LTS: Thẳng thắn cho rằng, tổ trưởng chuyên môn ở các trường học hiện nay đang phải làm quá nhiều công việc vô bổ, dẫn đến tâm lý căng thẳng, mệt mỏi không còn đủ thời gian để nâng cao chuyên môn giảng dạy, tác giả Thanh An đã đưa ra những quan điểm về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đã nhiều năm làm tổ trưởng chuyên môn của một trường phổ thông, điều tôi phải đối diện và thực hiện đó là năm nào cũng bị lãnh đạo nhà trường và thanh tra cấp phòng, sở kiểm tra hồ sơ sổ sách.
Ngoài việc mình bị kiểm tra thì tôi cũng phải kiểm tra hồ sơ sổ sách của các giáo viên trong tổ mỗi học kì ít nhất một lần. Nói thật, việc kiểm tra như vậy chẳng có tác dụng gì cho việc thúc đẩy phát triển chuyên môn. Nó vô tình, gây ra tâm lý căng thẳng, và sự mệt mỏi cho các giáo viên.
Từ lâu, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh và nói nhiều đến việc giáo viên có quá nhiều sổ sách vô bổ nhưng với tổ trưởng chuyên môn còn nhiều sổ sách hơn rất nhiều.
Tổ trưởng tổ chuyên môn phải làm quá nhiều việc vô bổ (Ảnh minh họa: Sa tế). |
Mỗi loại hồ sơ sổ sách khi thực hiện phải mất rất nhiều thời gian nhưng có những loại sổ sách, kế hoạch không phát huy được tác dụng.
Ngoài việc phải thực hiện những hồ sơ sổ sách như những giáo viên đứng lớp thì tổ trưởng chuyên môn có thêm một số loại sổ như sổ như:
Kế hoạch năm, tháng; sổ Chuyên đề; sổ Tích hợp môn học; sổ Theo dõi ngày công; sổ Công đoàn; sổ Lưu hồ sơ; Kế hoạch giảng dạy của tổ, Kế hoạch phụ đạo, Kế hoạch ôn thi học sinh giỏi, lịch kiểm tra, báo cáo tháng… và rất nhiều loại sổ sách khác nữa.
Năm nào cũng vậy, ít nhất là cấp trên về thanh, kiểm tra chuyên môn 1 lần, ngoài ra, các dịp thi học kì, thi cuối năm cũng được lãnh đạo ghé thăm và kiểm tra.
Các loại hồ sơ số sách luôn phải chỉn chu, cẩn thận và thực hiện đầy đủ. Cái nào thiếu, cái nào chưa rõ ràng đều được cán bộ thanh tra ghi vào biên bản.
Khi đã ghi vào biên bản cũng là lúc mà những tổ trưởng chuyên môn phải đón nhận những lời lẽ khó chịu từ ban giám hiệu.
Cuộc họp nào cũng ra rả nhắc nhở. Nhiều tổ chuyên môn còn bị cắt thi đua cuối năm vì “bị” thanh tra ghi vào biên bản khi về trường kiểm tra.
Có quá nhiều các loại hồ sơ sổ sách vô bổ |
Ngoài đối diện với thanh tra thì đội ngũ tổ trưởng chuyên môn cũng thường xuyên bị ban giám hiệu kiểm tra nội bộ theo các chuyên đề.
Những công việc không tên đó chiếm quá nhiều thời gian mà các tổ trưởng phải thực hiện.
Đơn vị chúng tôi quy định tổ trưởng phải dự giờ giáo viên ít nhất 3 tiết/năm và kiểm tra mỗi giáo viên ít nhất 2 phiếu chuyên đề.
Điều này cũng đồng nghĩa việc tổ trưởng phải dự giờ giáo viên mỗi năm ít nhất 3 lần.
Bởi ngoài những giờ dự đánh giá, xếp loại thì còn phải dự thao giảng, dự kiểm tra đổi mới chuyên môn nhằm rút kinh nghiệm.
