Sau khi đưa tin Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được một số câu hỏi liên quan đến chương trình này.
Để giúp giáo viên, phụ huynh và xã hội hiểu rõ hơn về chương trình, sách giáo khoa mới, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới về vấn đề này.
Phóng viên: Hiện nay, nhiều giáo viên Trung học cơ sở thắc mắc: Môn Khoa học tự nhiên trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được thông qua bao gồm 3 nội dung vốn là 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình hiện hành.
Vậy, khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, môn Khoa học tự nhiên sẽ do 3 giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy, hay do một giáo viên dạy cả 3 nội dung này?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua, ở cấp Trung học cơ sở, có một số môn tích hợp, trong đó có môn Khoa học tự nhiên tích hợp nội dung vốn là của 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý tích hợp nội dung vốn là của 2 môn Lịch sử, Địa lý.
Dạy học tích hợp là xu thế chung của chương trình giáo dục phổ thông các nước.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, dạy học tích hợp là xu thế chung của chương trình giáo dục phổ thông các nước (Ảnh: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cung cấp) |
Tuy nhiên, có nhiều mức độ tích hợp khác nhau. Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam mới tích hợp ở mức độ thấp, tức là tích hợp liên môn, chứ chưa phải là tích hợp ở mức độ cao như nhiều nước trên thế giới.
Tích hợp liên môn có nghĩa là, các nội dung vốn của từng môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) vẫn được trình bày riêng nhưng được tổ chức lại một cách thống nhất để kiến thức ở các môn học hỗ trợ, soi sáng cho nhau.
Dạy tích hợp theo sách mới: 1 sách 3 thầy hay 1 thầy 3 môn? |
Ví dụ, khi môn Lịch sử dạy về lịch sử châu Mỹ thì môn Địa lý cũng sẽ dạy về địa lý châu Mỹ.
Bên cạnh đó, chương trình mỗi môn học tích hợp sẽ có một số chủ đề học tập liên môn. Những chủ đề này thể hiện mức độ tích hợp cao hơn.
Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” tích hợp nhuần nhuyễn cả kiến thức lịch sử và kiến thức địa lý.
Với đặc điểm tích hợp như trên, trong điều kiện các trường Trung học cơ sở ở nước ta chỉ có giáo viên dạy đơn môn thì giáo viên môn nào sẽ vẫn dạy nội dung liên quan đến môn đó; còn về chủ đề tích hợp thì nội dung chủ đề thiên về môn học nào, giáo viên môn đó sẽ dạy.
Ví dụ, chủ đề “Biển đảo Việt Nam” gồm cả kiến thức lịch sử, địa lý, nhưng nếu nội dung chủ yếu nói về chủ quyền biển đảo thì giáo viên môn Lịch sử sẽ đảm nhiệm.
Nếu vẫn là 3 giáo viên dạy 3 phần Vật lý, Hóa học, Sinh học của môn Khoa học tự nhiên; 2 giáo viên dạy 2 phần Lịch sử, Địa lý thì việc gộp những môn học này thành 1 nhằm giải quyết vấn đề gì, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Thế giới này vốn là một thể toàn vẹn, tích hợp. Con người phân tích thế giới thành từng lĩnh vực để tìm hiểu cho sâu. Tùy vào sự phát triển của khoa học, mỗi lĩnh vực có thể được tiếp tục chia tách sâu hơn nữa.
Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, xu thế chung của khoa học là nghiên cứu liên ngành. Có nghiên cứu liên ngành mới giải quyết được nhiều vấn đề mà từng ngành khoa học riêng rẽ không giải quyết được hoặc không giải quyết toàn vẹn được.
Trong giáo dục đại học, một bậc học vốn thực hiện đào tạo chuyên môn hóa rất cao, cũng đã xuất hiện các liên ngành, liên môn để đào tạo những nhà chuyên môn có hiểu biết sâu rộng, có tầm nhìn bao quát, đủ năng lực để giải quyết các vấn đề của thực tiễn.
Giáo dục phổ thông là bậc học trang bị tri thức nền tảng và kỹ năng cơ bản cho người học càng phải thực hiện dạy học tích hợp.
Dạy học tích hợp không chỉ giúp cho người học có hiểu biết tổng hợp hơn, từ đó, vận dụng kiến thức vào thực tiễn có hiệu quả hơn, mà còn giúp người học tiết kiệm thời gian học tập, nhất là khi kiến thức nhân loại tích lũy được ngày càng nhiều mà thời gian học phổ thông không thay đổi.
Đó là lý do dạy học tích hợp. Dạy học tích hợp là một xu thế hiện đại. Chúng ta biết rằng nhiều nước đang đẩy mạnh giáo dục STEM.
Đó cũng là một mô hình dạy học tích hợp, trong đó các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán được dạy theo các chủ đề tích hợp, gắn với việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn.
Có thông tin cho rằng, hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị đào tạo các sinh viên sư phạm theo hướng dạy liên môn - đa môn. Vậy thưa Giáo sư, với những giáo viên dạy Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý ở Trung học cơ sở hiện nay, Bộ sẽ chính sách thế nào?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới này, chúng ta phải làm rất nhiều việc.
Thứ nhất, đối với giáo viên hiện đang đứng lớp (hầu hết là giáo viên đơn môn) thì thời gian tới Bộ sẽ tiến hành tập huấn để giáo viên có thể dạy môn học tích hợp phù hợp với trình độ đào tạo.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường sư phạm xây dựng chương trình, mở ngành đào tạo giáo sinh dạy liên môn ở Trung học cơ sở.
Theo hình dung của tôi, sắp tới, nhiều trường sư phạm có thể mở các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Khoa học xã hội giống mô hình khoa Giáo dục Tiểu học hiện nay.
Tuy nhiên, trước hết, phải xây dựng được chương trình, phải có mã ngành đào tạo để làm căn cứ pháp lý cấp bằng thì các trường sư phạm mới có thể mở ngành đào tạo.
Thứ ba, khi các trường sư phạm mở ngành đào tạo giáo viên liên môn ở Trung học cơ sở thì có thể tổ chức đào tạo văn bằng 2 cho những giáo viên trẻ, còn nhiều thời gian làm việc.
Còn những giáo viên không có điều kiện học văn bằng 2 thì vẫn tiếp tục dạy đơn môn trong chương trình tích hợp liên môn, không ảnh hưởng gì tới vị trí công tác của các thầy cô.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư.