Giáo dục đại học phải là đầu tàu
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới sự phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Ông cũng cho rằng, trong chương trình mới này việc dạy tích hợp không có nghĩa là ghép các môn với nhau, bên cạnh đó đội ngũ giáo viên muốn thực hiện chương trình này cũng phải bồi dưỡng thêm.
“Chúng ta vừa làm vừa điều chỉnh, không thể đợi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mới triển khai. Vì từ năm 2012 đã dự định dạy tích hợp nhưng sợ chưa chuẩn bị kịp nên không bắt tay vào làm, thực tế từ đó đến nay cũng không chuẩn bị được gì thêm.
Vì vậy, phải bắt tay vào làm. Không nên quá cầu toàn rằng làm là phải tốt ngay, mà phải với tinh thần gì đúng thì làm ngay. Trong quá trình đó sẽ hoàn thiện. Chương trình này không phải đến năm 2018 mới triển khai mà ngay từ bây giờ, những gì đã đúng sẽ đưa vào dạy, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và hoàn thiện, năm 2018 triển khai đồng loạt” ông Hiển cho biết thêm.
Nhiều luồng ý kiến cho rằng, chương trình mới sẽ khiến giáo viên khó dạy tích hợp. Ông Hiển giải thích, việc này đã thử, đã dạy 1 năm qua ở mô hình trường học mới (VNEM), cho thấy giáo viên hoàn toàn có thể dạy được khi tích hợp KHTN, KHXH. Vấn đề là giáo viên có tâm huyết, nhà trường tự thiết kế được chương trình dạy học một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế nhà trường, giáo viên và học sinh hay không.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, khi Bộ lấy ý kiến về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều ý kiến ủng hộ. Nhưng cũng nhiều góp ý với nhận thức cũ, không đưa tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT để tiếp cận chương trình này.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD&ĐT chiều ngày 28/8. Ảnh Xuân Trung |
Chia sẻ, góp ý cho Bộ, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) rất tâm đắc về nội dung đổi mới đánh giá, thi cử mà Bộ đề ra trong chương trình mới.
Theo GS. Thiệp, ở Việt Nam thi thế nào học thế ấy, vì vậy chọn đột phá khâu thi cử, đánh giá là rất chính xác.
Tương tự, GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, dù sao đổi mới không thể phủ nhận sạch trơn, mà phải kế thừa những gì là thế mạnh của giáo dục Việt Nam. Ví dụ phẩm chất của học sinh theo Chương trình mới là sống yêu thương, trách nhiệm thì có nên thỏa đáng khi thay cho 5 điều Bác Hồ dạy không?.
“Từ năm 1945, Bác Hồ đã nêu nhiệm vụ của trường học là phát triển năng lực toàn diện của học sinh chứ không phải là phát triển kiến thức học sinh, tuy nhiên chúng ta chưa làm được điều này, đến dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì chúng ta mới đề cập lại” GS. Dong cho biết.
Cũng theo GS. Dong, cấn đề hướng nghiệp ở THPT, trước đây trường học chúng ta rất coi trọng lao động, nhưng trong dự thảo rất mờ nhạt điều này. Cơ hội để học sinh trải nghiệm lao động hiện nay ít hơn rất nhiều. Bao nhiêu thế hệ học sinh đã trưởng thành hơn nhờ những việc lao động trong trường học.
“Hà Nội vừa qua yêu cầu học sinh phải trực nhật, vệ sinh lớp học, không được thuê nữa, cho thấy yếu tố lao động cho học sinh trong trường học đã nhạt nhòa đi nhiều. Không dạy cho học sinh yêu lao động, ý thức lao động thì rất thiếu sót. Chương trình mới đề cao hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh, tôi cho rằng cần kế thừa việc dạy tinh thần lao động cho học sinh” GS. Dong nhấn mạnh.
Theo GS. Phạm Tất Dong, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì sư phạm phải là đầu tàu, không phải là toa kéo. Nếu sư phạm chỉ là toa kéo thì “hỏng”. Trước khi có cải cách giáo dục phổ thông thì phải cải cách sư phạm. Mặt khác, giáo dục đại học phải định hướng cho giáo dục phổ thông, có tác động đến giáo dục phổ thông, không tách rời.
Đề cao tính dân tộc, môn sử là môn bắt buộc
Cũng theo GS. Phạm Tất Dong, chương trình mới cần đề cao tính dân tộc. Và trong bối cảnh mà học sinh chán môn sử thì càng phải đề cao tính dân tộc. Đề cao tính dân tộc không có nghĩa là bảo thủ, mà phải chọn lọc những kinh nghiệm thế giới.
GS. Dong mạnh dạn cho rằng, cần nhìn nhận rõ những yếu kém của giáo dục phổ thông để đổi mới. Theo đó, ông cho rằng, một trong yếu kém đó là môn sử.
“Học sinh đã chán môn sử, mà trong chương trình mới lại cho tự chọn thì càng nguy hiểm, vì vậy đề nghị sử là môn bắt buộc. Nếu học sinh quay lưng lại với môn sử thì cùng tai hại cho tương lai đất nước.
Thứ hai, lao động quá yếu, vì vậy học sinh không gắn được với nghề rất lạ khi mà Việt Nam là đất nước nông nghiệp.
Thứ ba, học sinh yếu về ngoại ngữ, kém ngoại ngữ là một dạng mù chức năng vì nhiều ngành nghề, không có ngoại ngữ thì không thể làm được việc” GS. Dong đề nghị.
GS. Dong cũng lưu ý đối với Bộ GD&ĐT rằng, trong chương trình mới cần chú ý tới nội dung dạy tích hợp và phân háo. Vì ông cho rằng, tích hợp kiến thức thì dễ, nhưng tích hợp 2 khoa học vào nhau là rất khó.
Ví dụ tích hợp dân số vào toán, vào sinh thì dễ, nhưng tích hợp các môn khoa học khác nhau thì rất khó, vì mỗi môn là một khoa học chuyên sâu. Nếu không cẩn thận dạy tích hợp giáo viên sẽ dạy kém đi, và điều này chúng ta cần cẩn trọng.
Ông Phan Đăng Hùng (Hội Khuyến học Việt Nam) cho biết, khi đổi mới chương trình thi ông thầy luôn là số 1, nếu ông thầy không đủ trình độ thì không thể dạy tích hợp, không thể đổi mới giáo dục phổ thông thành công.
“Mỗi trường hiện nay chỉ được 3-4 thầy giỏi thực sự. Cần phải đào tạo giáo viên một cách bài bản, vì thế các trường sư phạm có vai trò rất lớn, phải vào cuộc thực sự. Nhưng tôi cho rằng, giáo viên giỏi mà môi trường không ổn thì cũng không thể dạy tốt. Như vậy, sau thầy giáo phải là nhà trường-môi trường dạy học. Làm được 2 điều này thì đổi mới mới thành công” ông Hùng khẳng định.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng Giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, chương trình tổng thể cần làm rõ vấn đề dạy tích hợp hơn.
Quan trọng, theo ông Khuyến phải chỉ ra được ai là kiến trúc sư của chương trình mới, vì nếu không có kiến trúc sư thì không có sự liên thông.