LTS: Chia sẻ câu chuyện của những người bạn của mình, tác giả Thảo Ly chỉ ra những góc khuất và bất cập về việc xếp loại thi đua trong giáo dục.
Qua đó, tác giả cho rằng, nếu Bộ không bỏ chỉ tiêu mà cứ ấn xuống kiểu này, giáo dục chỉ toàn là giả dối và bệnh thành tích.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Học kì I đã kết thúc. Thời gian này, các trường đang tổ chức xét kết quả để xếp loại học sinh, giáo viên trong năm học 2017-2018. Có khá nhiều chuyện buồn lại xảy ra khi giáo viên có học sinh chưa hoàn thành chương trình.
Đánh giá, xếp loại thi đua cho giáo viên vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa: congannghean.vn). |
Buổi họp hội đồng đã trở nên căng thẳng khi cô giáo Mai và thầy Quý bị xếp loại khá. Tiếng cô Mai bức xúc “tôi muốn hỏi, tôi đã mắc lỗi gì trong học kì qua mà bị hạ một bậc thi đua?”. Thầy Quý cũng lên tiếng “tôi cũng vậy, xin được giải đáp luôn?”.
Phó hiệu trưởng lên tiếng “hai thầy cô không mắc lỗi gì nhưng trong lớp của mình còn 2 em xếp loại chưa đạt. Học sinh chưa đạt mức tối thiểu, giáo viên chỉ phải hạ một bậc thi đua mà kêu nỗi gì?”.
Vẫn tiếng cô Mai “hạ thi đua như thế là bất công cho tôi quá. Bản thân tôi cũng đã nỗ lực rất nhiều.
Hàng ngày trên lớp, tôi đều dành thời gian để kèm cặp thêm cho những học sinh này nhưng các em không tiếp thu nổi, chúng tôi biết phải làm sao? Đó là chưa nói học kì qua, bản thân tôi đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp thị”.
Lần này thì hiệu trưởng lên tiếng “đã là quy định thì không được du di. Trước đến nay, trường mình đều hạ một bậc thi đua với lớp có học sinh còn yếu và học sinh bỏ học”.
Toan đứng dậy phản biện nhưng một giáo viên ngồi bên cô Mai kéo lại thủ thỉ “đừng nói nữa chẳng giải quyết được gì. Lần sau rút kinh nghiệm. Muốn cho chúng đạt yêu cầu thì thiếu gì cách?”.
Nói rồi, cô Lan còn bật mí tiếp “chị tưởng những lớp kia học sinh đều đạt hết hay sao? Toàn maphia cả đấy. Đi dạy bao nhiêu năm mà ngốc thế không biết?”.
Nghe đồng nghiệp nói thế, cô Mai nói rằng “đâu ngốc đến mức không biết mọi người làm cách gì nhưng lương tâm không cho phép nên không muốn làm, thế thôi”.
Cô Lan lại nói “lương tâm không bằng lương tháng, phải tự cứu lấy mình thôi”.
Quy định trái khoáy
Đầu năm, nhà trường chuyển xuống một bảng chỉ tiêu để giáo viên tham khảo và cho ý kiến. Nhìn chỉ tiêu nào chỉ tiêu ấy cao ngất trời có giáo viên nói rằng “mình muốn choáng”.
Nói là thảo luận nhưng tổ trưởng chuyên môn lại bật mí rằng (chỉ được phép điều chỉnh lên chứ không có quyền hạ chỉ tiêu xuống).
Nào là tỉ lệ hạnh kiểm phải đạt 99%, duy trì sĩ số 100%, học sinh hoàn thành chương trình lớp học 99%... Có giáo viên thắc mắc “chỉ cần 1 em không đạt đã chiếm 3% vậy chỉ tiêu đưa 99% chẳng khác nào 100% đó sao?”.
Bên cạnh những chỉ tiêu buộc thầy cô đăng kí. Ban giám hiệu nhà trường còn xây dựng riêng một bảng nội quy trừ điểm thầy cô.
Ví như lớp để một học sinh bỏ học trừ giáo viên một bậc hạnh kiểm, 2 học sinh bỏ học thì hạnh kiểm của giáo viên chủ nhiệm cũng hạ theo. Hay có một học sinh không đạt về học lực cũng hạ thầy cô một bậc…
Phải gian dối vì điều không thể
Ai đi dạy chẳng muốn mình được xếp loại tốt. Nếu vì năng lực chuyên môn, vì kĩ năng sư phạm yếu thì đành chịu. Đằng này, thầy cô đã phải nỗ lực hết mình nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm cả những điều vượt khả năng như việc duy trì sĩ số lớp 100%.
Tâm tư của thầy giáo về thi đua - khen thưởng trong giáo dục |
Giáo viên chủ nhiệm cứ luôn phập phồng thấp thỏm. Một em nghỉ học, thầy cô bị nhà trường hạ một bậc thi đua. Thế nên, thay vì phải răn dạy trò khi phạm lỗi, giáo viên phải năn nỉ rồi thỏa hiệp nên trò hư càng hư.
Đã có không ít thầy cô có trò bỏ học giữa chừng phải làm giả hồ sơ để hợp thức hóa việc xin chuyển trường của học sinh cho mình thoát “tội”.
Có giáo viên đi đến nhà học trò mòn đường, mỏi gối để năn nỉ các em trở lại lớp. Ba mẹ học sinh nói rằng “cho con tôi đi học, thầy cô có đảm bảo rằng sau này nó đi học cao hơn ra trường sẽ không thất nghiệp?”. Nghe thế thầy cô ngại mặt ra mà chẳng biết nói gì.
Việc duy trì sĩ số là thế, việc học cũng nhiêu khê không kém. Theo một số chuyên gia giáo dục, một lớp có khoảng 10-15% học sinh tiếp thu kém. Nếu số này được phép lưu ban sẽ giúp các em học tốt hơn.
Thế nhưng dù có học kém đến mức nào, các em cũng không được quyền ở lại và giáo viên lúc này phải tìm mọi cách để hợp thức hóa kết quả của những em này.
Chuyện đưa ra chỉ tiêu khống chế không chỉ đẩy giáo viên vào con đường giả dối mà đang tước đi quyền được học của nhiều học sinh.
Giáo viên chỉ còn biết than với nhau rằng “nếu Bộ không bỏ chỉ tiêu mà cứ ấn xuống kiểu này, giáo dục chỉ toàn là giả dối”.
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả. Tên, nơi công tác của nhân vật đã được thay đổi và không công khai theo đề nghị cá nhân.