Quan điểm của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trao đổi về sự việc 600 học sinh xã Hương Bình, Hương Khê (Hà Tĩnh) phải nghỉ học từ đầu năm vì địa phương và phụ huynh chưa thống nhất việc giải thể, chia, tách sáp nhập trường.
Ông Đào Trọng Thi cho biết, mặc dù không trực tiếp xử lí vụ việc nhưng bản thân ông đã theo dõi rất sát sao, bởi đây là một sự việc lớn, chủ trương sắp xếp lại hệ thống các trường là lớn để chúng ta bàn giao, đảm bảo điều kiện để các trường đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí quốc gia.
Ông Đào Trọng Thi lấy làm tiếc về sự việc ở Hương Bình. |
Ông Thi cho rằng, là chủ trương lớn nên chuẩn bị phải chu đáo, khi triển khai phải có sự bàn bạc để có sự nhất trí cao giữa chính quyền với nhân dân.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi lấy làm buồn khi biết thông tin hàng trăm học sinh nghỉ học vì chuyện của người lớn. Ông cho rằng: “Một việc rất buồn là phụ huynh và có một phần chính quyền dùng học trò như con tin để hai bên đấu tranh nhau về chuyện bảo vệ quan điểm của mình, theo tôi nghĩ không nên như vậy, trong khi chưa bàn bạc hay chưa triển khai được đầy đủ thì chúng ta nên tạm để cho các cháu học tập như cũ, bao giờ chúng ta bàn bạc hay quyết định được thì lúc đó chúng ta sắp xếp, còn khi chưa bàn xong thì không thể nói các cháu chờ đấy để chúng tôi bàn. Nên bình tĩnh để bàn, không vội vã, không bị một thời điểm nào nó là giới hạn mà mình phải cố gắng, làm chưa được cẩn trọng chưa được chu đáo” ông Thi nhấn mạnh.
Đặt cương vị là người trong cuộc, ông Thi cho rằng, nếu mình vì học sinh, vì quyền lợi học tập của học sinh thì không nên dùng học sinh như là con tin trong việc này, kể cả phụ huynh cũng không nên dùng con mình để làm chuyện đó, và vô hình chung cả phụ huynh và chính quyền địa phương đều hại con em mình.
Nhiều quan điểm cho rằng, trong sự việc này cần có một bên “xuống nước” để đảm bảo quyền lợi của học sinh được tới trường? Tuy nhiên, ở góc độ nào đó ông Đào Trọng Thi cho rằng, chuyện “nhường” cho bên nào cũng xem tới trường hợp cụ thể, xem chủ trương có đúng hay không, đề án sắp xếp các trường có hợp lý không, có đảm bảo, có đầy đủ các yếu tố hay không?
Chưa giải quyết xong sự việc, nhiều lớp học ở Hương Bình vắng bóng học sinh. |
“Nếu người ta sau khi bàn giao thế là đúng, cần thiết thì không thể xuống được, xuống nước hóa ra phụ huynh dùng con mình để áp lực cho chính quyền, nhưng hiện nay có sự phản đối từ nhiều địa phương, chính quyền, từ phụ huynh thì mình phải xem người ta phản đối cái gì và mình phải trao đổi với người ta một cách dân chủ. Cả hai bên đều vì con em của mình, tại sao lại không nhất trí thì mình phải bàn thêm” ông Thi cho hay.
Tính tới thời điểm này, đã nửa năm học trôi qua hàng trăm học sinh vẫn chưa được tới trường, trong khi đó sự việc được chính quyền địa phương khẳng định mình đúng. Nhưng xét trên phương diện quốc gia, giáo dục là quốc sách hàng đầu, phải chăng chính quyền địa phương quá bảo thủ?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Phải đặt lợi ích của học trò lên trên hết
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định nhất quyết sẽ đưa hàng trăm học sinh ở Hương Bình trở lại trường học trong thời gian sớm nhất.
Ông Đào Trọng Thị cho rằng, chuyện này chưa thể đánh giá được, nếu địa phương đúng thì kiên quyết thực hiện, quan trọng đúng nhưng phải đúng luật.
“Phía phụ huynh cũng vậy, mình không đồng tình nhưng có chính đáng hay không, hay chỉ vì ông này phản đối bảo ông kia dừng lại thì đó không phải là cách làm việc của những người có trách nhiệm” ông Thi cho biết.
Với sự việc của ngành giáo dục, quan điểm của lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định Ủy ban chỉ giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật. Còn thẩm quyền giải quyết thuộc về phía Chính phủ, ít nhất là Bộ GD&ĐT.
Khằng định lại quan điểm, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh, giờ chỉ có một điều là không ai được dùng con em của mình làm con tin, kể cả phía Nhà nước cũng như phía phụ huynh học sinh.
Trước đó, trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định, giải quyết vụ việc ở Hương Bình thuộc trách nhiệm của chính quyền, gia đình và nhà trường, nhưng Bộ GD&ĐT cũng đã xem xét lại các quy định, quy trình hướng dẫn sáp nhập trường học và về tổng thể các văn bản quản lý nhà nước không có vấn đề gì lớn.
Trên thực tế các địa phương khi thực hiện chủ trương chỉ có một số nơi có vướng mắc nhưng đã được tháo gỡ kịp thời theo tinh thần trước hết phải đảm bảo quyền được đi học của trẻ em.