Thật trớ trêu khi một số học viên liên quan đến vụ chi tiền tỷ “bôi trơn” đầu vào cao học lại chính là những người giữ vị trí quan trọng trong sở này, huyện nọ…
Con voi chui lọt lỗ kim (?!)
Trước đó, như báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin, vụ việc 40 học viên bỏ ra số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng đóng cho cán bộ TTGDTX Thanh Hóa để đấu mối “bôi trơn” đầu vào cao học đã gây bức xúc cho dư luận thời gian gần đây.
Sự việc bị bại lộ khi kết quả thi vào cao học lớp Quản lý kinh tế (QLKT) trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội không được như mong muốn của các học viên.
Kết quả thi tuyển cho thấy, trong tổng số 40 học viên tham gia thi chỉ có 7 người trúng tuyển. Bực mình vì tiền mất mà thi vẫn không đậu, nhiều học viên đã đề nghị cán bộ phòng Quản lý đào tạo (QLĐT) của TTGDTX Thanh Hóa trả lại số tiền dùng để “ bôi trơn” đầu vào.
Sau khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực của vụ việc, Hội đồng kỷ luật TTGDTX Thanh Hóa đã đưa ra “án phạt” đối với 3 cán bộ phòng QLĐT của đơn vị này.
Ảnh minh họa |
Mới đây, trong cuộc trao đổi với giới truyền thông, ông Đào Phan Thắng - Giám đốc TTGDTX Thanh Hóa tỏ ra "bất ngờ" trước thông tin cán bộ trung tâm có liên quan đến sai phạm trọng vụ chi tiền tỷ “bôi trơn” đầu vào cao học.
Xét trên phương diện trách nhiệm quản lý để xảy ra sai phạm như trên, ông Đào Phan Thắng – Giám đốc TTGDTX Thanh Hóa đưa ra lý giải nhằm chối bỏ trách nhiệm:
“Trung tâm chúng tôi không có chuyện tổ chức lớp ôn thi đầu vào cao học. Chúng tôi chỉ tổ chức học chuyển đổi cho các học viên tại trung tâm. Mọi thủ tục liên quan đến công tác học chuyển đổi chúng tôi đã hoàn tất với đơn vị bạn.
Việc tổ chức thuê địa điểm ôn thi, mời thầy dạy là tự học viên thuê, chúng tôi không chỉ đạo và hoàn toàn không nắm được sự việc có liên quan đến việc các học viên nộp số tiền 28 triệu/học viên để “bôi trơn” đầu vào cao học(?!)”, ông Thắng cho biết.
“Tuy nhiên khi nhận được đơn tố cáo của học viên, lãnh đạo trung tâm đã họp cấp ủy, ban giám đốc, thành lập hội đồng kỷ luật những cán bộ có sai phạm liên quan.”, ông Thắng thông tin.
Trước đó vài ngày trong cuộc trao đổi với báo giới, ông Trịnh Xuân Cảnh – Chánh văn phòng, phát ngôn viên báo chí của Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định sẽ làm sáng tỏ đến cùng vụ việc:
"Dù lãnh đạo TTGDTX không biết chuyện nhưng đây vẫn là trách nhiệm của người quản lý, người đứng đầu trung tâm. Trong quá trình điều tra nếu phát hiện thêm sai phạm, trách nhiệm liên đới của lãnh đạo TTGDTX, chúng tôi sẽ yêu cầu xử lý theo quy định. Nhất định rằng nếu sai đến đâu sẽ xử lý đến đó…”
“Tôi thật sự rất sốc!”
Cũng theo tìm hiểu PV và xác nhận từ phía lãnh đạo Sở Công Thương, đơn vị này có 2 cán bộ tham gia trong vụ nộp tiền “bôi trơn” đầu vào cao học gồm Cán sự lớp Lưu Thị Nga - Chánh Văn phòng Sở Công thương, Nguyễn Xuân Thắng - Phó phòng Xuất-nhập khẩu.
