Bỏ điểm sàn, trường tốp dưới và cao đẳng có uy tín vẫn rất hấp dẫn thí sinh

04/01/2017 07:08
Thùy Linh
(GDVN) - Bất kỳ trường nào cũng mong muốn tuyển được sinh viên có chất lượng, đủ số lượng và phù hợp với chương trình đào tạo.

Lần đầu tiên kể từ năm 2002 khi thực hiện kỳ thi “3 chung”, năm 2017 Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học (điểm sàn).

Lãnh đạo nhiều trường đại học cho rằng, bỏ điểm sàn là hướng đi đúng tuy nhiên để bảo đảm chất lượng các trường phải đưa ra điểm "sàn" riêng.

Hướng đi đúng!


Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh Đại học năm 2017 được Bộ GD&ĐT công bố mới đây, Bộ dự kiến bỏ điểm sàn.

Chủ trương này được nhiều trường Đại học ủng hộ, nhưng cũng không ít trường tỏ ra lo lắng sẽ loạn chất lượng đầu vào, nhất là ở các trường top dưới và ngoài công lập.

Trước lo ngại này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường đã không còn phù hợp với xu thế đào tạo các ngành nghề ngày càng đa dạng.

Đây cũng là một trong những bước để thực hiện quyền tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục Đại học.

Các trường tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo và điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín... để đưa ra điều kiện đầu vào riêng của trường mình.

Nếu trường tốp dưới và trường cao đẳng có uy tín vẫn “hút” thí sinh dù bỏ điểm sàn (Ảnh: Zing.vn)
Nếu trường tốp dưới và trường cao đẳng có uy tín vẫn “hút” thí sinh dù bỏ điểm sàn (Ảnh: Zing.vn)

"Để giúp thí sinh và người nhà nắm bắt thông tin kịp thời để làm hồ sơ xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường Đại học công bố công khai điều kiện xét tuyển trong đề án tuyển sinh của mình sớm nhất có thể”, ông Ga nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: 

Nhiều người cho rằng, bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng mà cụ thể là chất lượng đầu vào nhưng rõ ràng, học đại học là người có năng lực, phẩm chất nhất định và không phải ai cũng học đại học.

Giữa các trường tốp trên, tốp dưới cũng có ngưỡng điểm đầu vào khác nhau nên theo quan điểm của cá nhân tôi, việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn là đúng nhưng các trường cần phải đưa ra mức điểm nhận hồ sơ
”. 

PGS.Trần Văn Tớp tiết lộ: “Chắc chắn ngưỡng điểm nộp hồ sơ vào Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ dao động ở ngưỡng 20 điểm. Còn các trường cao hơn thì có thể đưa ra mức điểm đầu vào cao hơn và ngược lại”.

Tôi không nghĩ rằng, việc bỏ điểm sàn lại khiến các trường tốp trên “vét” hết thí sinh bởi bất kỳ trường nào cũng mong muốn tuyển được sinh viên có chất lượng, đủ số lượng và phù hợp với chương trình đào tạo.

Về nguyên tắc các trường đều phải công bố ngưỡng để xét tuyển. Không thể vì để tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ thấp mức điểm chuẩn đầu vào.

Bỏ điểm sàn, trường tốp dưới và cao đẳng có uy tín vẫn rất hấp dẫn thí sinh ảnh 2

Bỏ “điểm sàn” vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học vừa phù hợp với xu thế

(GDVN) - “Việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn theo Dự thảo tuyển sinh đại học 2017 vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học, vừa phù hợp với xu thế chung của giáo dục hiện đại”.


Do vậy, nếu trường tốp dưới và các trường cao đẳng có uy tín với xã hội thì vẫn thu hút được thí sinh vào học
”, ông Tớp nêu quan điểm.

Chính vì vậy, PGS Trần Văn Tớp mong muốn Bộ yêu cầu các trường phải công bố “điểm sàn” của riêng mình.

Tiết lộ thêm về phương án tuyển sinh 2017 của trường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Năm nay, các trường trong nhóm GX thống nhất sẽ tái lập và có thể mở rộng với số lượng trường.

Do năm 2017 thí sinh được đăng ký không hạn chế nguyện vọng nên dự kiến tháng 1, nhóm GX sẽ tập trung phân tích kỹ để đưa ra phương án tuyển sinh thuận lợi nhất trên tinh thần chung là thống nhất sử dụng sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển
”.

“Điểm sàn” không còn quan trọng

Trước lo ngại về việc bỏ điểm sàn là “thả nổi” chất lượng đầu vào, GS.Nguyễn Quang Kim - Hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi cho hay, việc bỏ điểm sàn không đáng lo ngại. 

GS.Nguyễn Quang Kim cho rằng: “Theo tôi, đây là đảm bảo quyền tự chủ của các trường. Bỏ “điểm sàn” thì các trường phải có trách nhiệm về đầu ra cũng như cân nhắc nguồn đầu vào. 

Các trường phải tính mục tiêu dài hạn chứ không phải chỉ tuyển sinh chộp giật 1-2 năm mà chấp nhận hi sinh danh tiếng để hàng chục năm sau không lấy lại được
”. 

Cũng theo GS.Kim, các trường top đầu, có uy tín chưa bao giờ tuyển sinh bằng điểm sàn của Bộ mà bằng điểm chuẩn từng ngành. Do vậy, các trường top dưới không cần lo lắng. 

Bỏ điểm sàn, trường tốp dưới và cao đẳng có uy tín vẫn rất hấp dẫn thí sinh ảnh 3

“Chẳng có trường nào dại tới mức tự mình bóp cổ mình...”

(GDVN) - Bỏ điểm sàn không có nghĩa là thí sinh nào cũng vào được đại học và không phải thí sinh thi đạt kết quả tổng ba môn 3 điểm cũng giống thí sinh đạt 30 điểm.

Nhiều trường, như Đại học Thủy Lợi năm 2016, xét tuyển đợt 1 không đủ chỉ tiêu cũng không hạ điểm nhận hồ sơ cũng như điểm trúng tuyển, vẫn giữ nguyên điểm xét tuyển để đảm bảo chất lượng đồng đều. 

Nên tôi nghĩ, “điểm sàn” bây giờ không còn quan trọng. Có những trường “tháo khoán” học sinh vẫn không vào nên không có vấn đề gì phải băn khoăn
”, Hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi chia sẻ. 

Do vậy, các trường phải tự cân đối: mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn để xác định chuẩn đầu vào của mình. Chưa kể còn sự đánh giá của xã hội.

Khi không kiểm soát đầu vào, kiểm soát chất lượng đào tạo khiến đầu ra kém dẫn đến sinh viên không xin được việc làm thì thậm chí, có cho học bổng người ta cũng không học.

Còn theo quan điểm của TS.Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho rằng: “Dự kiến sẽ bỏ điểm sàn, đối với các nước khác chuyện này hết sức bình thường, thể hiện vấn đề liên quan đến tự do học thuật, tức là quyền được đi học, giống như nhu cầu cá nhân. 

Còn tất nhiên tốt nghiệp được hay không là việc của các trường, nhận hay không thì tùy theo ngưỡng chất lượng của từng trường nhưng Nhà nước không tạo một rào cản để cản trở. 

Xét về tính chất của chính sách thì bỏ điểm sàn hết sức tốt, nhưng tất nhiên khi đấy sẽ có ảnh hưởng nhất định trong năm đầu tiên thực hiện
”. 

Thùy Linh