LTS: Chia sẻ về cách thức để xin trái tuyến trường học cho con của một số phụ huynh, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết chỉ ra những góc khuất của vấn nạn này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo hướng dẫn hiện hành của một số địa phương thì học sinh các trường Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở phải học đúng tuyến, hộ khẩu ở đâu sẽ phải ở đó. Nhưng, thực tế lại không phải vậy.
Nhiều người ở địa bàn khác nhưng vẫn tìm mọi cách để xin con em mình vào được những trường có tăm tiếng ở thành phố, thị xã thì mới yên tâm.
Vậy nên, khi xin cho các em vào học sai tuyến thì phải cậy nhờ đến người khác, nhiều người phải chạy chọt. Từ đó, dẫn đến một số những tiêu cực.
Những chiêu trò để tìm cách chạy trường cho con (Ảnh minh họa: sggp.org.vn) |
Đối với các trường Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở là những cấp học không phải thi cử đầu vào nên tình trạng học sinh xin vào trái tuyến xảy ra rất nhiều ở các trường thành phố.
Nơi đây, có mật độ dân số đông, có nhiều cơ quan, công sở nhà nước và cũng là nơi tập hợp những gia đình có điều kiện về kinh tế.
Vì thế, nhiều người dù nhà ở các địa bàn khác nhưng luôn muốn con em mình vào các trường điểm ở các phường nội đô.
Những trường hợp xin trái tuyến là những trường hợp như sau:
Một là con em lãnh đạo hoặc con em người thân, người quen của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo cấp Sở, Phòng giáo dục - những cấp trên của Ban giám hiệu nhà trường.
Giữa lãnh đạo địa phương hay lãnh đạo Sở - Phòng và các thành viên trong Ban giám hiệu các trường chuẩn, trường điểm luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau.
Xin học trái tuyến mà chỉ cầm mỗi hồ sơ đến thì đời nào được đồng ý! |
Vì thế, chỉ cần 1 cuộc điện thoại nhờ cậy là các thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường phải tìm cách bố trí, sắp xếp.
Hoặc, là người nhà hay thân quen với các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường. Khi đã thân quen thì người ta cũng dễ dàng giúp đỡ cho nhau.
Thứ hai là phụ huynh học sinh có điều kiện về kinh tế mà không quen biết lãnh đạo, không có người thân trong ngành giáo dục.
Vì thế, họ phải đi bằng con đường trung gian là thông qua người này, người kia rồi từ những người đó họ tự “tìm mối” để gửi gắm học sinh vào trường.
Có điều, quen qua con đường này thì phải tốn kém nhiều hơn. Và, dĩ nhiên là những phụ huynh này sẽ là những thành viên tích cực trong vai trò xã hội hóa giáo dục sau này của nhà trường.
Lên đến cấp 3 thì có một chút thay đổi là vì các em phải thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10.
Vì tính chất thi cử nên em nào học tốt thì vào được các trường danh tiếng, các em học kém thì phải vào các trường tốp dưới.
Nhiều người cứ nghĩ rằng số phận các em học lực kém hơn thì vào các trường thuộc tốp dưới cũng là điều dễ hiểu và phù hợp. Song, cuộc đời không phải là vậy.
Xưa nay, ông bà ta có câu: “Con gà tức nhau tiếng gáy”. Vì thế, những học sinh mà con em lãnh đạo hay nhà có điều kiện họ đâu có chịu an phận vậy.
Lúc nhập học thì họ vẫn cho con em họ nhập học bình thường bởi lúc này không có cửa nào để nhờ vả mà cũng không ai có thể giúp họ được. Nên họ đành chấp nhận cho con em họ vào nhập học để chờ thời cơ.
Khi năm học ổn định một thời gian, cao lắm là hết học kì 1 đầu tiên của lớp 10 là họ tìm cách chuyển trường đến các trường có tên tuổi. Đây quả thực là một chiêu thức cao siêu mà không hề phạm luật.
Bởi, không có pháp luật nào cấm học sinh chuyển từ trường này sang trường khác. Hơn nữa, khi họ làm đơn chuyển trường thì họ sẽ có hàng trăm lí do phù hợp để được những người “có trách nhiệm” gật đầu.