Rồi kiểm tra chuyên đề của giáo viên, xây dựng các tiết thao giảng trong tổ…tất cả phải được lưu văn bản cẩn thận để cuối năm làm minh chứng cho việc đánh giá, xếp loại, xét khen thưởng cho giáo viên trong tổ.
Không chỉ lo hoàn thành các loại hồ sơ sổ sách cho ban giám hiệu và thanh tra kiểm tra lúc thì định kì, khi thì đột xuất, các tổ trưởng chuyên môn còn phải cùng với nhà trường kiểm tra công tác nội bộ trong trường, kiểm tra các chuyên đề đổi mới của giáo viên trong tổ.
Vì thế, các kế hoạch được lồng ghép cẩn thận trong từng tuần, từng tháng.
Những công việc vô bổ như vậy cứ xoay liên tục để hoàn thiện các bộ hồ sơ cho từng cá nhân trong tổ cũng như hoàn thiện công việc cho mình một cách vô bổ và nhàm chán.
Thử hỏi, có 4 loại hồ sơ sổ sách của giáo viên mà Bộ giáo dục đã quy định thì giáo viên nào lại chẳng phải thực hiện.
Đầu năm, các loại hồ sơ, kế hoạch tổ trưởng đã duyệt cả rồi, khi thực hiện nhiệm vụ năm học thì giáo án duyệt mỗi tháng 2 lần, điểm số cá nhân thì trên phần mềm điện tử đã có.
Chỉ cần bấm chuột vào kiểm tra là biết hết cả trường. Vậy, việc gì còn phải làm hồ sơ kiểm tra, phải ghi biên bản cho mệt cả người kiểm tra và cả giáo viên?
Thế nhưng, ít nhất mỗi năm giáo viên bị nhà trường kiểm tra vài lần hồ sơ sổ sách. Ngay cả sổ hội họp cá nhân cũng kiểm tra…
Vì thế, mỗi lần họp, hiệu trưởng, hiệu phó nói cái gì là giáo viên phải ghi vào sổ hội họp. Trong khi, đa số nội dung các cuộc họp bây giờ đã có văn bản gửi đến tận tay giáo viên mỗi người 1 bản.
Thế là giáo viên lại phải vừa chép kế hoạch họp vừa phải chép lời triển khai miệng của lãnh đạo nhà trường. Phải nói là chuyện phi lí hết sức mà lại cứ… hành nhau.
Sổ sách, hội thi và phong trào ngập đầu, giáo viên nâng chuyên môn lúc nào? |
Công việc hồ sơ sổ sách chiếm quá nhiều thời gian ở trường đối với các tổ trưởng chuyên môn.
Trong khi, họ là người chịu trách nhiệm chính về môn học trong trường.
Thế nhưng, công việc chuyên môn có lẽ cũng chỉ là “phụ” bởi chuyên môn là việc của tổ, được thể hiện qua điểm số.
Còn đối với lãnh đạo nhà trường và cán bộ thanh, kiểm tra cấp trên lại cứ chăm chăm vào mấy quyển sổ sách, kế hoạch vô hồn với một lí lẽ rất…khoa học.
Đó là, các thầy làm gì cũng phải có minh chứng mới thuyết phục được chúng tôi.
Vì thế, các trường đã có nhân viên thiết bị rồi mà các tổ trưởng phải có kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học và sổ theo dõi giáo viên sử dụng đồ dùng dạy học mới thấy thật …buồn cười.
Có nhân viên thiết bị rồi thì giáo viên nào mượn, giáo viên nào sử dụng đã có nhân viên thiết bị ghi chép, tổ trưởng chuyên môn có phải là nhân viên trực thiết bị đâu mà cứ bắt ghi chép những điều vô bổ như vậy?
Thế nhưng, địa phương chúng tôi hàng chục năm nay vẫn cứ thực hiện công việc này. Ý kiến mãi nhưng lãnh đạo phòng giáo dục vẫn bảo lưu ý kiến chỉ đạo của mình.
Ngoài công tác giảng dạy theo quy định số tiết của ngành, hội họp như các giáo viên khác, bản thân Tổ trưởng còn tham gia họp như:
Họp Hội đồng bộ môn ở phòng, sở, tham gia họp chuyên môn của trường, tham gia họp công đoàn, tham gia họp xét kỷ luật học sinh, họp đại diện Hội phụ huynh, họp cán bộ cốt cán trong trường khi có ngày lễ hay một việc đột xuất nào đó.
Từ các cuộc họp này, các tổ trưởng chuyên môn lại về tổ triển khai lại cho anh em trong tổ.
Ngoài ra còn tham gia vận động học sinh trở lại lớp, theo dõi tình hình giảng dạy của giáo viên trong tổ, chịu trách nhiệm khi tổ có cá nhân vi phạm, hay không hoàn thành nhiệm vụ, theo dõi hoạt động của các lớp mà giáo viên trong tổ chủ nhiệm.
Rồi làm kế hoạch và báo cáo tháng, ôn thi học sinh giỏi…
Trong các tổ trưởng chuyên môn ở trường thì tổ trưởng bộ môn Ngữ văn của một trường phổ thông thường còn phải làm thêm nhiều những việc không tên khác. Bởi có nhiều loại giấy tờ, văn bản hay được ban giám hiệu “nhờ làm giúp”.
Được cho "ôm" nhiều chức...thầy cô có sướng không? |
Các ngày lễ lo bài phát biểu cho giáo viên, phụ huynh, cho học sinh thậm chí là cả cho hiệu trưởng; tham gia chấm chọn thi văn hay chữ tốt, thư UPU của học sinh;
Các cuộc thi viết bài bên Đảng ủy cũng phải viết hoặc phải sửa bài; tham gia hướng dẫn, sửa sáng kiến kinh nghiệm;
Viết thư ngỏ gửi các Mạnh Thường Quân xin tài trợ các phong trào, học sinh khó khăn;
Chấm báo tường, báo ảnh; chấm thi tìm hiểu về giao thông; ma túy; viết kịch bản cho các ngày tổ chức văn nghệ như 20/11; 26/3; tham gia thi, sửa bài những cuộc thi do ngành phát động…
Tất cả cũng từ một lí do đơn giản: giáo viên Văn thì thực hiện thuận lợi hơn. Ngành quy định 19 tiết/tuần, nhưng tuần nào cũng đi suốt mà công việc còn phải đem về nhà làm vào buổi tối.
Áp lực là vậy nhưng có nhiều hiệu trưởng chỉ biết giao việc, quát nạt nên khi được phân công làm tổ trưởng thì nhiều giáo viên tìm mọi lý do để chối từ, bởi có quá nhiều công việc cùng sức ép của ngành, ban giám hiệu và đồng nghiệp lên vai người tổ trưởng.
Là người chịu trách nhiệm chính về môn học của một trường nhưng với quá nhiều công việc ngoài chuyên môn như vậy thì còn đâu thời gian để tập trung cho chuyên môn trong tổ mà mình phụ trách?
Trong nhà trường, nếu như các thành viên ban giám hiệu là quản lý chung các công việc nhà trường thì tổ trưởng chuyên môn sẽ là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng giảng dạy, học tập môn học mà mình phụ trách.
Vì thế, ngành giáo dục cần quán triệt mạnh mẽ để cơ sở không “đẻ” thêm nhiều những loại hồ sơ số sách và tổ chức kiểm tra chồng chéo, hình thức nhưng không có tác dụng.
Hãy để giáo viên toàn tâm với việc dạy của mình mới nâng cao được chất lượng.
Làm nhiều kế hoạch, tổ chức kiểm tra hồ sơ sổ sách nhiều lần thì cuối năm cũng đến…bán phế liệu mà lãng phí thời gian, tiền của của giáo viên chứ ích lợi gì?