Giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ khó đạt tiêu chuẩn xét Nhà giáo ưu tú

21/07/2023 06:31
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa kể đến danh hiệu Nhà giáo nhân dân mà ngay cả danh hiệu Nhà giáo ưu tú thì một số tiêu chuẩn có lẽ quá tầm với đối với giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (gọi tắt là dự thảo). Điều này cho thấy Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các nhà trường bởi đây là cách tôn vinh, ghi nhận công lao của các nhà giáo tiêu biểu đã và đang công tác trong ngành giáo dục.

Tuy nhiên, từ thực tế những đợt xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân; Nhà giáo ưu tú trong những năm vừa qua, cũng như những tiêu chuẩn mà dự thảo Nghị định lần này rất khó cho đội ngũ nhà giáo đang dạy cấp mầm non và giáo dục phổ thông nếu không kiêm nhiệm các chức vụ.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Tiêu chuẩn về danh hiệu thi đua để xét Nhà giáo ưu tú rất khó đạt

Tại Điều 10 của dự thảo quy định tiêu chuẩn về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” ngoài quy định về số năm công tác còn 4 tiêu chuẩn cơ bản. Theo đó, tiêu chuẩn 3 sẽ là một thách thức lớn với nhà giáo. Tiêu chuẩn của dự thảo yêu cầu: “Đã 07 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; 01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh; 01 lần được tặng bằng khen bộ, ban, ngành, tỉnh.

Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập: đã 05 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; 01 lần được tặng bằng khen bộ, ban, ngành, tỉnh.

Đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu thì tập thể do cá nhân quản lý 03 năm liền kề năm đề nghị xét tặng được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, trong đó có 02 lần đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” hoặc được tặng 02 cờ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên”.

Với quy định như thế này, rất khó để những nhà giáo đứng lớp nhưng không kiêm nhiệm chức vụ đạt được tiêu chuẩn: “01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh” vì chiếu theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP cho thấy muốn đạt được 1 trong các danh hiệu này thì nhà giáo phải liên tục được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 lần liên tục.

Trong khi, tiêu chí để xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm nay đều yêu cầu phải có sáng kiến kinh nghiệm được cấp cơ sở công nhận (cấp huyện đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; cấp trường đối với giáo viên trung học phổ thông). Thực tế, rất hiếm có giáo viên đạt được sáng kiến kinh nghiệm 3 năm liên tục.

Đó là chưa kể đến khi nhà trường đề nghị xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh thì sáng kiến kinh nghiệm sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chấm thẩm định lại một lần nữa. Và nếu là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải qua nhiều lần bỏ phiếu kín (trường, phòng, sở) để đạt 80% số phiếu tín nhiệm. Và đương nhiên để được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Bộ lại còn khó hơn.

Tiêu chuẩn về tài năng sư phạm

Đối với tiêu chuẩn về tài năng sư phạm cũng là rất hiếm có giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ đạt được.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường giáo dưỡng, trường trung học phổ thông, trường chuyên, trường năng khiếu...đạt các tiêu chuẩn sau:

01 sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành, tỉnh;

Chủ trì biên soạn 02 tài liệu bồi dưỡng hoặc báo cáo chuyên đề theo các chương trình bồi dưỡng hoặc sinh hoạt chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức…”.

Để đạt tiêu chuẩn này, bắt buộc giáo viên phải có 1 sáng kiến được cấp tỉnh công nhận- dù khó những vẫn có một số giáo viên đạt được hàng năm.

Thế nhưng, nếu không kiêm nhiệm một chức vụ gì như: hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; tổ trưởng hội đồng bộ môn…thì giáo viên làm sao có cơ hội để “chủ trì biên soạn 02 tài liệu bồi dưỡng hoặc báo cáo chuyên đề theo các chương trình bồi dưỡng hoặc sinh hoạt chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức”?

Bởi lẽ để được chủ trì 1 tài liệu bồi dưỡng hoặc báo cáo chuyên đề các chương trình bồi dưỡng hoặc sinh hoạt chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức không phải giáo viên nào muốn là có thể thực hiện được mà phải là những nhà giáo đang đóng vai trò quản lý mới được phân công đảm nhận.

Vì vậy, tiêu chuẩn về tài năng sư phạm cũng không dễ để giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ đạt được. Thậm chí, ngay cả giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn mà không phải là thành viên trong Hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh cũng khó có cơ hội thể hiện “tài năng sư phạm” như dự thảo nêu.

Tiêu chuẩn về phiếu tín nhiệm của hội đồng

Nếu nhà giáo đủ mọi tiêu chuẩn, được nhà trường được giới thiệu để hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị các minh chứng cho các tiêu chuẩn xong thì phải xét qua nhiều bước. Tại Điều 11 của dự thảo cũng đã hướng dẫn cụ thể.

Đầu tiên là Hội đồng cấp cơ sở (cấp huyện); Hội đồng cấp tỉnh và các hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín.

Kết quả xét tặng của hội đồng được công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng.

Theo đó, cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” phải đạt từ 80% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên hội đồng.

Nhưng, để đạt được 80% của hội đồng (từ 9 đến 15 thành viên) là một điều cực khó, nhất là những nhà giáo “vô danh” chỉ làm công tác giảng dạy đơn thuần. Đó là chưa kể tiếp theo sở sẽ lấy ý kiến của dư luận, rồi mới đề nghị tới Bộ.

Thực tế những năm qua khi địa phương công bố danh sách được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú rất hiếm khi có những giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ. Thông thường, là những nhà giáo quản lý ở các nhà trường hoặc các tổ trưởng chuyên môn nhưng đang là thành viên Hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh.

Bởi lẽ, những nhà giáo không kiêm nhiệm chức vụ cho dù giỏi chuyên môn nhưng có những tiêu chuẩn mà họ không có cơ hội được đảm nhận như: “chủ trì biên soạn 02 tài liệu bồi dưỡng hoặc báo cáo chuyên đề theo các chương trình bồi dưỡng hoặc sinh hoạt chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức”.

Chưa nói đến danh hiệu Nhà giáo nhân dân mà ngay cả danh hiệu Nhà giáo ưu tú vẫn đang quá tầm với với nhiều giáo viên mầm non, phổ thông nếu họ chỉ làm công việc giảng dạy mà không kiêm nhiệm thêm chức vụ đoàn thể, chính quyền.

Vì thế, dự thảo Nghị định cũng cần lưu ý một số tiêu chuẩn nhằm hướng tới cơ hội được đề nghị, xét tặng cho một số nhà giáo đã và đang công tác trong ngành được rộng rãi hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI