Mới là năm học đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới vào giảng dạy ở lớp 1, nhưng những ngày qua thì dư luận cả nước đã lên tiếng bất bình vì phụ huynh phải mua quá nhiều các loại sách học cho con em mình.
Học sinh mới và lớp 1, chưa biết mặt chữ, chưa biết viết số nhưng nhiều trường học đã “chuẩn bị” cho các em từ 9-10 cuốn sách giáo khoa và hàng chục cuốn sách bổ trợ, sách bài tập khác nhau.
Liệu rồi khi các em học trên lớp, hàng chục đầu sách đó có được giáo viên giảng dạy hết và học sinh có khả năng đọc hết, viết hết hay không?
Hay là đầu năm mua vào rồi có những cuốn chỉ lật qua, lật lại vài lần, có những cuốn vở chỉ viết hết một vài trang để cuối năm bán phế liệu còn các Nhà xuất bản, các Công ty phát hành sách thì chỉ với mục đích bán được càng nhiều sách thì càng tốt?
Bài học đầu tiên trong sách giáo khoa Giáo dục thể chất (sách Cánh Diều) (Ảnh chụp từ màn hình) |
Chương trình mới giảm tải, nhưng số môn và số sách lại quá nhiều
Thông thường, khi học sinh bước vào lớp 1 thì việc đầu tiên phải học nét rồi mới tập tô, tập viết các chữ cái, sau đó mới tập ghép vần, ghép từ và sau cùng mới viết và đọc được các câu văn.
Chỉ khi biết đọc, biết viết chữ cơ bản thì học sinh mới có thể tiếp cận và học được các quyển sách giáo khoa khác. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong Chương trình tổng thể, Chương trình môn học ở các phần mục tiêu và kiến thức.
Hơn nữa, trong các buổi hội thảo về chương trình và sách giáo khoa mới thì các nhà biên soạn cũng đã từng phát biểu chương trình năm 2018 nhẹ nhàng hơn rất nhiều chương trình năm 2000.
Vậy nhưng, khi tiếp cận các sách giáo khoa lớp 1 thì chúng tôi thực sự cảm thấy choáng váng vì các em có tới 9-10 cuốn sách giáo khoa (tùy từng bộ).
Trong đó, chỉ trừ môn Tiếng Việt là bắt đầu từ những chữ cái còn lại các môn học khác là ngay bài học đầu tiên đã có những hoạt động, những câu hỏi vận dụng…cho học sinh bằng các câu văn hoàn chỉnh.
Liệu đây có phải là các nhà xuất bản và các tác giả sách giáo khoa đang đánh đố học trò hay mục đích viết sách ra chỉ nhằm mục đích là bán sách mà thôi? Bởi vì những câu văn tròn trĩnh dùng để hỏi kia thì làm sao các em đọc và hiểu hết được?.
Điều đặc biệt là học sinh lớp 1 không chỉ có 9-10 cuốn sách giáo khoa mà gần như môn học nào cũng có sách bài tập, sách bổ trợ đi kèm.
Thôi thì môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh có sách bài tập sẵn đã đành, đằng này các nhà xuất bản còn biên soạn sách bài tập tất cả các môn học như: bài tập Hoạt động trải nghiệm; bài tập Âm nhạc; bài tập Đạo đức; bài tập Tự nhiên và Xã hội….để làm gì?
Trong khi, học sinh đi học thì bên cạnh sách giáo khoa cũng đều có thêm vở chép bài, vở bài tập ở nhà…
Vậy mà, các nhà biên soạn sách vẫn thiết kế thêm sách bài tập in sẵn, thêm một vài bài nâng cao trong sách bài tập, rồi xuất bản thêm sách hướng dẫn giải bài tập nâng cao, sách tham khảo…
Thử hỏi, mỗi tiết học ở Tiểu học là 35 phút, học sinh lớp 1 thì mới bước vào học, còn chưa biết ghép vần thì hàng chục loại sách giáo khoa, bài tập như vậy nhằm phục vụ cho ai? Vì học sinh hay vì lợi nhuận của các nhà xuất bản và lợi ích của các nhà trường?
