Xét tuyển học bạ ồ ạt dễ dẫn tới sửa điểm, chữa học bạ để có điểm số đẹp

18/06/2021 06:52
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi xét tuyển theo học bạ thì cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn chứ không sẽ dễ xảy ra tiêu cực.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 theo như Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản tiếp nối những kết quả, phương thức đã được triển khai ở năm 2020. Tinh thần không lơ là, chủ quan nhưng cũng không lo lắng cực đoan, hướng tới bảo đảm mục tiêu kép: Kết quả kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng; đồng thời bảo đảm an toàn cao nhất cho lực lượng tổ chức thi, thí sinh và các đối tượng có liên quan.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự kiến các phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Yêu cầu là tạo điều kiện tốt nhất để các thí sinh được tham dự Kỳ thi; bảo đảm mục đích, yêu cầu và huy động hiệu quả nguồn lực của Trung ương, địa phương trong tổ chức Kỳ thi; chủ động áp dụng các biện pháp để Kỳ thi có thể diễn ra an toàn cho thí sinh và những người tham gia công tác tổ chức thi.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho rằng, muốn kỳ thi an toàn – nghiêm túc- công khai- minh bạch thì trước tiên cần phải có quy định chặt chẽ thông qua văn bản hướng dẫn chung cho toàn quốc và cần rà soát lại toàn bộ các quy định cũ, cái nào còn tạo kẽ hở thì phải sửa đổi, bổ sung để bít kẽ hở có thể xảy ra.

Đồng thời, cần tập huấn thật kỹ cho đội ngũ cán bộ tham gia kỳ thi để nắm được tất cả các nội dung, quy trình, kỹ năng, nghiệp vụ của kỳ thi tốt nghiệp.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) (ảnh: Cao Kim Anh)

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) (ảnh: Cao Kim Anh)

Cũng theo ông Lê Như Tiến, việc giao kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thôngvề địa phương, chính là thực hiện phân cấp trách nhiệm, quyền hạn giữa Bộ chủ quản và các tỉnh, thành phố. Sự "phân vai, phân việc" đã rõ, không còn chồng chéo. Do vậy, lãnh đạo địa phương cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tổ chức triển khai kỳ thi.

Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của người đứng đầu, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi. Theo đó, sai phạm ở địa phương nào thì người đứng đầu tỉnh/ thành phố đó phải chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, không chỉ là phê bình, cảnh báo mà phải tính đến xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.

"Như vậy, vấn đề quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm không còn là điều khó", ông Lê Như Tiến nói.

Nhìn từ thực tế năm 2021, số lượng trường và tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ trung học phổ thông nhiều hơn những năm trước. Với ưu điểm sử dụng kết quả có sẵn từ trong năm học làm cơ sở xét tuyển, phương thức xét tuyển học bạ trở thành lựa chọn số 1 cho nhiều thí sinh ở thời điểm hiện tại. Ở một số trường đại học, số hồ sơ xét học bạ tăng đến 30 - 40% so với các năm trước.

Nhìn vào con số này, ông Lê Như Tiến cho rằng, khi xét tuyển theo học bạ thì cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn chứ không vấn đề tiêu cực sẽ dễ xảy ra vì phụ huynh chỉ cần chạy giáo viên chủ nhiệm hoặc thầy cô bộ môn là đã có thể nâng điểm, sửa điểm, chữa học bạ để có điểm số đẹp.

Hơn nữa, trường đại học khi xét tuyển bằng học bạ thì không chỉ xét vào điểm số năm lớp 12 hay học kỳ II mà cần xét cả quá trình từ lớp 10, lớp 11.

Trong khi đó, dưới góc độ của Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tôi tin rằng các trường đại học không chỉ dựa vào bảng điểm ở học bạ mà còn có các kỳ phỏng vấn để chọn lọc thí sinh hơn nữa càng ngày dân trí càng cao, nếu con học kém mà nhét vào đại học rồi không ra được trường hoặc ra trường nhưng không xin được việc thì trường sẽ mất uy tín”.

Trước đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, để đảm bảo tính công bằng, khách quan khi xét tuyển bằng học bạ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một hệ thống đánh giá điểm học bạ. Hệ thống này đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa việc chấm điểm học bạ giữa các địa phương với nhau và giữa các giáo viên với nhau.

Và phải có một bài toán tổng thể để tránh tình trạng phụ huynh, học sinh mua điểm học bạ, giành lợi thế trong xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Tất cả những công việc đó không dễ gì có thể làm ngay được.

Thùy Linh