Việt Nam cần có mô hình, cách tiếp cận riêng khi đào tạo bán dẫn và vi điện tử

25/11/2023 07:17
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việt Nam cần phải có mô hình, cách tiếp cận riêng trên cơ sở kinh nghiệm và hỗ trợ của các nước cho nền công nghiệp bán dẫn và vi điện tử.

Ngày 24/11, tại buổi tọa đàm thường kỳ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT đã chia sẻ đề xuất về việc nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ cao, trước hết là cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Còn nhiều khó khăn trong đào tạo các ngành công nghệ cao

Theo Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, mục tiêu của việc đào tạo các ngành công nghệ cao là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Buổi tọa đàm bàn về đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ cao.

Buổi tọa đàm bàn về đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ cao.

Nhiệm vụ cụ thể là: Cung cấp lực lượng cán bộ khoa học, chuyên gia cao cấp, kỹ sư các chuyên ngành công nghệ cao đảm bảo phát triển hài hòa nền kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, tự chủ, độc lập và hợp tác quốc tế sâu rộng trong phát triển đất nước;

Xây dựng chương trình đào tạo, chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước;

Từ đó góp phần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công nghệ ứng dụng, các trung tâm nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao; Xây dựng mô hình đào tạo các chuyên ngành công nghệ cao, các mô hình tổ chức quản lý và phát triển các trung tâm công nghiệp công nghệ cao, các hệ thống ứng dụng công nghệ cao; Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực, chuẩn bị nguồn lực cho các dự án ứng dụng công nghệ cao; Và xây dựng và phát triển thị trường khoa học công nghệ, trong đó có thị trường nhân lực chất lượng cao sử dụng trong nước có hợp tác với nước ngoài.

Trong công tác đào tạo các ngành công nghệ cao, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ đánh giá có một số thuận lợi song cũng gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ nhất là ngân sách đầu tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao các ngành công nghệ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng chi ngân sách.

Thứ hai là thiếu hụt đội ngũ chuyên gia cao cấp cho đào tạo nhân lực chất lượng cao của các ngành công nghệ, nhất là các ngành công nghệ mũi nhọn hiện nay như ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất vi điện tử, các ngành công nghiệp vật liệu tiên tiến, các ngành nông nghiệp công nghệ cao, các ngành môi trường, chống biến đổi khí hậu,…

Thứ ba là khó khăn về hệ thống các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại, các cơ sở đào tạo kết hợp nghiên cứu ứng dụng chưa đồng bộ, nhiều hệ thống trang thiết bị sử dụng không hiệu quả. Trang thiết bị hiện đại tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi nhiều nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phân bổ lại nguồn lực con người và trang thiết bị cho các ứng dụng tại chỗ;

Thứ tư là thị trường nhân lực chất lượng cao chưa được vận hành một cách khoa học gây tắc nghẽn giữa cung - cầu, ảnh hưởng lớn không chỉ tới chất lượng đào tạo mà còn đầu ra các sản phẩm đào tạo;

Thứ năm là hệ thống văn bản, chương trình đào tạo còn “thiếu, thừa và yếu”, chưa sát với thực tế, cần đổi mới về chất lượng, chưa tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo khai thác hiệu quả nội lực và hợp tác quốc tế (trong đó có vấn đề tự chủ đại học, mô hình đào tạo mở, liên kết với các cơ sở đào tạo trên thế giới).

Giải pháp cho đào tạo ngành bán dẫn và vi điện tử

Chia sẻ về ngành bán dẫn và vi điện tử tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ nhận định, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, cần phải có mô hình, cách tiếp cận riêng trên cơ sở kinh nghiệm và hỗ trợ của các nước cho nền công nghiệp bán dẫn và vi điện tử, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về năng lực đào tạo, thị trường của sản phẩm đầu ra và quy mô sản xuất và đầu tư;

Việt Nam cần phải có đầy đủ các điều kiện tiên quyết: cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả để thu hút đầu tư cho đào tạo toàn bộ các ngành bán dẫn và vi điện tử, quyết tâm chính trị của toàn bộ hệ thống để có thể xây dựng được bộ máy tổ chức quản lý và triển khai chiến lược và thực thi ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử, đầu tư lớn về con người, trang thiết bị và tài chính không chỉ cho đào tạo chuyên gia mà còn sản xuất, thương mại hóa ngành bán dẫn và vi điện tử.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Trên cơ sở đó có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn và vi điện tử toàn cầu, có thể chủ động hoặc chi phối một phần quá trình này mới có thể chủ động đào tạo các chuyên gia ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử.

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ đề xuất, cần cơ cấu, tổ chức lại hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu theo hướng tích hợp hệ thống, sử dụng chung trang thiết bị, phòng thí nghiệm chuyên dụng, tài liệu cho đào tạo các ngành công nghệ cao góp phần giải quyết cơ bản các nhiệm vụ đặt ra, giảm thiểu những khó khăn vướng mắc, phát huy các yếu tố thuận lợi, tận dụng tối đa năng lực của hệ thống đào tạo hiện nay với một số yếu tố mới.

