Phụ huynh cũng quen dần với việc cô giáo sử dụng con dấu thay cho lời phê truyền thống. Tuy nhiên, việc lạm dụng con dấu trong mọi trường hợp liệu có nên hay không?
Lời phê trăm bài học như một
Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30 (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định về cách đánh giá học sinh tiểu học.
Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học…
Dù đã qua hai lần sửa đổi bổ sung để hoàn thiện quy định về đánh giá học sinh tiểu học bằng việc ban hành Thông tư 22 có hiệu lực thi hành kể từ này 06/11/2016 và mới đây là Thông tư 27 có hiệu lực từ ngày 20/10/2020 nhưng có những bất cập vẫn đang tồn tại ngay khi Thông tư mới ban hành còn chờ ngày có hiệu lực trong đó có việc thầy, cô giáo lạm dụng sử dụng dấu “mộc” in sẵn lời nhận xét: “Cô khen”, “Hoàn thành”, “Con cần cố gắng” … là một trong những điển hình của muôn vàn nội dung nhận xét được các thầy cô giáo bỏ tiền để có được.
Không thể phủ nhận rằng đã có những phản hồi tích cực về việc dùng con dấu trong nhận xét học sinh như thu hút học sinh bằng các hình thù ngộ nghĩnh, thầy cô giáo tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong công tác giảng dạy và nhận xét học sinh.
Thế nhưng bản thân là một cô giáo tâm huyết với học sinh và luôn luôn áp dụng những phương pháp dạy học mới, cô giáo Vũ Thị Minh Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc nhận xét bằng con dấu là một phương pháp làm việc “không hay”.
Việc kết hợp giữa nhận xét bằng con dấu để tăng thêm thu hút, hứng thú của học sinh với việc nhận xét cụ thể từng trường hợp theo cô Hồng sẽ “bám sát học sinh và tăng hiệu quả hơn trong công tác giảng dạy”.
Tuy nhiên, việc lạm dụng vào con dấu sẵn có khiến giáo viên bị phụ thuộc, “lười” làm việc dẫn đến không bám sát học sinh.
Thực tế cho thấy, kỳ vọng của phụ huynh đặt rất nhiều và quan tâm nhiều nhất vào nhận xét của giáo viên. Bởi lời phê chính là “cầu nối” vô hình liên kết vòng tròn tương tác giữa phụ huynh – giáo viên - học sinh – phụ huynh.
Vì vậy, nếu giáo viên bỏ ra nhiều tâm huyết trong việc tận tâm nhận xét học sinh sẽ tạo sự yên tâm cũng như gần gũi trong việc quản lý và giáo dục học sinh.
Chính vì thế, sử dụng con dấu quá nhiều, mà quên mất việc nhận xét, đánh giá là cơ sở phân loại học sinh về khả năng tiếp thu, ưu điểm, khuyết điểm của từng học sinh trong quá trình học tập.
“Nếu trước đây các cô dùng con dấu nhận xét để thu hút học sinh mình cảm thấy hài lòng vì các con hào hứng với các hình thù và nhận xét bằng con dấu khuyến khích các con hoc tập.
Thế nhưng, dần rồi mình thấy cô giáo chỉ nhận xét bằng hình nữa mà quên mất nhận xét đánh giá bằng lời.
Cái đấy mình thấy hơi bất tiện, vì bản thân không biết con mình đang học ở mức độ và tiếp thu như thế nào với bài giảng.
Thường thì các cô nhận xét rất chung như “đạt”, “cô khen”, “cần cố gắng” bằng dấu, điều này diễn ra lâu dài khiến mình thật sự không lấy làm hài lòng.
Vì thế, hiện nay mình chỉ xem qua nhận xét, còn lại mình chủ động liên lạc với cô để biết tình hình học tập của con”, chị Phương Lan, phụ huynh học sinh tiểu học quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Như vậy, lời phê “truyền thống” dần bị thay thế, lạm dụng bằng các lời nhận xét “in sẵn”, vô hình trung phá vỡ chức năng vốn có của lời nhận xét là kết nối với phụ huynh bởi sự lặp đi lăp lại, nhận xét “trăm bài như một” của giáo viên.
“Cô khen”, “Hoàn thành”, “Con cần cố gắng”… là những nhận xét phổ biến được làm sẵn. (Ảnh: T.P) |
Kết hợp giữa các phương pháp tăng hiệu quả lời nhận xét
Hiện tại việc dùng dấu thay cho lời nhận xét của thầy cô giáo trong công tác giảng dạy chưa có quy định cụ thể, tức là không cấm. Đây là phương pháp được nhiều người cho là tiết kiệm thời gian hoàn thành công việc nhất cho giáo viên trong công tác giảng dạy.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nếu thầy cô giáo lạm dụng phương pháp này sẽ tạo ra những hiệu ứng xấu vì hầu như các lời nhận xét đóng dấu sẽ giống nhau.
Là một trong những giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ và luôn luôn dùng các phương pháp đổi mới đánh giá học sinh như dùng sticker (miếng dán hoạt hình, con vật…) hay dùng con dấu thay cho lời nhận xét, cô giáo Chu Thanh Hương chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Thực ra việc sử dụng các phương pháp nhận xét bằng hình ảnh cũng là hình thức để khuyến khích học sinh nếu kết hợp cùng nhận xét bằng lời và tương tác trực tiếp.
Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kến thức cho học sinh mà còn đóng vai trò là người đồng hành. Mục đích giao bài để học sinh không quên kiến thức và bố mẹ hỗ trợ con trong việc học.
Bố mẹ quan tâm, sát sao việc học của con hay không thì cô biết được một phần qua việc hoàn thành bài.
Hơn nữa, bố mẹ đã hỗ trợ con thì tất nhiên cô giáo cũng cần đưa những nhận xét cụ thể để phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con trên lớp”.
Theo cô Hương, phần nhận xét của giáo viên ngoài việc dùng con dấu in sẵn thì phải tương tác với phụ huynh bằng lời nhận xét truyền thống hoặc bằng các hình thức tương tác khác như công nghệ, phần mềm, tương tác trực tiếp.
Cùng ý kiến với cô Thanh Hương, cô giáo Vũ Thị Minh Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng: “Đánh giá học sinh ngoài việc kết hợp các phương pháp, bản thân cô nhận xét học sinh chủ yếu bằng lời. Mặc dù tốn nhiều thời gian vì sĩ số lớp đông, nhưng đã là giáo viên thì bắt buộc phải sát sao và quan tâm học sinh. Điều đó được thể hiện cụ thể qua lời nhận xét như thế thì giáo viên không nên qua loa, cẩu thả và phải có trách nhiệm với lời nhận xét của mình”.
Không thể phủ nhận việc đánh giá, nhận xét học sinh bằng con dấu in sẵn là một phương pháp đổi mới, tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên. Nhưng nếu lạm dụng thì có lẽ những cái dấu nhận xét như vậy chỉ còn là hình thức, chẳng khác nào đối phó làm cho xong. Mà chuyện hình thức hay làm việc đối phó thì đều đáng phải dẹp bỏ, nhất là với giáo dục, để những đứa trẻ lớn lên sẽ có trách nhiệm với từng việc làm của chúng, với cộng đồng chứ không qua loa, đại khái theo kiểu đối phó như những con dấu.