Kể từ ngày 25/5, Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” có hiệu lực.
Điểm mới của Nghị định 35 là thay đổi các tiêu chí mới trong xét duyệt danh hiệu Nhà giáo ưu tú với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác từ 15 năm trở lên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đó, tại điểm h, khoản 3 (Điều 8) quy định về tài năng sư phạm có nêu, đối tượng quy định tại điểm này không phải thực hiện tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 8.
Cụ thể điểm h, khoản 3 nêu: Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại các trường, điểm trường ở vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của địa phương;
Vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh được cấp huyện khen thưởng thì hội đồng cấp huyện căn cứ đề xuất của cơ sở giáo dục để bình xét và lựa chọn không quá 01 nhà giáo hoặc cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục tiêu biểu cho mỗi đợt xét.
Như vậy, trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đối với cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đã có sự ưu tiên khi quy định là 15 năm trở lên, tức giảm 5 năm so với khoản 5, Điều 9, Nghị định 27 quy định với đối tượng trên từ 20 năm trở lên.
Bên cạnh đó, tại điểm a, khoản 4 (Nghị định 35) quy định về công lao và thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục có nêu: "Nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã 03 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; 01 lần được tặng bằng khen theo công trạng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước".
Trong khi đó, khoản 3, Điều 9 (Nghị định 27/2015/NĐ-CP) quy định về tiêu chuẩn danh hiệu Nhà giáo ưu tú có nêu: "Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Đã 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 05 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng".
Như vậy, so với khoản 3, Điều 9 (Nghị định 27/2015/NĐ-CP), tại điểm a, khoản 4 (Nghị định 35/2024/NĐ-CP) quy định với đối tượng trên đã giảm 2 lần danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, và bắt buộc phải là giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên. Đồng thời, điểm mới của Nghị định 35 là yêu cầu đối tượng nêu trên phải 1 lần được tặng bằng khen cấp bộ, ban, ngành...
Bên cạnh đó, Nghị định 35 cũng bổ sung tiêu chuẩn đối với giáo viên công tác từ 5 năm trở lên tại vùng đặc biệt khó khăn. Giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn như tham gia biên soạn 01 tài liệu bồi dưỡng hoặc tham gia biên soạn 1 báo cáo chuyên đề thuộc cấp bộ, tỉnh, sở, ban, ngành hoặc tác giả 2 sáng kiến cơ sở...
Đồng thời, giáo viên công tác từ 5 năm trở lên phải 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; 1 lần được tặng bằng khen theo công trạng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
Nghị định cũng có điểm mới là nhân đôi thời gian công tác đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.
Những tiêu chuẩn trong xét duyệt Nhà giáo ưu tú nêu trên đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn là sự ưu tiên, tạo động lực giúp giáo viên bám bản, bám trường, phấn đấu trau dồi chuyên môn.
Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Công Hiếu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăng Hà, Bù Đăng, Bình Phước) cho biết, về nội dung nhân đôi thời gian công tác đối với nhà giáo, cán bộ công tác tại cơ sở giáo dục, thầy Hiếu nhận định, đây là sự nội dung gắn chặt chẽ với thực tế, nhằm khích lệ động viên các thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, vùng hải đảo, biên giới.
"Nghị định 35 có những chế độ ưu tiên cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, điều này nhằm đãi ngộ, khích lệ giáo viên gắn bó với địa phương lâu dài", thầy Hiếu chia sẻ.
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở công tác ở vùng đặc biệt khó khăn có trên 15 năm công tác, Nghị định 35 đã miễn tiêu chuẩn yêu cầu giáo viên tham gia biên soạn 1 tài liệu bồi dưỡng - 1 báo cáo chuyên đề cấp sở, bộ, ban ngành hoặc tác giả 2 sáng kiến cơ sở... thầy Hiếu cho hay, sự ưu tiên này là phù hợp với địa phương.
Bởi vì: "Để đạt được tiêu chuẩn nêu trên, phải là giáo viên cốt cán của Sở Giáo dục và Đào tạo, còn với giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên ít có cơ hội...", thầy Hiếu nhận định.
Theo thầy Hiếu, hiện nhà trường có hơn 30 giáo viên, trong đó hầu hết là giáo viên công tác trên 15 năm. Lãnh đạo ngành giáo dục cũng có tuyên truyền về việc làm hồ sơ xét tặng Nhà giáo ưu tú nhưng các giáo viên còn vướng trong việc chưa có những sáng kiến, đề tài khoa học cấp bộ.
Trước câu hỏi về việc đối với giáo viên công tác trên 5 năm ở vùng có điều khó khăn về kinh tế - xã hội phải đáp ứng 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; 1 lần được tặng bằng khen theo cấp bộ, ban, ngành... để được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, thầy Hiếu nhận định, tiêu chí trên là phù hợp với các giáo viên về vùng khó khăn được một thời gian, đây là sự thử thách, đòi hỏi cá nhân phải phấn đấu trong một quãng thời gian.
