LTS: Dù đã được phản ánh nhiều lần về ý thức của người dân nơi công cộng nhưng việc xả rác bừa bãi, tham gia giao thông vô tổ chức vẫn gây nhiều bức xúc.
Tác giả Bùi Đức Kiên – giảng viên tại trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội chia sẻ một số ý kiến, quan điểm về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả bài viết!
Ý thức cộng đồng là một mảng đề tài có phạm vi rất rộng, trong bài viết này, người viết chỉ đề cập đến một số vấn đề như ý thức cộng đồng trong vệ sinh môi trường và tham gia giao thông công cộng.
Tìm ra một vài nguyên nhân và giải pháp cho những thực trạng đang diễn ra.
Còn nhớ vào đầu năm 2016, VTV24 có chương trình phóng sự về “những hình ảnh phản cảm tại lễ hội Đền Hùng”.
Khi được phỏng vấn về hành động vứt rác bừa bãi có bạn trẻ đã chia sẻ thẳng thắn “vì em thấy ở đây ai cũng vứt rác nên em cũng không biết là có quy định đó” [1].
Sự kiện chào đón năm mới ở hồ Hoàn Kiếm vừa diễn ra tối 30/12, những hình ảnh thường thấy của các năm trước lại xuất hiện, quanh bờ hồ hoa bị dẫm đạp, cây bị gãy cành, rác thải từ trên bờ xuống dưới lòng hồ, công nhân vệ sinh dọn không xuể [2].
Trước đó, với dự án 450 triệu đô la nhằm cải tạo kênh Nhiêu Lộc vừa được nghiệm thu thành công thì chỉ ít ngày sau, người dân lại thấy con kênh có nguy cơ ô nhiễm lại [3].
Một số người tham gia giao thông lấn sang làn dành riêng cho xe buýt nhanh. |
Không chỉ chuyện vứt rác nơi công cộng, còn rất nhiều những hình ảnh phản cảm, thiếu ý thức công cộng diễn ra phổ biến ở mọi khía cạnh cuộc sống.
Người ta ngang nhiên bỏ qua những quy định, vô tư vào những nơi trang nghiêm với những trang phục không phù hợp: quần đùi áo cộc!
Người ta tham gia giao thông vô tổ chức, bất chấp những quy định an toàn và quy định về phương tiện được ưu tiên khi tham gia giao thông.
Cách đây ít ngày, thành phố Hà Nội cho chạy thử nghiệm hệ thống xe bus nhanh (BRT) trị giá 1.100 tỷ đồng đầy đủ hệ thống phân làn những người tham gia giao thông ngang nhiên tạt đầu, lấn làn xe bus!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết người viết xin đề cập đến một thí nghiệm của hai nhà nghiên cứu tâm lý xã hội J.Willson và G.Kelling:
Họ đặt 2 chiếc xe đắt tiền tại hai đầu của một khu phố - nơi sinh sống của những người trung lưu trong xã hội Hoa Kỳ - một chiếc xe bình thường và một chiếc bị đập vỡ kính và tháo mất biển số.
Kết quả - chiếc xe thứ hai bị trộm sau một tuần trong khi chiếc thứ nhất không việc gì. Họ lại đập vỡ kính cửa của chiếc thứ nhất - sau đó một tuần nữa, đến lượt chiếc xe này bị trộm.
Từ thí nghiệm ấy hai ông đã đưa ra lý thuyết “ô cửa sổ vỡ” được với nội dung: Khi một tấm kính cửa sổ bị vỡ và không được sửa chữa – người ta sẽ cho rằng hành động đập vỡ cánh cửa được dung túng và sẽ có thêm những tấm kính cửa khác.
Những cánh cửa sổ bị phá vỡ này lại gây ra cảm giác hỗn loạn – và những hành động phạm tội tương tự có thể bùng nổ trên diện rộng [4].
Đà Nẵng sẽ phạt nặng người vứt rác lung tung tại các bãi biển |
Lý thuyết “Ô cửa sổ bị vỡ” có thể lý giải được những thực trạng đang diễn ra trong xã hội mà người viết vừa đề cập.
Khi nhìn thấy khung cảnh sạch sẽ, môi trường được quan tâm, người ta sẽ có tâm lý “giữ gìn”, không muốn mình là người đầu tiên phá vỡ sự sạch sẽ đó.
Ngược lại, khi thấy xung quanh tràn ngập những rác thải, người ta sẽ cho rằng nó vốn dĩ đã bẩn sẵn có thêm chút rác thải của mình cũng không làm môi trường thay đổi bao nhiêu.
Tương tự như vậy khi tham gia giao thông, vẫn với tâm lý giao thông vốn dĩ đã hỗn loạn, nếu không đi phá luật thì không thể được càng làm cho tình trạng hỗn loạn của giao thông thêm trầm trọng.
Chẳng phải bỗng nhiên, khi tổ chức sự kiện “Ngày hội văn hóa quốc tế” khoa Việt Nam học và Tiếng Việt – đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã đặc biệt chú ý đến công tác vệ sinh trong sự kiện này như một giảng viên của khoa đã chia sẻ trên facebook cá nhân:
“Là ngày lễ hội ẩm thực Quốc tế nên chuyện vệ sinh và các thùng rác di động được đặc biệt chú ý.
Có thể hàng nghìn lượt người sẽ ăn uống, vui chơi trong khuôn viên nên hai nhân viên vệ sinh đã được giao chuẩn bị sẵn hàng chục bao đựng rác lớn và được yêu cầu đi găng tay, dùng dụng cụ chuyên dụng gắp ngay những mẩu rác mà thi thoảng có người quên, nhỡ vứt xuống.
