Ai thấu hiểu nỗi khổ của chúng tôi?

14/08/2017 06:46
Phan Tuyết
(GDVN) - Chuyện giáo viên lớp trên lãnh “hậu quả” của giáo viên lớp dưới đã trở nên bình thường. Thầy cô thường nói đùa đó chính là “cái nợ đồng lần” lẫn nhau.

LTS: Thông qua câu chuyện thực tế từ một người bạn đồng nghiệp, cô Phan Tuyết đã phản ánh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp vẫn còn diễn ra phổ biến trong các trường học hiện nay, điều đó đã khiến nhiều thầy cô vô cùng lo lắng và bức xúc.

Theo đó, việc các thầy cô chạy theo thành tích ảo đã vô tình sẽ tước đi cơ hội biết chữ của các em. Bởi, càng lên lớp cao, các em càng ít có cơ hội được thầy cô dạy lại từng âm vần. Thế là không biết đọc, sẽ mãi mãi không biết đọc mà thôi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhận danh sách bàn giao chất lượng đầu năm từ giáo viên chủ nhiệm lớp 2, cô Mai thấy ở phần nhận xét về học lực của học sinh ít nhất cũng được ghi “học tạm được, cần cố gắng rèn đọc thêm”.

Nhưng, sau 2 tuần thực dạy tại lớp, cô phát hiện ra thực tế trong lớp có ít nhất hai em học sinh chưa biết đọc trơn, thậm chí một số chữ cái còn chưa thuộc. Thế nên ở phần nhận bàn giao, cô Mai ghi thêm lưu ý về hai học sinh này là “học yếu, chưa nắm được mặt chữ”. 

Tức thì chính cô được Phó hiệu trưởng chuyên môn nhắc nhở “mình không nên dùng từ học yếu, nếu ghi thế hóa chẳng đối nghịch với nhận xét của giáo viên chủ nhiệm cũ hay sao? Học yếu thì sao lại được lên lớp?”.
Nghe thế, cô Mai giải thích “thực tế hai em này lực học chưa đạt theo yêu cầu, lẽ ra phải được ở lại lớp nhưng cho lên lớp 2, tôi biết dạy thế nào khi lớp 2 không có môn Học vần?”.

Phó hiệu trưởng cương quyết “đó là nhiệm phụ mà giáo viên lớp 2 phải kèm cho học sinh biết đọc”. Dù ấm ức nhưng cô Mai cũng không thể tranh luận vì biết sẽ chẳng đi đến đâu.

Câu chuyện trên không chỉ xảy ra ở một trường, một nơi mà nhiều trường học ở nhiều địa phương trên khắp đất nước đều thế cả. Chuyện học sinh học yếu ở lớp dưới không được phép ở lại mà bị ép buộc cho lên lớp trên đang trở thành gánh nặng cho giáo viên và chính những học sinh của lớp học đấy. 

Học sinh ngồi nhầm lớp gây hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh minh họa trên Báo Công lý)
Học sinh ngồi nhầm lớp gây hậu quả nghiêm trọng. (Ảnh minh họa trên Báo Công lý)

Thay vì thầy cô sẽ dành thời gian cho học sinh cả lớp thì lại phải chăm lo cho một số em đặc biệt khó khăn về nhận thức mà chính các giáo viên cũng biết chắc những em đó cũng chẳng thể tiến bộ được nhiều.

Chuyện giáo viên lớp trên lãnh “hậu quả” của giáo viên lớp dưới đã trở nên bình thường. Thầy cô thường nói đùa đó chính là “cái nợ đồng lần” lẫn nhau.

Chúng tôi đã dạy và học như thế

Học sinh học yếu khoan hãy kết tội giáo viên, hãy xem chúng tôi dạy và học thế nào mọi người hãy quy kết.

Thường thì trong lớp có khoảng vài em chậm hiểu, học trước quên sau không chỉ thầy cô vất vả mà chính học sinh trong lớp cũng bị thiệt thòi. Bởi, khi cả lớp ngồi làm bài thì giáo viên phải luôn ngồi bên những học sinh yếu để giảng giải thật cặn kẽ, hướng dẫn thật tỉ mỉ từng cách làm và kiểm tra liên tục xem đúng sai.
 
