Ban soạn thảo chương trình mới quá kì vọng vào “khả năng sáng tạo” của học sinh

10/01/2018 07:00
Thanh An
(GDVN) - Mục tiêu và sự kì vọng của thầy Thống cùng ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới cũng là mong muốn chung của xã hội. Nhưng thực tế thì không đơn giản

LTS: Trước sự thay đổi chương trình môn Ngữ văn trong lần thay sách giáo khoa mới này, là một nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở cấp phổ thông, tác giả Thanh An đã bày tỏ những quan điểm và chia sẻ của mình về vấn đề này.

Thầy Thanh An cũng cho rằng, Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới đang quá kì vọng vào “khả năng sáng tạo” của học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việc Bộ giáo dục và Đào tạo đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và sắp tới đây sẽ thông qua chương trình môn học đang được dư luận chờ đợi về những đổi thay của ngành.

Là giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở cấp phổ thông nên điều chúng tôi quan tâm hơn cả là sự thay đổi chương trình môn Ngữ văn trong lần thay sách giáo khoa mới này.

Tuy nhiên, thông qua những bài viết đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về những chia sẻ của các thầy trong ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa mới thì có nhiều điều chúng tôi còn băn khoăn.

Nhất là những chia sẻ của thầy Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới trong thời gian gần đây. Và điều chúng tôi băn khoăn hơn cả là những định hướng về đánh giá, kiểm tra việc học của học sinh.

Ban soạn thảo chương trình Ngữ Văn mới có sự thay đổi về định hướng, đánh giá, kiểm tra việc học của học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN).
Ban soạn thảo chương trình Ngữ Văn mới có sự thay đổi về định hướng, đánh giá, kiểm tra việc học của học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN).

Từ thực tế giảng dạy, quan sát đồng nghiệp thông qua dự giờ, chấm chéo bài kiểm tra trong các kì thi, chúng tôi nhận thấy rằng nếu nói học sinh “không” thích học Văn thì e rằng sẽ xúc phạm tới một số em có năng khiếu, đam mê môn Văn đang được giảng dạy ở nhà trường.

Bởi vẫn còn những em yêu và thích học môn Văn, ôn thi học sinh giỏi môn Văn, thi vào chuyên Văn ở các trường trung học phổ thông và khoa Ngữ văn của các trường đại học.

Thế nhưng số lượng học sinh có niềm đam mê ấy không nhiều, phần lớn các em học trò bây giờ rất ngán ngại môn Văn.

Học sinh không thích học Văn có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có thể là phương pháp giảng dạy của một số thầy cô chưa thuyết phục, kiến thức môn Văn nặng, số tiết/ tuần nhiều và các em học sinh hướng tới những môn học khác để sau này có thể dễ xin việc và đem lại thu nhập cao hơn…Từ đó, môn Văn mất dần vị thế và không còn được đề cao trong nhà trường.

Có lẽ, không có một thầy cô nào lại không muốn học trò của mình ham học, ham tiến bộ. Nhất là đối với môn Ngữ văn - một môn học có một vai trò đặc biệt trong việc hình thành nhân cách, đạo đức của con người.

Thế nhưng, thực tế giảng dạy Ngữ văn hiện nay ở nhà trường thì một bộ phận học sinh rất thờ ơ với môn Văn. Thầy cô khuyên nhủ, động viên và cũng đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau nhưng không mấy khả quan.

Nhiều khi trong giờ học Văn, thầy và một số bạn trong lớp đọc xong văn bản, hỏi một số em trong lớp là truyện có những nhân vật nào mà nhiều em không trả lời được. Khi kiểm tra thì nhiều em viết vài câu vô thưởng vô phạt để đối phó với thầy cô.

Những học sinh thi chuyển cấp hiện nay thì chủ yếu là phải đi học thêm để thầy cô hướng dẫn, làm mẫu, căn dặn từng li từng tí mà khi làm bài thi cũng không có nhiều em đạt được điểm cao môn Văn.

Ban soạn thảo chương trình mới quá kì vọng vào “khả năng sáng tạo” của học sinh ảnh 2Một số băn khoăn về nội dung chương trình Ngữ văn mới

Thực tế là vậy, nhưng theo chia sẻ của thầy Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên môn Ngữ văn mới trên trên trang VOV - Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam thì tới đây, khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới sẽ thay đổi hình thức đánh giá học sinh như sau:

Hình thức và nội dung đánh giá là tất cả những cách thức có thể phục vụ cho việc đánh giá năng lực đọc, viết, nói, nghe, năng lực ngôn ngữ, năng lực tư duy của học sinh.

Thậm chí, cách viết nhật ký, sổ tay văn học, facebook của học sinh cũng có thể là một “sản phẩm” để xem xét, đánh giá.