Trong đó có việc tái cơ cấu tổ chức đào tạo các chuyên ngành công nghệ cao tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Học Viện Kỹ thuật quân sự;

Cải tổ hệ thống các Viện nghiên cứu chuyên ngành để có thể kết hợp nghiên cứu với đào tạo các ngành công nghệ cao, làm nền móng, cơ sở thực nghiệm và nghiên cứu trong các chương trình đào tạo (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện khoa học công nghệ Quân sự,…);

Cần đổi mới phương pháp, mô hình của các trung tâm, cơ sở đào tạo theo hướng gọn nhẹ, tích hợp hệ thống nghiên cứu, trang thiết bị hiện đại với cơ sở đào tạo các ngành công nghệ cao, gắn đào tạo với các chương trình nghiên cứu ứng dụng thực tế;

Xây dựng mô hình tổ chức quản lý điều hành từ chương trình giảng dạy tới sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên gia các nhà khoa học tham gia quá trình giảng dạy công nghệ cao.

Ví dụ xây dựng mô hình tổ chức theo dự án đào tạo có chủ đầu tư, có người thực hiện và đơn vị ứng dụng sản phẩm.

Trong dự án đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi điện tử, chủ đầu tư là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này lên chương trình, Bộ Giáo dục đào tạo thực hiện, sản phẩm đầu ra do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương và các bộ ban ngành, doanh nghiệp ứng dụng. Mô hình đầu tư thực hiện trong vòng đời dự án. Đây là chuỗi nên sự ổn định và thành công phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các đơn vị thực hiện dự án.

Cùng với đó, cập nhật, cải tiến thường xuyên, thu hút đầu tư, đổi mới chương trình đào tạo, bám sát nhiệm vụ thực tế của nền kinh tế và thị trường nhân lực của các ngành công nghệ cao của Việt Nam và các nước trên thế giới.

Chủ động xây dựng đầu ra theo cơ chế thị trường cho nhân lực các ngành công nghệ cao: Xây dựng thị trường nhân lực chất lượng cao (cơ sở đào tạo) gắn kết chặt chẽ và vận hành đồng bộ cùng các khu công nghiệp công nghệ cao (doanh nghiệp) và thị trường ứng dụng khoa học công nghệ (đầu tư và thương mại);

Xã hội hóa tối đa đào tạo nhân lực các ngành công nghệ cao kết hợp với tự chủ đại học, vận hành theo nguyên tắc của cơ chế thị trường;

Không đầu tư dàn trải mà tập trung đào tạo nhân lực cho một số ngành công nghệ mũi nhọn, công nghệ lõi, công nghệ nền với nhu cầu nhiệm vụ mang tầm vóc chiến lược lâu dài, có ý nghĩa lớn lao, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đồng thời giải quyết các nhiệm vụ cấp bách phát triển của nền kinh tế;

Hợp tác sâu rộng giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Hợp tác quốc tế sâu rộng tạo điều kiện đào tạo các chuyên ngành công nghệ cao với chi phí thời gian và đầu tư nhỏ nhất, đảm bảo chất lượng, cập nhật hệ thống tài liệu, chương trình, trang thiết bị hiện đại và thu hút chuyên gia, giảng viên cao cấp tham gia tổ chức và đào tạo nhân lực các ngành công nghệ cao.

Với công nghệ bán dẫn và vi điện tử, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, phải xác định thị trường và các sản phẩm bán dẫn và vi điện tử; Không thể xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử với tất cả các loại chất bán dẫn cũng như các tất cả các loại vi điện tử. Kinh nghiệm thành công của các nước cho thấy cần chọn ra một số chuyên ngành đào tạo bán dẫn và vi điện tử phù hợp với sản phẩm bán dẫn và vi điện tử trong chuỗi cung ứng của thế giới;

Nên áp dụng mô hình đào tạo, hệ thống tổ chức quản lý, chương trình đào tạo chuẩn của Mỹ, có tham khảo tài liệu, chương trình và kinh nghiệm đào tạo của các nước khác.

Phải xây dựng được hệ thống tài liệu phong phú và hiện đại cho các chuyên ngành đào tạo, các phát minh sáng chế công nghệ của riêng mình, hệ thống chuyên gia cao cấp mới có thể cạnh tranh với các đơn vị khác trên thế giới và làm nền tảng cho phát triển các nghiên cứu và đào tạo;

Xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch cần đầu tư, thực hiện bài bản, có hệ thống từ nghiên cứu cơ bản, xây dựng hệ thống chuyên gia cho nghiên cứu và đào tạo, ứng dụng các sản phẩm. Hệ thống trang thiết bị nghiên cứu cần được đầu tư hiện đại, đảm bảo tính cạnh tranh trong nghiên cứu;

Lực lượng cán bộ chuyên gia, giảng viên cao cấp để đào tạo nhân lực trong chuyên ngành bán dẫn và vi mạch điện tử cần được đào tạo và đào tạo lại theo các chương trình chuyên sâu với sự hỗ trợ của các tập đoàn và các đơn vị lớn như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản. Thời gian trung bình đào tạo và đào tạo lại của lực lượng chuyên gia thường sẽ từ 3 – 5 năm;

Hệ thống nghiên cứu, sản xuất chất bán dẫn và vi điện tử cần phải được tích hợp với hệ thống đào tạo để sử dụng chung hiệu quả nguồn lực (tích hợp trong phạm vi của từng ngành, trên cơ sở một đơn vị hành chính có chung nguồn lực cơ bản đất đai, phòng thí nghiệm, cơ chế tổ chức quản lý, chính sách thuế, nguồn nhân lực...);

Sản phẩm đào tạo đầu ra các ngành công nghệ bán dẫn và vi điện tử phải được điều tiết bằng cơ chế thị trường, trong đó có nhu cầu từ các khu công nghiệp, tập đoàn công nghệ sản xuất các sản phẩm bán dẫn và vi điện tử, thỏa mãn thị trường trên thế giới.

Linh Trang