LTS: Tiếp tục trao đổi về chủ đề "giáo dục mở", Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phát triển chính sách - Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng Việt Nam) chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình về định hướng phát triển giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
“Học, học nữa, học mãi” là câu nói nổi tiếng của Lê-nin từ thế kỷ trước.
Chủ trương xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời đã được thể hiện qua nhiều văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa 11 năm 2013.
Nghị quyết nêu rõ giáo dục Việt Nam phải theo hướng “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo…”.
Câu hỏi đặt ra là giáo dục Việt Nam hiện nay đã có định hướng đúng, đã có phương pháp truyền thụ kiến thức khoa học?
Nhân việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục, xin nêu vài suy nghĩ gửi tới các vị đại biểu Quốc hội và lãnh đạo nhà nước.
Ảnh minh họa trên Tuyengiao.vn |
Thứ nhất là định hướng:
Hiểu nôm na, giáo dục trước hết là dạy cho người ta biết đọc, biết viết, tiếp đó là dạy cho công dân một nghề nhằm nuôi sống bản thân, gia đình;
Cuối cùng là đào tạo một đội ngũ tinh hoa nhằm nghiên cứu, phát kiến những kiến thức mới, không chỉ đóng góp đất nước mà còn cho toàn cho nhân loại.
Giáo dục cần phải hướng đến hai đối tượng cơ bản, thứ nhất là số lượng chiếm đại bộ phận trong xã hội, tức là những người sẽ trở thành công nhân, nông dân, thợ thủ công, người làm dịch vụ…
Thứ hai là đội ngũ mà xã hội quen gọi là “tinh hoa”, bao gồm những người làm thày, người làm nghiên cứu, người quản lý, hoạch định chính sách.
Để mọi công dân đều có quyền được học, được đào tạo nghề thì giáo dục mở là định hướng đúng nhưng “mở” không có nghĩa là cả xã hội chỉ chú tâm vào học, vào văn bằng, nói cách khác không nhất thiết phải có nhiều Trung tâm giáo dục thường xuyên mà chất lượng giáo dục đào tạo tại nơi này luôn được xem là tệ hại.
Như vậy định hướng đầu tiên mà giáo dục phải hướng tới là đào tạo người lao động đơn giản, nói theo cách thông thường là người lao động chân tay.
Con người sinh ra, do sự ngẫu nhiên của số phận mà có người thông minh, có người chậm hiểu.
Một nền giáo dục nhân văn, khoa học là tạo điều kiện cho những người chỉ số thông minh thấp vẫn có công ăn việc làm để họ có thể nuôi sống mình và gia đình.
Các đối tượng bị hạn chế khả năng tiếp thu vì những lý do tự nhiên, học hết trung học cơ sở (lớp 9) ở độ tuổi 15-16, học tiếp một nghề nào đó trong vòng 2-3 năm, tốt nghiệp các khóa học nghề cũng là lúc họ bước vào tuổi có quyền công dân, tuổi lao động theo luật định.
Để nói rõ thêm, xin nêu quy định trong Luật Lao động:
Khoản 1, điều 3 Luật Lao động 2012 và dự thảo sửa đổi năm 2017 quy định: “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.
Như vậy công dân đủ 15 tuổi là có quyền lao động và do đó Luật Giáo dục cũng như định hướng giáo dục quốc gia phải bảo đảm trang bị cho công dân khả năng đọc hiểu thông thạo văn bản, khả năng họ đi làm sớm theo quy định của Luật Lao động.
Nói cách khác, giáo dục Việt Nam phải trang bị những gì cần thiết nhất cho người vị thành niên (từ 15 đến 18 tuổi) để họ có thể bắt đầu tự nuôi sống mình.
Với những người học để làm thợ, làm vườn, làm phục vụ,… có cần biết đạo hàm, tích phân?
Để hướng tới đối tượng này, Nhà nước cần tập trung nhân, tài, vật lực cho cấp tiểu học và trung học cơ sở, phổ cập giáo dục (tức là giáo dục bắt buộc) cho công dân hết bậc trung học cơ sở, miễn phí toàn bộ cho học sinh hai bậc học này, chấm dứt bất kỳ đóng góp nào của gia đình cho nhà trường dù là tự nguyện hay dưới các hình thức ngụy trang khác nhau.
Từ bậc trung học phổ thông trở lên, nội dung chương trình theo định hướng nghề nghiệp, phân luồng từ lớp 10.
Hệ thống trường phổ thông trung học sẽ chuyển dần sang hình thức ngoài công lập trong đó Nhà nước ưu tiên việc cho thuê đất xây dựng cơ sở vật chất và vay vốn ban đầu, có thể nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư cho một số trường chuyên, lớp chọn với mục đích bồi dưỡng năng khiếu.
Bậc học này người học phải tự đóng góp chi phí, nhà nước chỉ có chế độ học bổng khuyến khích nhân tài hoặc chế độ miễn giảm tùy theo vùng miền và đối tượng ưu tiên.
Riêng bậc đại học, Nhà nước chỉ cung cấp ngân sách cho một số trường trọng điểm nhằm đào tạo nhân tài và trường đào tạo nhà giáo, các trường đào tạo nhân lực sẽ hoàn toàn tự chủ.