Nhà vệ sinh thì cũng phải sạch, khô thường xuyên và đặt sáp thơm mới trong chiều và tối đó”.
Ngoài cách lý giải trên cho những thực trạng trên, còn một nguyên nhân khác xuất phát từ các cấp quản lý.
Trước hết, bàn đến góc độ vệ sinh đô thị. Người viết may mắn có cơ hội đi đến nhiều thành phố/ thị trấn ở Việt Nam.
Nơi nào sạch sẽ đều là những nơi thùng rác luôn được đầu tư có hệ thống và trải rộng ở từng góc phố.
Điển hình như ở Huế, cứ cách 500m người ta lại đặt một thùng rác và trải rộng ở phạm vi toàn thành phố chứ không chỉ ở tụ điểm du lịch.
Điều này vô hình trung sẽ tạo ra thói quen vứt rác vào thùng cho những người dân sống ở đây khi họ di chuyển trong thành phố.
Ở thành phố Hà Nội, nơi có mật độ tập trung dân cư rất lớn, ngoài khu phố cổ tập trung nhiều khách du lịch, các quận khác trong nội thành thường hiếm khi thấy xuất hiện hình ảnh của “cái thùng rác”.
Cùng với văn hóa “thuận tiện” của người dân và sự thiếu hụt về hệ thống thùng rác trong các đô thị như Hà Nội, tình trạng thiếu ý thức vệ sinh công cộng sẽ còn diễn ra kéo dài.
Kế đến, tình trạng giao thông “bát nháo” như hiện nay ở một số đô thị lớn, người viết liên tưởng đến câu chuyện trong ngành giáo dục về những “siêu đề án ngàn tỉ” thời bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong bài báo “Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ” đăng tải trên báo giaoduc.net.vn ngày 30/12/2016.
Kết luận, tác giả bài viết cho rằng có “dấu hiệu vẽ “siêu đề án” tìm cách tiêu tiền ngân sách” [5].
Trong lĩnh vực quy hoạch hệ thống hạ tầng cho giao thông đô thị, không thể loại trừ những trường hợp “vẽ đề án” để tiêu tiền ngân sách như trên.
Riêng dự án BRT ở Hà Nội, theo ý kiến của thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng), cho rằng “từ rất lâu, các chuyên gia đã nhìn thấy sự lãng phí và thiếu hiệu quả của dự án này” có dấu hiệu “đâm lao phải theo lao” vì dự án đã chậm 10 năm chứ không phải 1 năm [6].
Thậm chí có quan điểm còn cho rằng đây là dự án “cố đấm ăn xôi” [7].
Là người thường xuyên di chuyển trên con đường có hệ thống bus nhanh BRT ở Hà Nội, nhìn vào thực tế quy hoạch cho hệ thống BRT trên đoạn đường Tố Hữu dài 3.4km, người viết liên tưởng đến chương trình Táo Quân năm 2010, Táo Giao thông đã có đề xuất:
“Không được ngăn ngã ba ngã tư bằng những hàng rào dây thép gai mà phải xây những bức tường thành thật vững chắc như kiểu vạn lý trường thành bên Trung Quốc.
Chỉ khác là ta sẽ trổ những lỗ hoa để người thân có lỡ nhìn thấy nhau hai bên đường thì đứng vẫy tay, vẫy tay tạm biệt vì người tham gia giao thông cứ đi thẳng, đi thẳng nữa và đi thẳng mãi” [8].
Trên con đường chỉ có 3 làn xe lại tập trung hàng loạt các cụm chung cư với hàng chục tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, nhà quản lý đã bịt 2/3 ngã ba, ngã tư lại dẫn đến gây khó khăn cho việc đi lại của người dân trong khu vực này.
Đồng thời, chính điều đó càng làm cho người dân có “cơ hội” để vi phạm an toàn giao thông với thói quen “thuận tiện” của mình [9, 10].
Như vậy, khi bàn đến vấn đề vệ sinh môi trường và ý thức tham gia giao thông, tìm nguyên nhân và giải pháp cho những vấn nạn đó, không thể chỉ đứng ở góc độ người dân hay nhà quản lý mà cần phải nhìn nhận một cách đa chiều để từ đó các biện pháp khắc phục mới trở nên hiệu quả và tối ưu.
Và điểm cần lưu ý nhất, khi đưa ra giải pháp cần phải thực hiện đồng bộ tránh tình trạng làm cho có, “cố đấm ăn xôi” gây lãng phí công sức và thất thoát ngân sách của nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.youtube.com/watch?v=bVODVDo15FM
[2] http://vnexpress.net/photo/thoi-su/rac-ngap-trung-tam-ha-noi-sau-le-don-nam-moi-3522114.html
[3] http://vnexpress.net/photo/thoi-su/kenh-nhieu-loc-co-nguy-co-o-nhiem-lai-3134836.html
[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Broken_windows_theory
[5] http://giaoduc.net.vn/gdvn-post173521.gd
[6] http://news.zing.vn/buyt-nhanh-ha-noi-dam-lao-phai-theo-lao-post706268.html
[7] http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/co-dam-an-xoi-1020323.tpo
[8] https://youtu.be/ZaG2LKU2SgE?t=25m15s
[9] http://laodong.com.vn/thời-sự-xã-hội/đầu-giờ-sáng-buýt-nhanh-brt-bỗng-trở-thành-buýt-chăm-625310.blđ
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức góc nhìn và cách hành văn của tác giả