LTS: Chương trình giáo dục phổ thông mới với việc dạy một số môn tích hợp tại bậc Trung học cơ sở đang được nhiều thầy cô giáo quan tâm.
Là một giáo viên nhiều kinh nghiệm, thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ những bất cập trong việc 3 giáo viên dạy 1 môn để cùng trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc dạy một số môn tích hợp của chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở.
Vậy là những thắc mắc của giáo viên về việc ai sẽ là người dạy các môn tích hợp đã được Giáo sư Thuyết giải đáp trước công luận. Thế nhưng, việc 3 giáo viên dạy 1 môn tích hợp xem chừng sẽ còn rất nhiều điều rối rắm.
Tích hợp liên môn, 3 giáo viên sẽ dạy 1 môn. (Ảnh minh hoạ: Vtv.vn) |
Một điều ai cũng hiểu mỗi lần thay sách là sự đầu tư rất lớn của nhà nước và nhất là sự chuẩn bị của ngành giáo dục.
Trong đó, đội ngũ chuyên gia tham gia biên soạn là những người cực nhất. Dù cố gắng đến đâu cũng khó tránh khỏi những ý kiến phản biện của xã hội.
Và, lần này cũng vậy, kể từ khi công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông lần đầu đến nay đã nhận được rất nhiều những ý kiến phản biện của xã hội mà đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo và một số chuyên gia trong ngành giáo dục.
Những con người đang trực tiếp đứng lớp chương trình hiện hành và sẽ là người thực hiện những “sản phẩm” sách giáo khoa mới trong vài năm tới đây.
Yếu tố thành bại phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ những thầy cô đứng lớp. Bởi, người viết sách xem như là những người “thiết kế công trình” còn thầy cô giảng dạy là những người “thi công, thực hiện công trình” đó.
Vì thế, hơn ai hết, những giáo viên sẽ thẩm thấu, mường tượng được những khó khăn trong tương lai khi mà một số đơn môn được đưa thành môn học mới như Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở.
Để chuẩn bị cho việc thay sách tới đây, mấy năm qua, ngành giáo dục đã có bước chuẩn bị để giáo viên làm quen như dạy tích hợp theo địa chỉ môn học, dạy học theo chủ đề, đưa sách VNEN vào giảng dạy thí điểm.
Tuy nhiên, việc dạy tích hợp liên môn gần như chỉ tập huấn xong rồi để đó, chưa thể áp dụng vào thực tiễn. Dạy học theo chủ đề cũng chỉ mới dừng lại ở việc gán ghép một vài bài vào cùng chủ đề nhưng chưa thực sự tạo nên hiệu quả như kì vọng.
Bởi, giữa việc tập huấn, hướng dẫn đến việc thực hiện công việc tại các đơn vị là một quãng đường rất xa mà không phải giáo viên nào, đơn vị nào cũng có thể thực hiện được.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Môn tích hợp sẽ do 3 giáo viên dạy” |
Một vài buổi tập huấn mà ngay cả người trực tiếp tập huấn cho giáo viên cũng chưa giải đáp hết những thắc mắc, những bất cập trong việc tập huấn của mình thì chuyện dạy học theo chủ đề, nhất là chủ đề liên môn càng trở nên xa vời.
Mới nghe thì tưởng nó phù hợp, nó hay nhưng rõ ràng nhiều chủ đề chẳng ăn nhập gì với nhau, chẳng khác nào “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Nhiều chủ đề buồn tẻ và gượng ép đến vô cùng bởi có nhiều những bất cập, khó khăn, thậm chí là mâu thuẫn với nhau nảy sinh.
Chương trình VNEN đang thí điểm mấy năm nay na ná như sách giáo khoa mới sắp đưa vào giảng dạy trong thời gian tới.
Môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý dù gộp thành một quyển sách giáo khoa, một môn học nhưng vẫn môn của ai, người đó thực hiện.
Vì thế, Sổ đầu bài, Phân phối chương trình cứ lộn tùng phèo cả lên. Nhất là đến khi kiểm tra, một bài kiểm tra mà có kiến thức 3 môn học. Mỗi môn vài câu hỏi, đến khi chấm thì cũng 3 người chấm.
Nếu 3 người làm việc đều tay thì không nói làm gì nhưng nếu 3 người mà có một người trễ nải thì việc vào điểm cho học trò luôn bị trễ, đôi lúc cự cãi nhau.
Những khi kiểm tra học kì thì yêu cầu phải vào điểm theo qui định để báo cáo càng cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Thế nhưng, không phải lúc nào công việc cũng trôi chảy.