Học sinh vừa học chữ cái mà đã được yêu cầu trả lời về nội quy nhà trường (bài đầu tiên môn Đạo đức, sách Cánh Diều: ảnh chụp từ màn hình) |
Bộ cấm dạy trước lớp 1 sao sách giáo khoa lại đầy ắp chữ ở những bài học đầu tiên?
Có một điều mà lâu nay Bộ vẫn hay nói vào dịp đầu năm học, thậm chí là ra hẳn văn bản cấm việc dạy chữ cho học sinh trước khi vào lớp 1.
Chẳng hạn như trong Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT, ngày 28/6/2013 do Thứ trưởng lúc bấy giờ là bà Nguyễn Thị Nghĩa ký đã yêu cầu:
“Tuyệt đối không tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ; không yêu cầu trẻ tập tô, tập viết chữ; đồng thời, hướng dẫn, tư vấn cho các bậc cha mẹ về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đi học lớp 1”.
Vậy, nếu học sinh không học trước chương trình thì khi vào lớp 1 có đủ khả năng để đọc và học hết hàng chục cuốn sách giáo khoa và sách bổ trợ kia không?
Thử hỏi những đứa trẻ vừa qua tuổi mầm non, chập chững bước vào lớp 1 với muôn vàn bỡ ngỡ thì làm sao đọc hết chừng ấy cuốn sách, học hết chừng ấy nội dung, kiến thức mà các chuyên gia, các tác giả sách giáo khoa đã biên soạn ra?
Hãy để cho những đứa trẻ được “thẳng lưng” đến trường
Để có được chương trình và những cuốn sách giáo khoa lớp 1 hôm nay là quá trình chuẩn bị kỳ công của Bộ Giáo dục trong suốt nhiều năm trời.
Thay đổi chương trình để học sinh được học những kiến thức thiết thực và giảm bớt đi những kiến thức không cần thiết mới được xem là thành công.
Nhưng cứ nhìn vào thực tế đầu năm học này thì xã hội không khỏi không lo lắng khi mà học sinh lớp 1 được liệt kê ra đến 23 đầu sách như Trường tiểu học An Phong (Quận 8-Thành phố Hồ Chí Minh) đã bán cho phụ huynh.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng không riêng gì Trường tiểu học An Phong mà những ngày qua đã có hàng ngàn tiếng lòng của phụ huynh trên cả nước sau mỗi bài báo viết về chủ đề này.
Gần như không có phụ huynh nào chỉ mua sách giáo khoa cho con em mình mà đều chung cảnh “bia kèm lạc” đã được các nhà trường vạch sẵn.
Nỗi khổ của cha mẹ là phải còng lưng làm lụng để chắt chiu có được những đồng tiền từ mồ hôi và nước mắt rồi bấm bụng mua sách vở, dụng cụ học tập đầu năm cho con vào lớp 1 lên đến ngót nghét cả triệu đồng.
Vậy thay đổi chương trình phỏng có ý nghĩa gì khi mà phụ huynh phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần sách cũ để mua bộ sách mới cho con em mình học tập. Học sinh lớp 1 chưa biết mặt chữ mà phải học đến gần chục môn học, trong đó có rất nhiều cuốn chỉ dành cho người...biết chữ.
Những đứa trẻ mới 6 tuổi đầu nhưng hàng ngày phải cõng sau lưng hàng chục kg sách vở cùng các dụng cụ, đồ dùng học tập liệu có "thẳng lưng" bước trên sân trường để vào lớp học?
Phải chăng, phụ huynh đang là những mỏ vàng lộ thiên, là những cây ATM để một số người nhân danh làm giáo dục lạnh lùng, tùy tiện đưa tay vào rút?