Tháng 3 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Nhật Bản, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên cấp độ mới |
Trong vài ngày qua, các tờ báo điện tử Trung Quốc đã hết sức quan tâm đến các hoạt động mang tính chất ngoại giao của Việt Nam, trong đó có hoạt động của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Philippines cũng như một số hoạt động quốc tế khác của Việt Nam, trong đó có hoạt động của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Nhật Bản, đồng thời chú ý tới mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nhật Bản với Việt Nam.
Theo tờ “Tin tức Tham khảo” Trung Quốc, ngày 23 tháng 5, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội kiến với Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam, hai bên xác nhận sẽ triển khai hợp tác về tình hình Biển Đông hiện đang tiếp tục căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản đang phối hợp để cử Ngoại trưởng Fumio Kishida đến thăm Việt Nam vào tháng 6 tới. Theo tuyên truyền và nhận định của báo chí TQ, liên quan đến bảo đảm an ninh hàng hải, hai bên đã tăng cường “tư thế kiềm chế Trung Quốc”.
Theo tờ “Nihon Keizai Shimbun” Nhật Bản ngày 23 tháng 5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ cảm hơn về sự ủng hộ của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông: “Bày tỏ hoan nghênh với những nỗ lực dựa trên chủ nghĩa hòa bình tích cực của Thủ tướng Shinzo Abe”.
Ngày 23 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tiếp Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam |
Ông Shinzo Abe đã phê phán Trung Quốc, cho biết: “Nhật Bản cảm thấy lo ngại về căng thẳng khu vực do Trung Quốc đơn phương hạ đặt (trái phép) giàn khoan gây ra. Hy vọng nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp lý”. Theo Thủ tướng Shinzo Abe thì hoạt động này đã gây căng thẳng khu vực, gây lo ngại cho dư luận. Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời tiến hành hợp tác với Việt Nam.
Về việc các doanh nghiệp Nhật Bản bị thiệt hại do biểu tình không đúng cách của người Việt ở một số nơi (vì bị các phần tử xấu lôi kéo), Thủ tướng Shinzo Abe đã đề nghị Việt Nam áp dụng hành động và bảo đảm cho các doanh nghiệp Nhật Bản an tâm hoạt động. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cam kết, Việt Nam sẽ bảo đảm an toàn cho người Nhật Bản.
Bài báo mở giọng tuyên truyền giống như những gì đã làm từ trước đến nay mỗi khi các nước hàng xóm có quan chức đến thăm nhau cho rằng, Nhật Bản sẽ còn cùng với Việt Nam và các nước xung quanh “tăng cường liên kết nhằm vào Trung Quốc”.
Ngày 22 tháng 5, tại phủ Thủ tướng, ông Shinzo Abe cũng đã hội kiến với cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir, đã cùng bày tỏ cần dựa vào biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình Biển Đông. Ngày 21 tháng 5, khi hội đàm với Thủ tướng Malaysia Najib, hai bên đã đạt được đồng thuận về việc tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực cho cơ quan bảo vệ bờ biển.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. |
Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 22 tháng 5 cũng dẫn hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 22 tháng 5 cho hay, nhiều nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản tiết lộ, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida có kế hoạch đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 2014, hiện nay hai bên đang phối hợp về vấn đề này.
Được biết, Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam, cho biết lập trường của Nhật Bản là sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để đảm bảo an toàn biển Hoa Đông và Biển Đông.
Hai bên sẽ còn xác nhận đẩy nhanh tham vấn liên quan đến việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Nguồn tin tiết lộ, ông Fumio Kishida còn cân nhắc thăm Campuchia trước và sau khi thăm Việt Nam.
Ông Fumio Kishida có kế hoạch, trong thời gian chuyến thăm, sẽ tổ chức hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, dự kiến hai bên sẽ đạt được đồng thuận về “kiên quyết không cho phép dùng thực lực làm thay đổi hiện trạng”, hai bên Nhật-Việt sẽ phối hợp thống nhất trên phương diện tăng cường trao đổi với các nước xung quanh như Philippines.
Ngày 16 tháng 9 năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm Việt Nam (ảnh tư liệu) |
Trước đó, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, tờ “Jane's Defense Weekly” Anh ngày 19 tháng 3 cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng tầm quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, Việt Nam đã trở thành một khách hàng xuất khẩu quốc phòng tiềm năng của Nhật Bản.
Lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên gồm có hệ thống dò tìm cảnh báo sớm, hệ thống thu thập thông tin/theo dõi...
Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam không ngừng tăng cường quan hệ chiến lược cho thấy, chính phủ hai nước có kế hoạch cân bằng với “nước láng giềng” có sức mạnh quân sự ngày càng tăng ở các vùng biển xung quanh.
Theo bài báo, để bảo vệ chủ quyền biển đảo, những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với các nước như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, tranh thủ sự ủng hộ của họ. Trong khi đó, Nhật Bản phải đối đầu lâu dài với hải quân Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku.
Việt Nam đang có nhu cầu trang bị tiên tiến để chống lại Trung Quốc xâm lược vùng biển thuộc chủ quyền của mình trên Biển Đông |
Báo chí Nhật Bản dẫn nguồn tin từ Việt Nam cho biết: Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác chiến lược có lợi ích chung và Việt Nam cũng coi Nhật Bản như vậy. Hai bên hy vọng chia sẻ những thông tin về các động thái (ngang ngược) của Trung Quốc.
Việt Nam hy vọng Nhật Bản cung cấp 10 tàu tuần tra cũ, nhưng có thể Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra mới cho Việt Nam, vì Nhật không có tàu tuần tra cũ có thể cung cấp. Trong khi đó, Nhật Bản cũng có kế hoạch cung cấp 10 tàu tuần tra cho Philippines.
Đối với hợp tác bình thường và đúng đắn giữa Việt-Nhật trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc tỏ ra tức giận, thông qua kênh ngoại giao chính thức, đã chỉ trích vô căn cứ đối với Nhật Bản.
Ngày 22 tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ra nói vào: “Những phát biểu có liên quan của Nhật Bản bưng bít sự thật, làm đảo lộn phải trái, mục đích là có ý đồ can thiệp tranh chấp Biển Đông, đạt mục đích chính trị đen tối. Chúng tôi thúc giục Nhật Bản chấm dứt tất cả lời nói và hành động khiêu khích, lấy hành động thực tế bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực”.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, những phát ngôn của Trung Quốc đang thực sự bưng bít sự thực, làm lỗn lộn phải trái, xuyên tạc, đánh lừa dư luận, mục đích đen tối là độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc đang dùng vũ lực để xâm lược vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực!
Nhật Bản có công nghệ đóng tàu tiên tiến, kể cả dân dụng và quân dụng. Nhật Bản đã cởi mở hơn trong chính sách xuất khẩu vũ khí và coi các nước ven biển như Việt Nam là đối tượng xuất khẩu và hợp tác nghiên cứu phát triển tiềm năng. |