Liên quan đến vụ việc tiêu cực trên, chiều ngày 21/2, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, đại diện đơn vị trực trực tiếp quản lý cán bộ, ông Lữ Minh Thư – Phó giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa (nguyên là hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Thương mại –Du lịch Thanh Hóa) tỏ ra bất ngờ khi tiếp nhận thông tin trên.
“Khi nắm bắt được thông tin có dấu hiệu tiêu cực trong việc bỏ tiền chạy đầu vào cao học, trong số đó có 2 cán bộ hiện đang công tác tại sở Công thương Thanh Hóa, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ và bị sốc.
Trước đó, tôi cũng có nghe chuyện anh em đi học để nâng cao trình độ chứ đâu biết họ lại đóng tiền để lo đầu vào. Quan điểm của tôi là hoàn toàn không ủng hộ việc làm này”.
Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa |
Nhận xét về kết quả trong kỳ thi đầu vào cao học lớp quản lý kinh tế- ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Thư đưa ra nhận định : “Kết quả đó là hoàn toàn xác đáng, nó thể hiện tính nghiêm túc trong kỳ thi do trường ĐH Kinh tế tổ chức thi tuyển. Bởi lẽ một cơ sở đào tạo mà thực hiện nghiêm túc việc thi đầu vào thì sẽ không có chuyện dùng tiền mua chuộc đầu vào. Chuyện học viên thi đậu phải dựa trên năng lực thực sự của mình chứ không phải vì tiền”.
Xét về bản chất của vấn đề, sự việc trên xuất phát từ chính nhận thức của con người về “gánh nặng” bằng cấp và cơ chế tuyển dụng đi kèm hiện nay.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, khi đưa ra tiêu chí xét tuyển chủ yếu dựa vào yếu tố bằng cấp. Chính cơ chế tuyển dụng đặt nặng yếu tố bằng cấp đã khiến người học sinh “hư”. Người ta sẵn sàng bỏ một đống tiền để “mua” bằng, mua đầu vào…nhằm tạo đà thuận lợi hơn trong công việc (cất nhấc, bổ nhiệm…).
Đồng tình với quan điểm trên, ông Thư cho rằng: “ Việc làm trên không những không có tác dụng mà còn làm xấu đi hình ảnh của cán bộ công chức, làm mất đi lòng tin đối với cơ sở. Cán bộ giáo viên có năng lực, được đào tạo bài bản khi nghe được thông tin trên cũng bị xúc phạm. Cho nên về góc độ quản lý của lãnh đạo Sở chúng tôi hoàn toàn không đồng tình. Đây là hành vi sai trái quá rõ ràng”.
Trao đổi về hướng xử lý vi phạm cán bộ do đơn vị trực tiếp quản lý, ông Thư cho biết: “ hiện tại, muốn xử lý cán bộ vi phạm phải chờ kết luận của thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Theo đó, căn cứ vào hành vi vi phạm ở mức độ nào sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật rồi đưa ra hình thức xử lý. Quan điểm của lãnh đạo Sở Công thương là sai phạm đến đâu xử lý đến đó và xử lý triệt để”.
Trong một diễn biến có liên quan tới sự việc trên, mới đây (ngày 14/2) khi tiếp nhận được thông tin liên quan đến những sai phạm trên của cán bộ TTGDTX tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã chỉ đạo tổ công tác xuống làm việc trực tiếp với đơn vị này.
Thông qua kết quả thanh tra và biên bản làm việc tại TTGDTX, ông Lê Văn Hoa – Phó giám đốc Sở đã yêu cầu TTGDTX phải tiến hành kiểm điểm một cách nghiêm túc trách nhiệm quản lý, tập thể các nhân có liên quan đến vụ việc trên.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc này. Hãy cho biết ý kiến của bạn về thông tin trên ở box bình luận phía dưới hoặc gửi email cho tòa soạn tại địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn.