Theo số liệu thống kê của Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học FPT, “phao cứu sinh” 30% điểm học bạ trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông đã có tác động đáng kể đối với kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học của một số địa phương.
|
Phần lớn, “phao cứu sinh” 30% điểm học bạ trong cơ cấu điểm tốt nghiệp trung học phổ thông đã nâng tỷ lệ tốt nghiệp tăng cao; nơi cao nhất, nâng tỷ lệ học sinh đậu tăng thêm 41,73%; nơi thấp nhất 0%.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sự đồng đều, độ khó trong các bài kiểm tra đánh giá định kỳ giữa các địa phương khác nhau nên có thể tạo ra sự không công bằng giữa các địa phương.
Trong bài viết, Các Giám đốc Sở nêu quan điểm về bỏ hay giữ 30% điểm học bạ trong xét tốt nghiệp, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đăng tải ý kiến của ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cũng cho rằng: "Vấn đề quan trọng bây giờ là làm sao mình quản lý được tính nghiêm túc trong quá trình cho điểm của các thầy cô giáo ở bậc phổ thông cũng như trong việc tổ chức các bài kiểm tra định kỳ.
Và quản lý cho được sự đồng đều, độ khó giữa các bài kiểm tra định kỳ giữa các tỉnh, thành. Cái này, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã từng nêu ý tưởng về ma trận đề thi chung cho cả nước trong các bài kiểm tra định kì.
Rồi sau đó, các tỉnh căn cứ vào ma trận của Bộ giáo dục để triển khai thành một đề thi riêng, cụ thể ở trường mình. Đó là một ý tưởng hay mà Bộ đã đưa ra nhưng không biết vì lý do gì mà không triển khai.
Như vậy, nó sẽ đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương trong quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh. Hơn nữa, việc sử dụng điểm học lực, hạnh kiểm trong suốt quá trình đào tạo là xu thế chung của giáo dục hiện đại".
Có đề xuất cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có 1 kho đề thi chung để các tỉnh, thành trên cả nước lựa chọn cho học sinh làm đề. Theo đó, độ khó dễ của đề thi giữa các địa phương là tương đương nhau.
Từ đây, cơ quan quản lý chuyên môn có thể đánh giá khách quan về chất lượng học sinh vùng miền và kết quả kì thi tốt nghiệp sau này.
|
Chia sẻ xung quanh vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn đồng ý với đề xuất xây dựng một kho đề thi chung cho cả nước. Từ ngân hàng đề thi này, các địa phương sẽ lấy từ đó để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá học sinh.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ lấy ví dụ, một môn học có thể ra 100 câu hỏi, trên cơ sở đó để các địa phương chọn lựa các câu đó để kiểm tra đánh giá học sinh.
“Tôi thường gọi là ra ngân hàng đề kiểm tra, trong đó một môn thi có thể có 100 câu hỏi ngân hàng. Đối với một câu hỏi trong ngân hàng đề, nhà chuyên môn đưa ra khía cạnh khác nhau nhưng về phương diện trí tuệ, cấp độ khó, dễ tương đương nhau. Từ đây, người ta kiểm tra cũng tiện lợi khi sử dụng câu hỏi để kiểm tra, thuận lợi cho giáo viên và giúp cho việc đánh giá việc học sinh tương đối công bằng giữa các địa phương, các trường”, Phó Giáo sư Nhĩ cho hay.
Phó Giáo sư Nhĩ cho rằng, chúng ta có đầy đủ điều kiện để thực hiện kho đề thi chung.
Ông lấy ví dụ chúng ta có thể tập hợp 100-200 giáo viên ở các miền khác nhau dạy môn A, môn B… và để họ ra đề kiểm tra như thế nào thì gửi hết về cơ quan quản lý. Sau đó, Hội đồng xem xét lại câu hỏi của họ, cần bổ sung hay bớt để mình tập hợp ra bộ đề kiểm tra.
“Theo tôi, việc này không tốn tiền và không mất thì giờ nhiều, chỉ là cách làm thôi”, Phó Giáo sư chia sẻ.
Theo đánh giá của Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, từng có những năm thực hiện đề thi chung như vậy. Bây giờ làm ngân hàng đề để kiểm tra với các môn học vào học kì, thì chính cái đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, và để mình có thể nhận thấy kết quả chung của toàn miền, và thậm chí còn hỗ trợ cho việc thi cử sau này.
Đồng thời, việc thực hiện kho đề thi chung cũng không có sự chênh lệch độ khó giữa các địa phương trên cả nước. Trình độ học sinh ở các vùng miền như thế nào, thì khi thống kê lên nhìn biểu đồ có thể thấy rõ, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
Những khu vực học lực của học sinh thấp hơn mặt bằng chung thì chúng ta cần có chính sách đầu tư vào trong những vùng đó để nâng trình độ lên, hay là có một chính sách như chính sách tuyển sinh tạo điều kiện cho nơi đó có nguồn đào tạo, có hệ số 1,1 hay 1,2 gì đó, để cho đảm bảo được sự cân bằng chung. Đó là cơ sở dữ liệu giúp người quản lí để có những chinh sách nhất định phù hợp, hiệu quả.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ thêm về việc nhiều trường làm ma trận đề thi và việc này cũng có thể áp dụng chung cho ngân hàng đề thi.
“Ví dụ, trong đề kiểm tra học kì 1, tôi cho 50 câu thì được phân loại ra 1/3 câu hỏi dành cho học sinh học lực trung bình yếu, 1/3 câu hỏi là học sinh trung bình và còn lại là học sinh khá giỏi. Tôi hướng dẫn cho các trường ra đề kiểm tra như vậy, nhà trường lấy 1 câu hỏi trong phần yếu kém, thấp và 1 câu ở trình độ trung bình, còn lại là câu ở trình độ cao.
Nếu học sinh nào không làm đề ở trình độ cao sẽ được điểm ít, còn ai làm được tất cả thì chứng tỏ học sinh đó giỏi hơn”, Phó Giáo sư Nhĩ nói.
Theo Phó Giáo sư Nhĩ, việc ra "ma trận đề thi" chung thì cũng không gây khó khăn gì đối với các giáo viên.
Chia sẻ quan điểm về ý tưởng trên, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: "Điều kiện tiếp cận về kinh tế, xã hội của học sinh ở các địa phương là khác nhau và không bình đẳng, nên không thể làm cùng nhau được".
Trước thực tế có “phao cứu sinh” 30% điểm học bạ trong cơ cấu điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông giúp cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp một số nơi cao lên, có ý kiến cho rằng việc ra việc đánh giá định kỳ ở các địa phương có sự chênh lệch nhau.
Thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định, rõ ràng có thể thấy sự không công bằng bởi điểm các địa phương là khác nhau.
“Thực sự là cũng khó, trừ khi là bỏ hẳn yếu tố xét học bạ đi, còn nếu xét kiểu gì cũng lạm phát, không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, chuyện không chính xác, không công bằng giữa các địa phương thì đó cũng là một thực tế, bởi vì cái mặt bằng chung trong tiếp cận là khác nhau về kinh tế, xã hội”, thầy Ngọc nói.
Thầy Ngọc lấy ví dụ, một học sinh ở miền núi được 7 điểm thì cũng có thể không thua kém gì các bạn ở thành phố được 9 điểm. Đó là một thực tế, bởi vì các em ấy đang bị kìm hãm về điều kiện kinh tế xã hội. Nếu bạn đó có được đầy đủ điều kiện kinh tế, xã hội thì sẽ có kết quả khác.
“Cho nên mình phải chấp nhận kết quả vênh nhau giữa các địa phương”, thầy Ngọc cho hay.
Nhận định về việc một số trường thực hiện “ma trận đề thi”, thầy Ngọc cho hay, nếu làm tại cùng một địa phương là 1 huyện thì có thể được. Tuy nhiên, nếu áp dụng phạm vi toàn tỉnh thì khó bởi có sự vênh nhau về điều kiện kinh tế xã hội.