Nhiều phụ huynh cấp Mầm non, Tiểu học không chỉ chọn trường cho con mà còn chọn cả thầy cô chủ nhiệm.
Bởi, ai cũng quan niệm đây là cấp học tạo nền móng về tri thức, nhân cách cho con người nên phải lựa chọn những thầy cô tốt nhất.
Vì thế, tình trạng giáo viên “có tiếng” thường có sĩ số đông hơn các lớp khác. Vô tình tạo áp lực cho các giáo viên này.
Chính vì các trường điểm, trường chuẩn hàng năm phải tuyển một lượng lớn học sinh trái tuyến nên các lớp học đều rất đông.
Bởi, cơ sở vật chất thì không thể mở ngay trong ngày một ngày hai mà phần lớn các trường bố trí sĩ số học sinh các lớp tăng thêm.
Và, một điều dĩ nhiên là trong các thành phần được gửi gắm có nhiều em học tốt (vì phần lớn là con em công chức, gia đình có điều kiện). Song, cũng có rất nhiều em có lực học chưa tốt.
Tuy nhiên, vào được trường tốt vẫn giúp cho một bộ phận học sinh yên tâm hơn.
Bởi thời nay, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, ai chẳng muốn tạo cho con mình những điều kiện tốt nhất để học tập.
Tâm lí các bậc phụ huynh lâu nay là con được vào trường tốt sẽ có điều kiện gặp thầy cô giỏi và sẽ đào tạo con mình trở thành những học sinh giỏi cho tương lai.
Song, thực tế có phải vậy không?
Chúng tôi không phủ nhận, những trường chuẩn, trường điểm có chất lượng đào tạo tốt hơn. Bởi những trường này luôn được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, về trang thiết bị dạy học.
Học sinh đầu vào luôn cao hơn và phần nhiều là những con em gia đình có điều kiện về kinh tế nên họ không tiếc tiền của để đầu tư cho con em mình.
Học chính, học thêm suốt ngày hay mời gia sư đến nhà phụ đạo cũng góp phần nâng chất lượng đào tạo cho các trường chuẩn.
Tuy nhiên, lỗ hổng và chất lượng đào tạo giữa các trường trong địa bàn sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.
Cùng một cấp học trên một địa bàn nhưng có trường học sinh rất ít dẫn đến lãng phí về cơ sở vật chất mà không tạo được sự cạnh tranh lành mạnh.
Hơn nữa, không phải cứ vào trường tốt, cô thầy được gọi là giỏi là con em mình trở thành học sinh giỏi.
Bởi, nếu học sinh thông minh thì vào các lớp tốt sẽ rất nhanh tiến bộ nhưng học sinh dở vào các trường, lớp có nhiều học sinh giỏi càng dễ bị thụt lùi.
Vì các lớp như vậy thường rất đông, thầy cô lại thường xuyên mở rộng trên nền tảng kiến thức mặt bằng chung của lớp thì những em có sức học yếu mà vào những lớp như vậy chưa hẳn là điều tốt.
Ngược lại, những trường khác, học sinh có mặt bằng chung đa số thấp hơn nên thầy cô cũng dạy ở mức độ kiến thức vừa phải và sĩ số lớp ít thì thầy cô cũng quan tâm được nhiều hơn.
Bởi thực tế, thầy cô nào cũng được đào tạo nền tảng kiến thức giống nhau.
Cấm học sinh học trái tuyến là một yêu cầu đúng và phù hợp, không tạo nên sự “di dân” từ vùng này sang vùng khác.
Nó vừa đảm bảo được chất lượng mặt bằng không có sự chênh lệch mà tận dụng được cơ sở vật chất.
Chỉ tiếc, nhiều lãnh đạo chưa làm gương, nhiều phụ huynh luôn tìm cách chạy chọt để cho con em mình đến với những trường tăm tiếng. Vì thế, học sinh trường đông càng đông thêm, trường ít ngày càng ít.
Tất cả cũng từ chuyện du di, dễ dãi của một số lãnh đạo, từ tiêu cực mà ra. Và, cũng vì thế, những giáo viên có điều kiện cũng luôn tìm cách chạy về các điểm.