Giờ ra chơi, thay vì thầy cô được nghỉ ngơi để chuẩn bị cho tiết học mới nhưng có giáo viên vẫn phải miệt mài ngồi bên học trò yếu để giúp các em nắm lại kiến thức vừa học...

Những tiết nghỉ thầy cô cũng thường có mặt để kèm thêm cho các em. Nhưng, có lẽ vất vả nhất là thời gian hè, một số trường học ở địa phương tôi còn tập trung những học sinh yếu ở các lớp để dạy phụ đạo miễn phí. 

Chuyện dạy là thế, còn chuyện học của các em thì sao? 

Dù thầy cô có vắt công sức để kèm cặp nhưng với những học sinh như thế này vẫn khó có thể tiến bộ. Những em này luôn có một đặc điểm giống nhau là học xong sẽ quên ngay như chưa bao giờ được học. Dù cho kiến thức mới học hôm qua thì vẫn luôn luôn là kiến thức mới. 

Phụ huynh không hợp tác

Không chỉ giáo viên, nhà trường cũng luôn thường xuyên chủ động gặp gỡ những phụ huynh này để đưa các em đi kiểm tra nhận thức ở các trung tâm y tế uy tín nhưng phần lớn phụ huynh từ chối và bất hợp tác. 

Có người đưa ra lý do “con tôi khỏe mạnh, cháu nhanh nhẹn khôn lanh sao có thể có bệnh về nhận thức được? Cũng có người thú nhận “tôi biết con tôi học trước quên sau nhưng có thể ham chơi, còn bị vấn đề về nhận thức là tuyệt đối không”. 

Ai thấu hiểu nỗi khổ của chúng tôi? ảnh 2

Cảm ơn cô, nhờ cô cho con ở lại lớp mà bây giờ con đã biết chữ!

Họ tìm mọi cách để bảo vệ, bênh vực con mình nhưng họ không biết rằng chính điều đó đang làm hại chúng. Bởi, nếu các em được công nhận có vấn đề về nhận thức thì yêu cầu học tập của những học sinh này cũng bớt đi áp lực. Các em không bị đánh giá theo Chuẩn kiến thức kĩ năng như những học sinh bình thường mà được đánh giá theo sự tiến bộ từng ngày.  

Chẳng hạn hôm nay, các em chưa biết đọc âm vần này, chưa biết làm công việc kia... nhưng một tháng sau, có em đã nhớ được mặt chữ đó và làm được công việc do giáo viên yêu cầu.

Được vậy, thầy cô cũng cũng như được cởi trói, nhà trường cũng chẳng bị khống chế chỉ tiêu, bản thân chính những học sinh ấy cũng không phải gánh chịu áp lực mà các bạn trong lớp cũng được thầy cô dành cho nhiều thời gian kèm cặp, dạy dỗ hơn. 

Giải pháp nào cho giáo viên?

Sau mọi nỗ lực mà kết quả vẫn bằng 0, giáo viên buộc phải đứng giữa hai lựa chọn, cho những em ấy ở lại hoặc cho tất cả lên lớp.

Sự lựa chọn nào cũng khó khăn, bởi cho các em ở lại lớp sẽ kéo theo biết bao hệ lụy vì khống chế các chỉ tiêu, hệ quả đào tạo sau 5 năm, phổ cập đúng độ tuổi... Nhưng, nếu cho lên lớp, lại đổ gánh nặng lên cổ đồng nghiệp và các em học sinh trong chính lớp ấy. 

Điều tai hại nhất vẫn là tước đi những cơ hội biết chữ của các em. Bởi, càng lên lớp cao, các em càng ít có cơ hội được thầy cô dạy lại từng âm vần. Thế là không biết đọc, sẽ mãi mãi không biết đọc mà thôi.

Phan Tuyết