LTS: Trong kì xét tuyển vào đại học, cao đẳng vừa qua, câu chuyện cộng điểm ưu tiên trở thành đề tài nóng được dư luận quan tâm.
Bởi nhiều trường hợp thí sinh thành phố có điểm cao lại trượt đại học trong khi những thí sinh ở vùng khó khăn được cộng đến 3,5 điểm lại đỗ đại học.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Khánh Văn cho rằng nên thay đổi chế độ cộng điểm ưu tiên dao động từ 0,25 đến 1,0 điểm để phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chính sách cộng điểm ưu tiên cho một số đối tượng trong học tập, thi cử là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước nhằm sự tri ân với những gia đình đã có công với nước và tạo điều kiện cho con em các khu vực nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa còn khó khăn.
Thế nhưng, việc cộng quá nhiều điểm ưu tiên đã và đang tạo nên sự bất công bằng trong thi cử.
Nhiều em có điểm cao chót vót cũng không vào được những ngành mình yêu thích nhưng có nhiều em học hành làng nhàng cũng “hiên ngang” bước vào giảng đường đại học.
Nhiều thí sinh cảm thấy bất công bởi chế độ cộng điểm ưu tiên hiện nay. (Ảnh minh hoạ: Zing.vn) |
Sau khi thông báo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay thì chúng ta thấy hiện tượng “mưa điểm 10” xuất hiện.
Bởi một lẽ hiển nhiên là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương kì thi “hai trong một” thì những câu hỏi có mức độ kiến thức khó của đề thi đã không còn nhiều.
Nếu đề thi khó thì phần lớn các thí sinh sẽ không làm được. Nếu quá dễ thì không đánh giá được chất lượng của kì thi.
Sự dung hòa đề thi để làm sao các thí sinh có học lực yếu vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu đủ điểm tốt nghiệp. Vì thế, điểm chuẩn của các trường đại học năm nay đã đẩy lên cao đột ngột.
Nhiều ngành của một số trường lấy điểm chuẩn cao chót vót lên đến 29-30 điểm. Nhiều ngành học, nhiều đối tượng lấy đến trên 30 điểm. Đây thực sự là một hiện tượng chưa xảy ra ở các năm học trước.
Vì thế, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về hình thức cộng điểm ưu tiên của các thí sinh.
Nhiều em được cộng đến 3,5 điểm đã vượt qua các em thí sinh thành phố để vào các ngành có đông thí sinh điểm cao như Công an, Quân y, các trường Đại học Y, Báo chí, Bách khoa…
Rơi lệ vì 29 – 30 điểm vẫn trượt đại học |
Chúng ta đều biết, đối với việc thi cử, nhất là đại học thì chênh nhau chỉ cần 0,25 điểm đã có kết quả khác nhau.
Các thí sinh chỉ cần hơn 0,25 sẽ đậu và thí sinh kém 0,25 đành ngậm ngùi… rớt.
Việc những em có điểm thi cao dù không đậu nguyện vọng 1 thì các em còn các nguyện vọng tiếp theo.
Nhưng, có rất nhiều thí sinh có điểm thấp dưới mức điểm sàn mà do được cộng điểm ưu tiên nên đậu sẽ đặt ra câu hỏi về chất lượng đầu vào.
Vẫn biết, việc cộng điểm ưu tiên đã có từ rất lâu, chính sách cộng điểm không chỉ thể hiện được tính nhân văn của Đảng và Nhà nước mà còn tạo điều kiện học tập cho nhiều đối tượng tham gia học tập.
Thế nhưng, việc một số em được hưởng nhiều chế độ ưu tiên trong việc cộng điểm đang tạo nên sự cạnh tranh không công bằng cho các thí sinh không được ưu tiên. Và, rõ ràng, chúng ta không tuyển được những em có học lực tốt nhất vào học.
Năm nay, một số ngành sư phạm cũng như một số ngành khác của nhiều trường chỉ lấy điểm đầu chuẩn ở mức điểm sàn 15,5.
Như vậy, nhiều em thí sinh chỉ cần 12-13 điểm thi cùng với điểm ưu tiên nữa là nghiễm nhiên vào được đại học.
Trong khi ai cũng đánh giá là đề năm nay dễ mà nhiều thí sinh chỉ cần có điểm trung bình mỗi môn 4 điểm nhưng thêm điểm ưu tiên là có thể vào đại học thì rõ ràng chất lượng đầu vào còn thấp lắm.
Chưa thể bỏ cộng điểm ưu tiên |
Với điểm đầu vào như vậy thì rất khó đào tạo được đội ngũ tri thức tốt cho xã hội trong tương lai.
Đặc biệt là những thí sinh vào học ở các trường sư phạm, bốn năm sau, những thí sinh bây giờ sẽ trở thành những thầy cô giáo thì hỏi làm sao đội ngũ này có thể trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên” để đào tạo cho các thế hệ học trò.
Đó là chưa kể một số trường Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng nghề chỉ có mức điểm sàn từ 10-12 điểm thì nhiều em chỉ cần mức điểm thi 7-8 điểm là có cơ hội vào học.
Sự ưu ái quá nhiều cho một số đối tượng thí sinh vô hình trung một số trường phải chấp nhận tuyển vào những em có học lực cực thấp!
Nên chăng, chúng ta có thể duy trì hình thức ưu tiên như khi vào học được miễn giảm tiền học phí, được cấp phụ phí một phần cho học tập hoặc nếu cộng điểm ưu tiên chỉ nên dao động cho 4 mức điểm (0,25; 0,5; 0,75; 1,0) để không tạo nên sự chênh lệch quá lớn cho các thí sinh còn lại.
Sự ưu ái quá nhiều cho một số thí sinh được ưu tiên sẽ không tạo được sự cạnh tranh bình đẳng cho nhiều em không được ưu tiên.
Hiện nay, đời sống kinh tế của nhiều vùng miền trong cả nước không phải là quá chênh lệch, ngành giáo dục cũng đang áp dụng rất nhiều chính sách ưu tiên đối với sinh viên khi tham gia học tập.
Vì thế, việc cộng điểm ưu tiên nhiều điểm cho một số thí sinh hiện nay xem chừng không còn hợp lí và tạo cơ hội cho nhiều em học chưa tốt vẫn nghiễm nhiên bước vào giảng đường đại học.