Các câu hỏi đánh giá không kiểm tra trí nhớ của các em về những kiến thức hay nội dung cụ thể mà phải dựa vào hệ thống các yêu cầu cần đạt đối với đọc, viết, nói và nghe.

Đề kiểm tra cũng sẽ hướng tới việc coi trọng sự sáng tạo từ ý tưởng đến cách thể hiện, chống sao chép (văn mẫu), không kiểm tra vào các văn bản, tác phẩm đã học (nhất là với các kỳ kiểm tra cuối lớp, cuối cấp) mà kiểm tra những văn bản - tác phẩm tương tự nhưng chưa được học để khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh”.

Mục tiêu và sự kì vọng của thầy Thống cùng ban biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới cũng là mong muốn chung của xã hội. Nhưng thực tế thì không hề đơn giản như thầy Thống kì vọng.

Bây giờ mà có học sinh viết nhật kí, viết sổ tay văn học như những học sinh của hàng chục năm trước thì đâu đến nỗi giáo viên phải than ngắn, than dài như lâu nay?

Nếu như học sinh chuyên Văn thì yêu cầu như vậy còn có thể thực hiện được, còn học sinh đại trà mà yêu cầu có nhật kí, sổ tay hay chuyện các em chia sẻ trên mạng Facebook là điều xa xỉ vô cùng và không thể nào khả thi được.

Không tin, giáo viên và phụ huynh cứ nhìn trên những trang Facebook của học sinh, sinh viên thì rõ. Xem có em nào có một dòng trạng thái về văn học hay bất kì một môn học nào khác không?

Hơn nữa, định hướng của ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới là “Đề kiểm tra cũng sẽ hướng tới việc coi trọng sự sáng tạo từ ý tưởng đến cách thể hiện, chống sao chép (văn mẫu), không kiểm tra vào các văn bản, tác phẩm đã học (nhất là với các kỳ kiểm tra cuối lớp, cuối cấp) mà kiểm tra những văn bản-tác phẩm tương tự nhưng chưa được học để khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh” thì theo chúng tôi đây là điều… không tưởng.

Ban soạn thảo chương trình mới quá kì vọng vào “khả năng sáng tạo” của học sinh ảnh 3Hai năm tới là cơ hội và thách thức của các thầy cô dạy môn Ngữ Văn

Trong một bài kiểm tra, số lượng thời gian đã quy định cụ thể mà lấy một tác phẩm ngoài chương trình học thì đa phần học sinh phổ thông sẽ nộp… giấy trắng. Nhất là học sinh cấp trung học cơ sở.

Chúng ta cứ nhìn vào tình hình thực tế các đề thi mà Bộ giáo dục đang triển khai ở bất kì cấp học nào, kì thi nào.

Đề thi môn Ngữ văn hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc lấy một đoạn ngữ liệu ở những tác phẩm ngoài sách giáo khoa để kiểm tra phần đọc - hiểu. Nhưng, tất cả các câu hỏi đều phải nằm trong kiến thức sách giáo khoa. Vậy mà điểm thi cứ lẹt đẹt ở dưới trung bình.

Bây giờ mà lấy một tác phẩm văn học bên ngoài sách giáo khoa như thầy Thống nói thì đến sinh viên đại học cũng khó có thể làm được bài chứ đừng nói học sinh phổ thông.

Nhất là với những tác phẩm văn xuôi thì làm sao học sinh có thể đọc được trong thời gian làm bài kiểm tra ngắn ngủi ấy?

Việc khuyến khích“ khả năng sáng tạo” ở học sinh là điều mà giáo viên luôn hướng tới và mong muốn các em đạt được như vậy.

Nhưng thực tế cấp học phổ thông thì những người kiến tạo chương trình cũng như những thầy cô giáo chỉ cần trang bị kiến thức phổ thông là đáp ứng được yêu cầu môn học.

Điều cốt lõi nhất là thông qua môn Ngữ văn, các em có thể nắm được các kiến thức cơ bản về những nội dung của bài học, biết ứng xử nhân ái với mọi người, biết sử dụng ngôn ngữ đúng văn cảnh...

Hơn nữa, việc “sáng tạo”của học sinh cũng phải có một cái chuẩn nhất định chứ không phải là đến khi kiểm tra thì thầy cô lấy một tác phẩm tương tự rồi cho học sinh “sáng tạo” thì chắc rằng sẽ có một kết quả: “cái mới thì không đúng, cái đúng thì mới” như chúng ta đã từng nghe cách đây mấy chục năm về trước.

Tài liệu tham khảo:

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/mon-ngu-van-moi-anh-huong-den-giao-vien-hoc-sinh-nhu-the-nao-714322.vov

Thanh An