LTS: Trước việc lãnh đạo ngành giáo dục huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã phải dùng "hạ sách" là cho giáo viên “chạy xô” đến các trường chưa chuẩn dạy để đủ điều kiện được công nhận trường chuẩn, tác giả Thuận Phương gửi đến độc giả bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã phải xác nhận đúng là Ngành giáo dục huyện Nông Cống đã phải cho giáo viên "chạy xô" để trường học đạt chuẩn.
Cụ thể, không đủ giáo viên tiếng Anh đứng lớp nhưng trước áp lực phải đạt trường chuẩn quốc gia, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã phải dùng "hạ sách" là cho giáo viên “chạy xô” đến các trường chưa chuẩn dạy để đủ điều kiện được công nhận trường chuẩn, xong thì tiếp tục luân chuyển đến trường khác chưa chuẩn để dạy và tiếp tục đạt chuẩn.
Sau khi trường được công nhận chuẩn xong thì giáo viên tiếng Anh cũng rút đi trong sự ngỡ ngàng của thầy trò và phụ huynh nhà trường.
Trường tiểu học Yên Mỹ là trường tiểu học duy nhất trên địa bàn huyện Nông Cống chưa đạt chuẩn (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Chuyện thật cứ như bịa ấy không chỉ đang diễn ra tại Thanh Hóa mà không ít trường học ở nhiều địa phương trong cả nước cũng phổ biến chuyện “chạy chuẩn”.
Có điều, không chỉ chạy chuẩn Anh văn như thế mà còn chạy rất nhiều tiêu chí khác để trường lên chuẩn hoặc giữ chuẩn.
Giữ chuẩn bằng cách chuyển giáo viên vi phạm qua trường khác
Đây là cách làm phổ biến nhất mà nhiều trường đang áp dụng để trường lên chuẩn hoặc giữ chuẩn.
Đối tượng bị luân chuyển đầu tiên là những giáo viên bị kỉ luật, giáo viên đang chờ kỉ luật (trường hợp sinh con thứ 3, vi phạm về dạy thêm học thêm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…) hay đơn giản giáo viên chưa đủ chuẩn nghề nghiệp.
Trường có người bị kỉ luật đương nhiên ngôi trường ấy sẽ bị thiệt thòi hơn trong việc xét thi đua cuối năm.
Vì thế phần lớn, Ban giám hiệu các trường hầu như không thích tiếp nhận những giáo viên này về trường mình công tác.
Nhưng lệnh trên buộc phải nhận (hiệu trưởng dù không muốn cũng chẳng có quyền từ chối).
Có người phản ứng mạnh mẽ (đương nhiên chỉ phản ứng bên ngoài) “trường tôi đâu phải cái thùng rác để chứa những gì nơi khác không thích đẩy về”.
Tức mà nói thế cho sướng miệng chứ ai chẳng biết cấp trên cũng bắt buộc mới dùng đến “hạ sách” này.
Cũng có trường chuẩn bị lên chuẩn nhưng thiếu chỉ tiêu giáo viên dạy giỏi. Cấp trên ưu ái bằng cách điều về một số thầy cô đang giữ danh hiệu cấp huyện, cấp tỉnh cho đủ chỉ tiêu cần đạt.
Kiểu luân chuyển này, trường nhận được mừng rơn, còn trường bị luân chuyển lại buồn vì họ mất đi một nguồn lực.
Giữ chuẩn bằng cách cho nợ chuẩn
Trường đạt chuẩn được chia thành 2 cấp độ (cấp độ 1 và cấp độ 2). Cấp độ 2 quy định các tiêu chuẩn cao hơn cấp độ 1.
Để mau chóng có trường đạt chuẩn quốc gia trong khi một số tiêu chí, tiêu chuẩn còn chưa đạt nên nhiều trường, nhiều địa phương đề nghị cho nợ phần tiêu chí, tiêu chuẩn đó.
Ví như nợ chỉ tiêu giáo viên dạy giỏi, nợ sĩ số học sinh (thường vượt chuẩn 35 em/lớp), đặc biệt là nợ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất…dù theo quy định vướng vào những tiêu chí trên sẽ không được công nhận chuẩn.
Nhưng nếu cứ thẳng tay như thế có mấy trường đạt được? Nhiều địa phương đã tìm mọi cách xin nợ được chuẩn.
Học sinh cũng bị tác động nhiều
Tưởng câu chuyện giữ và lên chuẩn chẳng ảnh hưởng gì đến học sinh. Nhưng chúng ta đã nhầm.
Học sinh là đối tượng bị tác động nhiều nhất, và đương nhiên các em phải chịu thiệt thòi nhất. Đó là việc quá tuổi vào lớp 1 sẽ không được nhận vào học ngay ngôi trường sát nhà.
Nhà trường (nhất là trường chuẩn) sợ sẽ vướng vào quy định phổ cập đúng độ tuổi. Bởi, trong quy định về độ tuổi, học sinh tiểu học tối đa không vượt quá 14 tuổi.
Cũng vì chỉ tiêu đạt chuẩn mà học sinh yếu không thể lưu ban hoặc có lưu ban cũng không được quá 2 lần trong toàn cấp học.
Hoặc có học sinh yếu chuyển trường tới, nhiều trường không dám nhận vì sợ trách nhiệm.
Nếu học sinh ở lại lớp sẽ kéo theo hàng loạt các chỉ tiêu bị khống chế…và nguy cơ mất chuẩn, không đủ lên chuẩn sẽ ảnh hưởng đến cả toàn huyện.
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành giáo dục và đào tạo.
Mục đích nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh và cộng đồng.
Tuy nhiên không phải vì những mục đích tốt đẹp ấy để chúng ta có thể dùng nhiều “thủ thuật” cố gắng đạt được cái danh hiệu mà lẽ ra chưa đủ điều kiện có được.
Tài liệu tham khảo:
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thanh-hoa-phan-hoi-vu-cho-giao-vien-chay-xo-de-truong-hoc-dat-chuan-825261.vov