầy cô có tầm nhìn dài hạn hơn là giải quyết tình thế trước mắt.
10. Giáo viên muốn được chủ động tham gia xây dựng các chương trình hoạt động tập huấn phát triển chuyên môn.
Thứ tư, tổ bộ môn của tôi xây dựng kế hoạch giáo dục môn học ở lớp 10 dựa vào những căn cứ sau:
Yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; định hướng về phương pháp và hình thức tổ chức của chương trình môn học; tham khảo sách giáo khoa; đặc điểm của địa phương; điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường; đặc điểm học sinh.
Thứ năm, khi tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục môn học lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tôi cảm thấy rất thuận lợi bởi vì sách giáo khoa cung cấp sẵn yêu cầu cần đạt.
Ví dụ: Yêu cầu cần đạt của Bài 1 - Tạo lập thế giới (Thần thoại):
- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thần thoại như: không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật.
- Biết nhận xét nội dung bao quát của văn bản truyện kể; biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, nhân vật và mối quan hệ của chúng trong tính chỉnh thể của tác phẩm; biết liên hệ để thấy được một số điểm gần gũi về nội dung giữa các tác phẩm truyện kể thuộc hai nền văn hoá khác nhau.
- Nhận biết và chỉnh sửa được các lỗi về mạch lạc, liên kết trong đoạn văn. - Viết được văn bản nghị luận đúng quy trình; phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một truyện kể.
- Biết giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể; nghe và nắm bắt được ý kiến, quan điểm của người nói; biết nhận xét, đánh giá ý kiến, quan điểm đó.
- Trân trọng trí tưởng tượng và di sản nghệ thuật của người xưa.
Thứ sáu, tôi có kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để việc xây dựng kế hoạch giáo dục môn học lớp 10 trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả cao hơn nữa như sau:
- Tổ chuyên môn nghiên cứu chương trình môn học; sách giáo khoa được phê duyệt; xây dựng chủ đề dạy học; hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học; hướng dẫn thực hiện môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Nghiên cứu điều kiện tổ chức dạy học môn học gồm: đội ngũ giáo viên, nguồn học liệu, thiết bị dạy học, phòng học bộ môn (nếu có)...
- Tìm hiểu về đặc điểm đối tượng học sinh gồm: các đặc điểm về vùng miền; hoàn cảnh gia đình của học sinh; đặc điểm về chất lượng học tập lớp dưới, học các môn tự chọn, chất lượng học tập các môn học bắt buộc...
- Tổ trưởng chuyên môn giao nhiệm vụ cho giáo viên trong tổ xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện môn học; tổ chức trao đổi, thảo luận giữa các thành viên tổ chuyên môn về dự thảo kế hoạch; hoàn thiện dự thảo kế hoạch trình Hiệu trưởng phê duyệt kế hoạch môn học theo khối, lớp.
- Giáo viên chủ động nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa và các nội dung liên quan khác lập kế hoạch giáo dục cho môn học mình phụ trách, phù hợp điều kiện thực tiễn.
- Tổ chuyên môn xác định những chủ đề/bài học có những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung; tổ chức xây dựng kế hoạch môn học, hoạt động giáo dục; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục môn học theo kế hoạch.
Thứ bảy, tôi sử dụng sách giáo khoa lớp 10 trong quá trình dạy học như sau:
Sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khi thiết kế kế hoạch bài học; lựa chọn tài liệu, ngữ liệu thay thế sách giáo khoa sao cho đảm bảo yêu cầu cần đạt trong chương trình.
Thứ tám, để việc sử dụng sách giáo khoa lớp 10 hiệu quả hơn, tôi xin ghi lại lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sau đây:
"Nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc - đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ sách giáo khoa khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động của chúng ta.
Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng. Giáo viên có quyền quyết định các nội dung, tuần tự bài học, tổ chức kiểm tra đánh giá". [3]
Thứ chín, tôi hoàn toàn đồng ý với các nhận định sau về thuận lợi khi triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học:
Yêu cầu cần đạt về năng lực phẩm chất được quy định tường minh trong chương trình; trong sách giáo khoa và sách giáo viên có những gợi ý dạy học và kiểm tra đánh giá theo năng lực phẩm chất;
Được thường xuyên sinh hoạt chuyên môn về dạy học và kiểm tra đánh giá theo năng lực phẩm chất; có văn bản, tài liệu hướng dẫn cụ thể về kiểm tra đánh giá theo năng lực, phẩm chất.
Thứ mười, tôi gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất như sau:
Khó khăn khi ghi chép hồ sơ đánh giá học sinh; phải xử lí, tổng hợp nhiều loại thông tin, nhiều kênh thông tin thu thập được.
Mười một, trường tôi đã thực hiện các hoạt động trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 10 như sau:
Tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; chỉ đạo, hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới.
Mười hai, khi dạy Ngữ văn lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi thường xuyên sử dụng những phương pháp dạy học sau để mang lại hiệu quả cao nhất:
Phương pháp vấn đáp; phương pháp trò chơi; phương pháp dạy học nêu vấn đề; phương pháp làm việc nhóm (hợp tác).
Tài liệu tham khảo:
[1]https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSd7UdPeg12cc6Q9vTrNI6qg5mYaBgsjj_skbgv0vtfGHUgVXA/formResponse
[2] https://giaoduc.net.vn/doan-giam-sat-chi-ra-chat-luong-tap-huan-gv-chua-cao-nhat-la-tap-huan-online-post237412.gd
[3] https://thanhnien.vn/bo-truong-gd-dt-giao-vien-can-thay-doi-quan-niem-ve-sach-giao-khoa-185230815153932742.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.