Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index, hay còn gọi là GII) được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization – WIPO) phối hợp xây dựng cùng Trường Kinh doanh INSEAD, Pháp – một trong số các trường kinh doanh tốt nhất thế giới và Đại học Cornell , Hoa Kỳ - top 20 đại học tốt nhất thế giới theo xếp hạng QS và Times Higher Education (THE).
Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu theo báo cáo của WIPO liên tục thăng hạng trong những năm gần đây.
Cụ thể Việt Nam xếp thứ 71 năm 2014; 59 năm 2016; 47 năm 2017 và 45 năm 2018. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay và có thể nói là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia.
Đối với giáo dục, theo báo cáo GII 2018, chỉ ra một yếu tố quan trọng khiến Việt Nam đạt được thứ hạng cao là sự đầu tư cho giáo dục trong những năm gần đây.
Cụ thể, Việt Nam đã đứng đầu 2 năm liền (2017 và 2018) về chi tiêu cho giáo dục trong số các quốc gia ASEAN. Đóng góp lớn của ngành giáo dục đối với tăng trưởng về đổi mới sáng tạo quốc gia khi chi tiêu cho giáo dục tính theo GDP là 5,7% - xếp thứ 29/126.
Theo báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 cho thấy Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục (Ảnh minh họa: VTV) |
Cũng trong Báo cáo GII 2018, Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục. Đây có thể coi là thành công bước đầu rất đáng kể của toàn ngành giáo dục sau khi Nghị quyết 29 được ban hành và triển khai rộng rãi.
Được biết, sau hơn 4 năm thực hiện yêu cầu “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục” của Nghị quyết 29, số lượng và chất lượng các nhà khoa học đều tăng.
Cụ thể, từ 2012 tới 2017, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 14,4% lên 21,8%, giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng từ 47% lên 59,4% qua các năm.
Đồng thời giảng viên có trình độ khác giảm dần cả về con số tuyệt đối lẫn tỉ lệ % (giảm từ 38,6% xuống còn 18,6%).
Một trong số các mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là hoạt động nghiên cứu khoa học.
Các đại học Việt Nam tăng hạng trên bảng xếp hạng QS châu Á 2019 |
Trước đó, năm 2010, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 56.000 cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng chỉ có khoảng 1.100 giảng viên (chiếm 3%) tham gia nghiên cứu khoa học và rất ít giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu.
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 29, theo Báo cáo Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2016, khu vực các trường đại học đóng góp hơn 50% tổng số nhân lực khoa học công nghệ trong cả nước.
Tính đến hết năm 2017, trong các cơ sở giáo dục đại học đã có 945 nhóm nghiên cứu.
Số lượng các công bố, đặc biệt là công bố quốc tế và ảnh hưởng khoa học thể hiện qua mức độ được trích dẫn tăng mạnh, góp phần cải thiện vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2013, trước khi có Nghị quyết 29, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2.309 bài.
Sau Nghị quyết 29, tính từ 2017 đến tháng 6/2018, chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam, đã đạt 10.515 bài, bằng tất cả công bố trên toàn quốc giai đoạn 5 năm 2011-2015.
Năm 2018 có 02 trường đại học Việt Nam vào top 1000 trường đại học trên thế giới theo xếp loại của QS.
Ngày 23/10, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) (Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019 cho 505 trường đại học hàng đầu Châu Á. Theo thống kê của QS, Việt Nam có 7 đại học lọt tốp 500 trường hàng đầu châu Á.