Bởi lẽ, với nhà giáo, cán bộ quản lý đã công tác từ 15 năm trở lên, họ đã có sự cống hiến miệt mài và qua thời gian đã được các cấp, ban, ngành, địa phương công nhận.
"Những giáo viên về công tác tại địa phương từ 5 năm trở lên, đa phần họ là những giáo viên còn trẻ nên cần phải trải qua gian nan, thử thách để khi nhận danh hiệu cao quý, đó mới là xứng đáng, tương xứng.
Còn với những giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 15 năm trở lên, họ đã phấn đấu cả quá trình", thầy Hiếu nhận định.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăng Hà cho hay, các giáo viên của nhà trường đa số đến từ địa phương khác và họ công tác, sinh sống trên địa bàn.
Trên địa bàn, việc đi lại vẫn còn khó khăn với địa hình đồi núi, có em học sinh đi từ nhà đến trường cách xa đến 18 cây số. Điều này khiến phụ huynh vất vả trong việc đưa đón con em.
Vừa qua, trong chương trình mục tiêu quốc gia với đồng bào vùng sâu vùng xa, nhà nước đã hỗ trợ kinh phí ăn bán trú cho học sinh của nhà trường. Đây là điều vui mừng tạo điều kiện cho học sinh đảm bảo sức khỏe, bố mẹ không phải đưa đón nhiều lần.
Chia sẻ về bản thân, thầy Hiếu cho hay, thầy đã gắn bó giảng dạy tại địa phương đến nay đã 24 năm nhưng chưa làm hồ sơ để xét tặng Nhà giáo ưu tú, mặc dù bản thân đạt các tiêu chí.
Cụ thể, thầy đã nhận bằng khen của Thủ tướng vào năm 2021, đạt tiêu chuẩn về số lần danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Cô Nguyễn Thị Chung (Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tân Tập, Bắc Quang, Hà Giang) cho hay, về nội dung nhân đôi thời gian công tác đối với giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cô nhận định đây là sự động viên, hỗ trợ cho giáo viên công tác ở vùng cao.
Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn từ 5 năm trở lên, cô Chung nhận định, việc tham gia biên soạn 01 tài liệu bồi dưỡng hoặc 1 báo cáo chuyên đề cấp bộ, tỉnh, sở là khó với giáo viên địa phương, còn 2 sáng kiến cơ sở là có thể thực hiện được.
"Trong 5 năm tôi công tác ở nơi đây, là cán bộ quản lý, tôi thường để cho giáo viên trong trường làm sáng kiến cơ sở để họ đạt được các thành tích", cô Chung chia sẻ và cho hay cô công tác được 20 năm trong ngành, trong đó có 5 năm tại nhà trường.
Theo cô Chung, việc thực hiện các sáng kiến, giáo viên sẽ căn cứ thực tế của nhà trường để xây dựng, điều này không khó với giáo viên.
Đối với tiêu chuẩn về số lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, cô Chung cho biết, giáo viên của nhà trường còn gặp khó do năm nay họ đạt danh hiệu này nhưng sang năm họ lại phải đi tăng cường giảng dạy ở trường khác, vì vậy có thể họ sẽ không đăng ký.
"Về bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, nhà trường chưa có giáo viên nào nhận được", cô Chung nói.
Với quy định nhân đôi thời gian công tác với giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, cô Chung cho hay, đây là điều khuyến khích cho giáo viên bởi họ có nhiều cống hiến, chịu nhiều vất vả, từ đó tạo sự động lực cho giáo viên bám trường, bám lớp.
Cô Dương Thị Hương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thiện, Sơn Dương, Tuyên Quang) cho hay, việc đi lại tại địa phương còn nhiều khó khăn do địa hình dốc, có những hôm trời mưa to, nước lũ tràn về khiến nhà trường phải cho học sinh nghỉ học.
Nghị định 35 có sự ưu tiên cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn trong việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Tuy nhiên với thực trạng hiện tại của địa phương, cô Hương nhận định vẫn còn nhiều khó khăn để thực hiện một số tiêu chí.
"Với tiêu chí tham gia biên soạn tài liệu bồi dưỡng hoặc báo cáo chuyên đề cấp tỉnh, giáo viên trong nhà trường còn khó thực hiện, chưa nói đến cấp bộ", cô Hương chia sẻ và cho biết, nhà trường chưa có giáo viên nào đạt 3 lần chiến sĩ thi đua cơ sở.
Theo nữ hiệu trưởng, khó khăn đối với nhà trường trong các hoạt động thi đua, học sinh ít và học sinh giỏi cũng ít.
"Nhà trường hiện có 285 học sinh, khối lớp đông nhất là 64 học sinh. Số giáo viên công tác tại nhà trường trên 15 năm khoảng 15 người", cô Hương nói.
Cô Hương thông tin, đối với tiêu chí xét tặng Nhà giáo ưu tú với giáo viên công tác từ 5 năm trở lên, với giáo viên của nhà trường cũng khó để có thể đạt được.