LTS: Tiếp tục chia sẻ ý kiến của mình về việc chương trình giáo dục phổ thông mới, cô giáo Phan Tuyết chỉ ra những bất cập khi cách thí điểm có dáng dấp của mô hình VNEN.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Năm học 2017-2018 đã sắp kết thúc, vậy là chỉ còn một năm nữa chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được triển khai ở ba cấp học.
Thế nhưng câu hỏi thắc mắc về chuyện tích hợp, về phương pháp dạy học trong chương trình mới liệu có giống ở mô hình trường học mới VNEN vẫn chưa được các nhà biên soạn chương trình trả lời rốt ráo.
Những người trong nghề đang lo ngại kịch bản VNEN sẽ lại tái diễn.
Mô hình trường học mới có nhiều bất cập khi được triển khai tại các địa phương. (Ảnh minh hoạ: Báo Bình Phước) |
Và dường như sự lo ngại ấy đang trở thành hiện thực khi một số tỉnh thành vẫn đang tiếp tục triển khai mở rộng mô hình trường học mới VNEN trong năm học 2018-2019.
Không những thế, học sinh lớp 1 (lớp học mà mô hình VNEN loại trừ), khối lớp 2, 3, 4, 5 (ở trường hiện hành) thì nay theo chỉ đạo của cấp trên, các em cũng buộc phải ngồi theo mâm, được học nhóm suốt buổi dựa trên những cuốn sách giáo khoa hiện hành.
Gần đến thời điểm thay chương trình, thay sách giáo khoa mới sao vẫn phải triển khai mở rộng và buộc học sinh học theo phương pháp VNEN?
Phải chăng VNEN là bước đệm cho chương trình mới?
Những đứa trẻ vừa bước sang tuổi thứ 6 đến trường đang phải học và làm theo những động tác mẫu của thầy cô.
Theo nhiều giáo viên dạy lớp 1, chỉ là làm theo mà thầy cô cũng rát hơi bỏng tiếng, giảng đi giảng lại nhiều lần nhưng khá nhiều em vẫn chưa thể tiếp thu nổi.
Nếu chương trình mới sử dụng mô hình, phương pháp VNEN sẽ là bước thụt lùi |
Học sinh ở độ tuổi này chưa thể tự học, mọi thao tác đọc, viết đang phải làm mẫu và sửa sai kịp thời.
Thế mà theo yêu cầu, những học sinh lớp 1 phải được xếp ngồi thành nhóm quay mặt vào nhau suốt cả buổi, mọi hoạt động học tập, sinh hoạt đều do nhóm trưởng điều khiển.
Dù cố gắng lắm giữa mấy chục học sinh chỉ để tìm ra dăm em lanh lẹ làm nhóm trưởng cũng vô cùng khó.
Các em làm sao có đủ khả năng để điều khiển nhóm? Làm sao biết cách hợp tác, chia sẻ với bạn để tìm ra kiến thức, để biết cách sửa sai cho bạn trong khi nhóm trưởng còn chưa biết gì?
Bên cạnh đó, một số trường tiểu học dù chưa triển khai mô hình trường học mới VNEN nhưng vẫn buộc giáo viên dạy theo phương pháp này.
Học sinh ngồi theo nhóm, trải qua 5 bước dạy học (khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng) nhưng kiến thức học lại là sách giáo khoa hiện hành.
Dạy VNEN bằng sách giáo khoa VNEN đã vất vả nhưng dạy VNEN bằng sách giáo khoa hiện hành thì nỗi vất vả, nhọc nhằn cho cả thầy và trò đã tăng gấp nhiều lần.
Có người còn nói vui, với kiểu vận dụng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hay nói theo cách “dạy học hổ lốn” như thế, giáo viên mệt bở hơi tai nhưng học sinh cũng chẳng thể có được kiến thức chuyên sâu.
Tiểu học thì thế, bậc trung học cơ sở nhiều trường phát động cuộc thi dạy học tích hợp cho cả giáo viên và học sinh dưới nhiều hình thức như làm bài viết (soạn giáo án, bài thuyết trình về sự hiểu biết), xây dựng tiết dạy mẫu...
VNEN đang được "phục hoạt" trong chương trình mới như thế nào? |
Cũng như việc buộc các tổ chuyên môn tổ chức dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho các khối lớp.
Điều đáng nói là không có tài liệu hướng dẫn cụ thể về hoạt động trải nghiệm sáng tạo nên mỗi tổ chuyên môn đều xây dựng chương trình theo cách hiểu của mình mà những kiến thức có được là sự góp nhặt một số tài liệu, bài viết trên mạng.
Thế nên mỗi tổ làm một kiểu.
Mọi sự đã an bài?
Chương trình mới vừa qua thực nghiệm nhưng vẫn đang trong thời gian dư luận góp ý đánh giá.
Những thầy cô giáo, những người quan tâm đến giáo dục vẫn đang trông chờ vào những ý kiến góp ý chân tình, đúng đắn của mình được ban soạn thảo chương trình lưu ý để có những chỉnh sửa phù hợp với thực trạng giáo dục hiện nay.
Thế nhưng ở dưới cơ sở đã và đang ráo riết chuẩn bị cho một sự thay thế giữa hai chương trình mà chắc chắn sẽ không làm xáo trộn nhiều những gì đang có.
Thực trạng này nên vui hay nên buồn đây?