LTS: Bàn thêm về vấn đề dự giờ, tác giả Thiên Ấn cho rằng hoạt động dự giờ cần được phát huy nhằm tăng trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.
Tuy nhiên, công tác chấm bài, dự giờ cần được thực hiện nghiêm túc, thẳng thắn, tránh góp ý qua loa, hình thức và thiếu công bằng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Từ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn từng năm học của Sở, Phòng, các trường học không bao giờ thiếu hoạt động dự giờ, thăm lớp của cán bộ, giáo viên.
Nếu hoạt động này được duy trì, tổ chức tốt thì có tác dụng rất lớn đối với việc thay đổi, chuyển biến chất lượng giáo dục, nâng cao hình ảnh, hiệu quả chuyên môn của thầy, cô giáo, làm cho các em học sinh thực sự yêu thích môn học.
Nhưng bấy lâu nay, nhiều giáo viên lại không mấy mặn mà, hứng thú với việc đăng ký tiết dạy tốt để đồng nghiệp dự giờ, góp ý và càng không muốn có những đồng nghiệp thẳng thắn nhận xét, đánh giá tiết dạy của mình.
Thực trạng này cho thấy, một bộ phận giáo viên đứng lớp có sức ỳ lớn, đang sợ hãi, thiếu tâm huyết và bản lĩnh về mặt chuyên môn.
Chấm bài, dự giờ cần người thẳng thắn, nghiêm túc. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn) |
Rõ ràng, một mình anh tự biên, tự diễn mãi với học trò, không hoặc hiếm có người dự giờ, người góp ý bài dạy thì yếu tố chủ quan sẽ hình thành càng lớn theo thời gian.
Tôi từng gặp trường hợp, có cô giáo viên lớn tuổi, kinh nghiệm nhiều, lại thường hay né tránh thao giảng được mấy năm. Song cuối cùng đến phiên, đến lượt cũng phải thao giảng.
Do lâu ngày quen không có người dự, nay tiết thao giảng có đông người đến dự, cô giáo khá lúng túng, bối rối, người ướt đẫm mồ hôi, viết và nói rời rạc, không đâu vào đâu…
Sau khi đồng nghiệp đánh giá, góp ý tiết dạy chưa đạt yêu cầu, giáo viên này thừa nhận:
“Tôi có phần chủ quan, lâu nay ít đi dự giờ đồng nghiệp và không đăng ký thao giảng, từ nay trở đi tôi sẽ rút kinh nghiệm và thực hiện việc dự giờ, đăng ký thao giảng, tiết dạy tốt nghiêm túc”.
Giáo viên vừa phải đối phó với các hội thi, vừa đôn đáo vì thanh tra |
Một số giáo viên có tâm lý thích những người dự giờ là chỗ “thân tình”, “hay chơi” với mình và mẫu người dễ dãi, nhẹ nhàng, sau tiết dự chỉ góp sơ sài, qua loa, toàn là những lời khen ngợi, ca tụng có cánh.
Trong chuyên môn khoa học - nghệ thuật sư phạm dạy học mà lại “kết” người “thân tình”, người dễ dãi thì làm sao chỉ ra được những mặt hạn chế, nhược điểm của mình để điều chỉnh, thay đổi, hoàn thiện về nhiều thứ?
Thầy B.V.T, giáo viên môn Ngữ văn, ở một trường trung học phổ thông (Thành phố Đà Nẵng) chia sẻ:
“Tôi không đồng tình với chuyện dễ dãi, “dĩ hòa vi quý” trong hoạt động chuyên môn, trong việc dự giờ thăm lớp.
Mọi thiếu sót của người dạy đều được đánh giá, mổ xẻ một cách cởi mở, thẳng thắn, chân thành nhất, có thể lúc đầu người ta khó chịu nhưng sau đó sẽ nhận ra tất cả.
Đấy là giúp, thương đồng nghiệp mình, có trách nhiệm với trường, lớp, các em học sinh.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, có hàng loạt yêu cầu, cái mới đang thách thức giáo viên thì việc sinh hoạt nhóm tổ chuyên môn, qua hoạt động dự giờ, học hỏi, góp ý cho nhau càng cần thiết hơn bao giờ hết”.
Từng tham gia chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm bài thi học kỳ theo đề thi chung của Sở, trường, tôi nhận thấy có vài điều muốn nói về tâm thế, thái độ của giám khảo, người chấm.
Trước khi chấm, các giáo viên được đọc, thảo luận đáp áp, hướng dẫn chấm khá kỹ nhưng quá trình chấm, do tính đa dạng của bài làm, cách giải của thí sinh nên giữa các giám khảo có độ vênh nhau về điểm, có khi lên đến 2 - 3 điểm (bộ môn Ngữ văn), thế là các giám khảo phải ngồi lại thống nhất.
Có giáo viên chấm kiểu “theo đuôi”, nghĩa là bài này anh cho 8 điểm, em cho 7 điểm, thôi thì theo điểm của anh, khỏi cần trao đổi, xem lại bài vừa đỡ mất thời gian vừa có lợi cho học sinh.
Song cũng có những thầy cô giáo làm việc rất nghiêm túc, khi lệch, vênh điểm, cả hai cùng xem lại bài từng chi tiết, có khi trao đổi, tranh luận đến to tiếng, gay gắt cả hàng giờ mới ngã ngũ, thống nhất.
Có trường hợp, không ai chịu ai, buộc phải nhờ đến tổ trưởng chấm can thiệp, phân xử.
Giáo viên chấm bài thi, bài kiểm thường lại muốn gặp người chấm dễ dãi, ít soi xét khi lệch điểm. Còn gặp phải người hay soi xét, tranh luận đến cùng thì bảo: "Hôm nay, tui bị xui rồi".
Với tư tưởng, thái độ dễ dãi, sớm thỏa hiệp, buông xuôi trong đánh giá bài làm của học sinh ở không ít giáo viên, giám khảo chấm thi lâu nay làm cho việc thẩm định bài thi, bài kiểm tra thiếu ổn định, không công bằng, có em gặp may mắn, có em chịu thiệt thòi.