Yên Bái nâng mức hỗ trợ với chuyên gia bồi dưỡng HSG Quốc gia lên 4 triệu/buổi

03/08/2023 09:16
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, GD, tạo điều kiện HS ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đến trường, tiếp cận GD.

Theo Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái mới ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2025-2026, đã tích hợp các nội dung của Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND và một phần của Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ để thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện và phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể, Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND gồm 03 nhóm chính sách:

Nhóm thứ nhất là những chính sách kế thừa Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, gồm:

(1) Hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường phổ thông dân tộc bán trú;

(2) Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú có trên 150 học sinh bán trú;

(3) Hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn trưa tập trung cho học sinh học 2 buổi/ngày;

(4) Hỗ trợ kinh phí phục vụ việc quản lý học sinh bán trú.

Học sinh dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn.

Học sinh dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn.

Nhóm thứ hai là những chính sách kế thừa nhưng có điều chỉnh, bổ sung so với Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, Nghị quyết số 12/2021/NQ-HDNĐ:

(1) Hỗ trợ tiền ăn và mua gạo cho học sinh bán trú thôi hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP kể từ thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 cho đến hết năm học đang thực hiện (Chính sách này kế thừa Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, tuy nhiên điều chỉnh giảm kinh phí hỗ trợ mua gạo từ 225.000 đồng/học sinh/tháng xuống 150.000 đồng/học sinh/tháng và không chia cụ thể kinh phí hỗ trợ tiền ăn, kinh phí hỗ trợ tiền mua gạo);

(2) Hỗ trợ kinh phí để tổ chức nấu ăn tập trung đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú thôi hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 (Kế thừa chính sách của Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, bổ sung quy định đối với những trường có từ 30 đến dưới 50 học sinh được hỗ trợ 01 định mức/tháng cho phù hợp với tình hình thực tế);

(3) Hỗ trợ đối với chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, giáo viên không thuộc biên chế của tỉnh Yên Bái được mời tham gia bồi dưỡng đội tuyển tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế (Kế thừa chính sách của Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND, tuy nhiên đề nghị nâng mức hỗ trợ dạy đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi Quốc gia từ 3.000.000 đồng/buổi lên 4.000.000 đồng/buổi cho phù hợp với thực tế hiện nay; còn mức hỗ trợ dạy đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi cấp khu vực và quốc tế không thay đổi);

(4) Hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (Kế thừa chính sách của Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND và tích hợp một phần của khoản 4 Điều 10 Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND).

Nhóm thứ ba là các chính sách mới đề xuất, bao gồm:

(1) Hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú: Cứ 50 học sinh được bố trí 01 định mức nhân viên nấu ăn, mức khoán kinh phí bằng 3.350.000 đồng/tháng/01 định mức (Chính sách này giúp cơ quan tài chính các cấp có căn cứ tham mưu cấp kinh phí cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, do từ trước tới nay chưa có quy định nào về định mức hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn đối với các trường này);

(2) Hỗ trợ tiền ăn và gạo cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi cả cha và mẹ, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa ở tập trung cả tuần tại trường thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn sau năm học xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, mức hỗ trợ 750.000 đồng/học sinh/tháng, thời gian hưởng chính sách theo số tháng học thực tế cho đến hết năm học 2025-2026;

(3) Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho đối tượng học sinh vừa nêu trên với định mức khoán bằng 3.350.000 đồng/tháng/50 học sinh, mỗi trường được bố trí tối đa không quá 10 lần định mức/tháng; những trường có từ 30 đến dưới 50 học sinh thì được hỗ trợ 01 định mức/tháng;

(4) Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới bằng 160.000 đồng/trẻ/tháng cho đến hết năm học đang thực hiện (Mức hỗ trợ bằng mức tiền trẻ mẫu giáo đang hưởng theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP; tương tự như học sinh bán trú được kéo dài thời gian hưởng chính sách của Nghị định số 116/2016/NĐ-CP);

(5) Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP: Đối với các cơ sở giáo dục có trên 225 trẻ mầm non, ngoài số kinh phí được Trung ương hỗ trợ để phục vụ việc nấu ăn tập trung theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, hỗ trợ kinh phí theo định mức khoán bằng 2.400.000 đồng/tháng/45 trẻ, số dư từ 20 trẻ trở lên được tính thêm một lần định mức; mỗi cơ sở giáo dục được bố trí tối đa không quá 10 lần định mức/tháng (bằng định mức quy định theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP).

Khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, được tiếp tục hỗ trợ kinh phí để phục vụ việc nấu ăn đến hết năm học đang thực hiện; mỗi cơ sở giáo dục được bố trí không quá 15 lần định mức/tháng;

(6) Hỗ trợ kinh phí phục vụ việc quản lý học sinh bán trú khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 theo định mức khoán bằng 2.235.000 đồng/tháng/50 học sinh; mỗi trường được bố trí tối đa không quá 02 lần định mức/tháng.

Hiện nay, nhiều trường trên địa bàn tỉnh thiếu giáo viên nên nhiều giáo viên phải dạy vượt định mức quy định, việc bố trí giáo viên tham gia quản lý học sinh gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đề xuất ban hành chính sách này là cần thiết.

Với các chính sách hỗ trợ trên, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục sẽ được nâng lên, tạo điều kiện học sinh ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đến trường, tiếp cận giáo dục, giảm bớt khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi.

Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục đặc thù của các trường phổ thông dân tộc bán trú sẽ được phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tỉ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh ra lớp; chất lượng giáo dục ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện.

Đồng thời, công tác bồi dưỡng đội tuyển tham gia các kỳ thi học sinh giỏi được quan tâm, đầu tư nhiều hơn sẽ nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; giáo viên tiếng Anh có thêm cơ hội tham gia các lớp bồi dưỡng, học tập để đạt chứng chỉ quốc tế; giáo viên dạy các môn khác được bổ sung năng lực sử dụng ngoại ngữ áp dụng vào các tiết dạy sử dụng tiếng Anh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường học.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XIX - kỳ họp khóa 12 thông qua ngày 08/7 và có hiệu lực từ ngày 18/7/2023.

Ngân Chi