Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn phản ánh của hàng loạt phụ huynh tại Q. Hồng Bàng, TP Hải Phòng về việc Phòng GD&ĐT quận này có những chỉ đạo làm trái so với tinh thần của Thông tư 30 (thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học).
Đại diện các phụ huynh có con học lớp 5 của Q. Hồng Bàng cho biết, các phụ huynh đều không hài lòng với cách thức tổ chức kiểm tra học kỳ đối với học sinh lớp 5 như cuối kỳ vừa qua.
Theo phản ánh, ngày 28/8/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, kèm theo đó là Quy định đánh giá học sinh tiểu học. Điều 4 của Thông tư đưa ra nguyên tắc đánh giá: “Đánh giá sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh”.
Đây là đề thi kiểm tra cuối kỳ của học sinh lớp 5 Q. Hồng Bàng - TP Hải Phòng. Ảnh do phụ huynh cung cấp. |
Tại Chương III, Điều 15. Nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục học sinh, khoản b: Đối với học sinh khối lớp 5 có ghi: “ Hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra đề kiểm tra định kỳ cuối năm học chung cho cả khối; tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở sẽ nhận học sinh lớp 5 vào học lớp 6”.
Như vậy, Thông tư 30 ra đời nhằm đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học và giảm áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Theo nhiều phụ huynh, việc kiểm tra cuối kỳ này đã gây một áp lực lớn tới học sinh, phụ huynh.
Tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là vậy, tuy nhiên các phụ huynh có con theo học khối lớp 5 tại các trường tiểu học thuộc Q. Hồng Bàng cho rằng, nhà trường và Phòng GD&ĐT làm không đúng với hướng dẫn của Thông tư.
Cụ thể, toàn quận cho học sinh khối 5 kiểm tra chung một ngày (ngày 14/5/2015) theo đề chung của Phòng GD&ĐT.
Được biết, Hội đồng kiểm tra có cả các thầy cô giáo trường cấp II và coi thi rất nghiêm ngặt, học sinh lớp 5 ngồi theo phòng thi, số báo danh, làm bài trên giấy thi.
“Vậy, đây là kiểm tra hay là kỳ thi tốt nghiệp tiểu học? Để làm được bài theo đề chung, trước đó các cháu học sinh đã phải ôn luyện bao nhiêu bộ đề thi mà kết quả kiểm tra vẫn không theo ý muốn.
Tôi có xem đề cháu mang về nhà thì thấy đề Toán rất khó và dài, trong vòng 40 phút làm sao các cháu học sinh tiểu học có thể giải quyết hết được” vị phụ huynh này cho biết.
Nhiều phụ huynh không hài lòng với các làm của Phòng GD&ĐT Q. Hồng Bàng, Hải Phòng về đánh giá học sinh tiểu học trên địa bàn quận. Ảnh minh họa Website Phòng GD&ĐT Q. Hồng Bàng, Hải Phòng. |
“Chúng tôi chỉ muốn nhà trường, muốn Phòng GD&ĐT Q. Hồng Bàng có chỉ đạo và nhận ra những lỗi đó, có những động thái rút kinh nghiệm cho những năm học tiếp theo.
Mặc dù chúng tôi được biết, Phòng GD&ĐT Q. Hồng Bàng có xin ý kiến chỉ đạo của UBNQ quận về việc làm trên, tuy nhiên dù cấp nào thì cấp cũng phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT” vị phụ huynh này cho hay.
Vì sao nhiều người sợ làm người tử tế?
(GDVN) - Sống tử tế không khó, hãy tập làm người tử tế từ những điều nhỏ nhất như biết dành lời hỏi thăm, an ủi, động viên khi thấy mọi người xung quanh gặp bất trắc.
Cũng theo vị phụ huynh này, việc tổ chức kiểm tra cuối kỳ cho học sinh lớp 5 sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như học thêm, ôn tập thêm cho các con.
Thông tin với chúng tôi, các phụ huynh cũng cho rằng, mặc dù không học thêm nhưng ở trường các cô cũng phải tăng buổi cho học sinh.
Trong một diễn biến khác, khi nhận được phản ánh từ những phụ huynh tại Q. Hồng Bàng, Hải Phòng, một chuyên viên của Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, hiện tại đã hết năm học, nếu đúng có tình trạng như vậy thì TP Hải Phòng cần rút kinh nghiệm, vì làm như vậy gây căng thẳng, nặng nể cho học sinh.
“Nếu theo phản ánh như phụ huynh tại Q.Hồng Bàng thì phụ huynh đúng. Nếu đúng như kiểm tra định kỳ như vậy có thể sẽ gây áp lực, làm như vậy là không đúng với Công văn số 6169 ngày 27/10/2014 về việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (có nội dung: tổ chức kiểm tra định kỳ vào giờ học chính khóa, không gây áp lực).
Tôi cũng chưa dám chắc, nếu là khảo sát chất lượng cuối năm và coi đó là kiểm tra định kỳ thì lại là chuyện khác, còn nếu đã có Công văn chỉ đạo là kiểm tra định kỳ thì đó lại gây áp lực.
Nếu như đúng là học sinh phải ôn luyện thì sai tinh thần của Thông tư 30. Bất kỳ như thế nào, nhưng phụ huynh và học sinh đã cảm thấy bị áp lực thì đó là chưa đúng với tinh thần Thông tư 30” vị này nhấn mạnh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.