Nên thầy này, thầy kia chấm một môn học dẫn đến việc vào điểm chậm là cả nhóm bị nhắc nhở, phê bình, vì thế đã gây nên rất nhiều những phiền toái trong quá trình thực hiện.
Bởi một lẽ đương nhiên là hiện nay các đơn vị cơ sở vẫn phải tuân theo những ràng buộc hành chính của các cấp quản lí.
Việc gộp 2-3 đơn môn thành 1 môn học mới sẽ thuận lợi khi chúng ta có đội ngũ giáo viên các môn học này.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa đào tạo được mà có hàng trăm ngàn giáo viên đơn môn đang công tác trong ngành.
Việc hình thành các môn học mới trên cơ sở các môn học cũ sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện công việc ở cơ sở.
Khó khăn không chỉ là việc phân công giảng dạy, gộp các tổ chuyên môn lại với nhau mà việc 3 người dạy cùng một môn sẽ phát sinh rất nhiều bất cập trong việc thực hiện hành chính các loại sổ sách, giáo án…
Cứ nhìn vào các kì thi Olympic hàng năm của thế giới, chúng ta vẫn thấy đang tổ chức các đơn môn như Lý, Hóa, Sinh…
Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn? |
Và, năm nay, các đoàn của Việt Nam chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành công trong việc “đem chuông đi đánh xứ người”.
Vậy, việc gộp các môn học lại với nhau liệu có cần thiết.
Nhất là các học sinh Trung học cơ sở-bước đệm cần thiết để các em bước vào chuyên ngành ở các cấp học cao hơn.
Sự phân tán các đơn vị kiến thức trong một môn học không chỉ tạo nên sự khó khăn cho thầy cô mà còn khó khăn cho cả học sinh khi các em tiếp thu, học tập các chuyên ngành này.
Theo lí giải của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Tích hợp liên môn có nghĩa là, các nội dung vốn của từng môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau.
Ví dụ, khi môn Lịch sử dạy về lịch sử châu Mỹ thì môn Địa lý cũng sẽ dạy về địa lý châu Mỹ. Bên cạnh đó, chương trình mỗi môn học tích hợp sẽ có một số chủ đề học tập liên môn. Những chủ đề này thể hiện mức độ tích hợp cao hơn.
Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” tích hợp nhuần nhuyễn cả kiến thức lịch sử và kiến thức địa lý.
Với đặc điểm tích hợp như trên, trong điều kiện các trường Trung học cơ sở ở nước ta chỉ có giáo viên dạy đơn môn thì giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó; còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy.
Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” gồm cả kiến thức lịch sử, địa lý, nhưng nếu nội dung chủ yếu nói về chủ quyền biển đảo thì giáo viên môn Lịch sử sẽ đảm nhiệm”.
Với cách giảng dạy như vậy, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên môn học cũ nhưng sắp xếp bài học theo tuần tự của từng phân môn thì vẫn đảm bảo sự liên hệ cho học trò theo từng chủ đề.
Đồng thời, sẽ tránh được những mâu thuẫn nảy sinh giữa các giáo viên trong cùng môn học mới. Bởi, sẽ rất ít giáo viên sẽ mạnh dạn “đảm nhiệm” chủ đề của môn học của mình. Điều này, giáo viên cơ sở rõ hơn ai hết.
Giáo sư Thuyết còn nói thêm: “Theo hình dung của tôi, sắp tới, nhiều trường sư phạm có thể mở các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Khoa học xã hội giống mô hình khoa Giáo dục Tiểu học hiện nay.
Tuy nhiên, trước hết, phải xây dựng được chương trình, phải có mã ngành đào tạo để làm căn cứ pháp lý cấp bằng thì các trường sư phạm mới có thể mở ngành đào tạo”.
Đây mới là sự “hình dung” về sự “có thể” của Giáo sư nhưng nếu các trường sư phạm “chưa thể” thậm chí là “không thể” thì việc giảng dạy sẽ như thế nào?
Chuyện đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp và cả kiến thức sách giáo khoa là việc không tránh khỏi để phù hợp với sự phát triển của xã hội, tiếp cận với giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới.
Song, sự đổi mới phải đồng bộ và phù hợp với xu thế và đặc tính của giáo dục Việt Nam.
Những nhà hoạch định chính sách, viết sách giáo khoa cần phải lường hết những khó khăn trong khi thực hiện dưới cơ sở. Những việc tưởng rất giản đơn nhưng vô tình lại gây áp lực, khó khăn cho giáo viên đứng lớp.