Bộ trưởng Nhạ đề xuất tăng lương cho thầy cô là hoàn toàn có cơ sở

31/10/2017 09:23
Trinh Phúc
(GDVN) - Giải pháp để đáp ứng được điều đó, là mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ cao lên, hoặc thời gian đóng bảo hiểm xã hội phải nhiều lên.

Ngày 30/10, bên hành lang kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, xoay quanh việc cô giáo Trương Thị Lan (Trường mầm non Lê Duẩn, Hà Tĩnh) nghỉ hưu chỉ được mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đoàn Thanh Hóa.

Giải thích về trường hợp cô giáo Lan, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Trường hợp như cô Lan hiện rất là nhiều”.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đoàn Thanh Hóa (ảnh Trinh Phúc).
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đoàn Thanh Hóa (ảnh Trinh Phúc).

Ông Bùi Sỹ Lợi giải thích:

“Theo quy định, tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội, kể cả bắt buộc hoặc tự nguyện, thì khuyến khích cho người lao động, chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm cao lên để về hưu thì được hưởng cao, không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trong chính sách bảo hiểm xã hội, đối với người tham gia bảo hiểm bắt buộc khi về hưu nếu tính toán không đạt bằng mức tiền lương cơ sở thì thấp nhất cũng cho hưởng bằng mức tiền lương cơ sở.

Trường hợp cô Lan chính là được hưởng lương ngang bằng với lương cơ sở 1,3 triệu”.

Bộ trưởng Nhạ đề xuất tăng lương cho thầy cô là hoàn toàn có cơ sở ảnh 2Bộ trưởng Nhạ đang thuyết phục các bộ ngành cải thiện mức lương cho thầy cô

Trước câu chuyện cống hiến 37 năm với nghề nuôi dạy trẻ nhưng chỉ nhận được 1,3 triệu đồng/tháng khi về hưu của cô Lan, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ông sẽ thuyết phục các bộ ngành đề xuất tăng lương cho các thầy cô.

Xung quanh ý tưởng của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng:

“Theo Luật, muốn mức lương của các cô giáo để về hưu đáp ứng được mức sống tối thiểu, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên đề xuất.

Vì điều này hoàn toàn có cơ sở để đề xuất. Giải pháp để đáp ứng được điều đó, là mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ cao lên, hoặc thời gian đóng bảo hiểm xã hội phải nhiều lên”.

Cũng liên quan đến câu chuyện lương cho đội ngũ giáo viên, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đoàn thành phố Hồ Chí Minh có quan điểm:

“Giáo viên yêu nghề, yêu học sinh cống hiến không chỉ vì thu nhập.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua tiền lương, thu nhập của đội ngũ giáo viên đặc biệt là giáo viên mẫu giáo, giáo viên cấp một, cấp hai còn ở mức rất thấp.

Do đó, việc hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp nên đi liền với công việc xã hội hóa giáo dục, tăng quyền tự chủ cho các trường công lập để đảm bảo cơ chế thu nhập cho thầy cô.

Có thể, mức lương không đồng đều giữa các thầy cô, những thầy cô giảng dạy tốt, có nhiều kinh nghiệm mức lương phải tương thích”.

Bộ trưởng Nhạ đề xuất tăng lương cho thầy cô là hoàn toàn có cơ sở ảnh 3Đề xuất bỏ cơ quan chủ quản, xóa công chức viên chức trong trường đại học

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân:

“Mức lương của giáo viên nên gắn với năng lực giảng dạy, số tiết, kinh nghiệm, trình độ.

Có như vậy mới động viên được nhà giáo và cải thiện đời sống của giáo viên”.

Cũng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trao đổi với báo chí về quan điểm giữ hay bỏ biên chế trong ngành giáo dục, y tế Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong đoàn Bến Tre cho rằng:

“Giáo viên và bác sỹ từ xưa đến nay vẫn biên chế, giờ tổng kết và đánh giá cái gì bất cập thì điều chỉnh.

Giáo viên và bác sỹ là hai người thầy trong xã hội, nơi đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và sức khỏe của nhân dân.

Biên chế đã gắn với nghề nghiệp để tôn vinh họ cho nên khi xóa biên chế và chuyển sang hợp đồng lao động sẽ gây bức xúc cho người trong cuộc, tạo tâm lý, tư tưởng không tốt.

Vì thế phải nghiên cứu chặt chẽ.

Để được công nhận biên chế trong ngành y tế và giáo dục cần phải tính.

Ví như giáo viên công tác ở vùng sâu vùng xa thì cái biên chế là sinh kế của người ta, có thế mới tạo được sự yên tâm để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Còn những vị trí khác trong ngành giáo dục thì có thể chỉ cần hợp đồng. Theo tôi, không phải cứ giáo viên và bác sỹ là được vào biên chế”.

Trinh Phúc