Một khi đã miễn phí hoàn toàn hai bậc tiểu học và trung học cơ sở thì không có lý do gì để nói nhà nước không chú trọng đến người nghèo, đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo nhân tài, nhà nước chỉ nên giữ vai trò quản lý và hoạch định chính sách.
Với một Chính phủ “không bán bia, không bán sữa” không lý gì Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ phải là chủ quản của các trường cao đẳng, đại học.
Một khi hệ thống giáo dục đại học được “tự chủ hóa” thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chuyên chức năng quản lý nhà nước, hoạch định chiến lược giáo dục và đảm nhận vai trò cơ quan kiểm định chất lượng mà không sợ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Muốn học cao hơn, muốn có trình độ vượt trên mặt bằng chung của xã hội thì phải trả tiền, đó mới là quan điểm nhân văn, cào bằng để cái gì cũng thiếu, cũng yếu không phải là cách làm khoa học.
Thứ hai, về quan điểm giáo dục:
Quan điểm lấy học sinh làm trung tâm trong nhà trường không phải là quan điểm hợp lý, trong cả hệ thống giáo dục, vai trò trung tâm phải là người thày.
Không có thày giỏi sẽ không thể có trò giỏi.
Một trong những điều có thể gọi là sai lầm nghiêm trọng về quan điểm giáo dục khi lấy học sinh làm trung tâm là xem nhẹ việc đào tạo đội ngũ nhà giáo.
Tính bảo thủ của cả hệ thống chính trị thể hiện ở chỗ dù cả xã hội đã đề cập đến việc tuyển chọn sinh viên sư phạm trong suốt mấy chục năm nhưng không hề có một biện pháp hữu hiệu nào khắc phục tình trạng “chuột chạy cùng sào” ngoài những lời kêu gọi và những khẩu hiệu không có sức thuyết phục.
Ý tưởng lựa chọn học sinh giỏi (theo học bạ phổ thông) vào trường Sư phạm mà lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tuy không sai nhưng chỉ là một ý kiến chủ quan, không khả thi.
Thứ trưởng Lê Quân trả lời phỏng vấn về đào tạo nhân lực thời 4.0 |
Muốn học sinh giỏi tự nguyện vào học Sư phạm thì điều kiện cần và đủ là “việc làm sau khi tốt nghiệp và sống được bằng lương”.
Một khi giáo sinh ra trường không tìm được việc làm, nhà giáo phải làm thêm để tăng thu nhập mà muốn học sinh giỏi lựa chọn ngành Sư phạm e chỉ là một ý tưởng mang tính “phong trào” nếu không nói là một đề xuất thiếu tính thực tiễn.
Hiến pháp quy định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thực tế cho thấy điều này chưa bao giờ được quan tâm đúng mức ngoại trừ việc dành cho giáo dục khoảng 20% ngân sách chi thường xuyên.
Thứ ba: Về phương pháo giáo dục:
Điều cần nói thẳng với nhau là ngành Giáo dục qua nhiều thế hệ lãnh đạo vẫn luôn “thí điểm” các phương pháp được du nhập từ nước ngoài mà không một phương pháp nào mang lại hiệu quả.
Từ “Bàn tay nặn bột” đến “VNEN” và hiện nay là “giáo dục tích hợp”…
Bất kỳ phương pháp nào từ trước đến nay cũng đều nhằm đến đích là 99% đỗ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chính đích đến này đã khiến cho thày lười nâng cao kiến thức và trò lười học.
Thế giới sinh vật ngày nay, kể cả con người được hình thành qua một phương pháp gọi là “Chọn lọc tự nhiên”.
Những cá thể yếu sẽ bị loại trừ bởi các cá thể mạnh và bởi không có khả năng thích nghi với điều kiện sống thường xuyên biến đổi.
“Chọn lọc tự nhiên” trong giáo dục chính là hình thành khả năng tự học của học trò dưới sự hướng dẫn của thày chứ không phải là “thi đua, sáng kiến” để rồi năm nào cũng gần 100% tốt nghiệp.
“Chọn lọc tự nhiên” trong giáo dục là một số lượng lớn những người không có khả năng tiếp thu, không rèn được thói quen tự học sẽ phải chọn con đường lao động sớm.
Đồng thời “chọn lọc tự nhiên” trong giáo dục cũng phải là những nhà giáo không có khả năng phát huy sự sáng tạo của học trò, không hơn hẳn học trò về tư duy thì phải chuyển ngành.
Gần 100% dân chúng biết đọc, biết viết là một thành tựu đáng được ghi nhận song gần 100% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học lại là một thất bại của giáo dục, nhận định này có phải là sai lầm?
Giáo dục hiện nay đang theo kiểu nhồi nhét kiến thức chứ không phải gợi mở để học trò tự học.
Sẽ không có phương pháp nào thành công nếu học sinh sợ đến trường, lười học và ham chơi; Nếu nhà giáo coi giờ lên lớp chỉ là lúc nhắc lại những gì có trong sách giáo khoa.
Một bộ sách giáo khoa chuẩn, một đội ngũ nhà giáo giỏi nghề và yêu nghề và nếu có một thế hệ học trò không sợ học thì chẳng cần “nặn bột” hay “VNEN” cũng vẫn có một nền giáo dục đáp ứng mọi nhu cầu của xã hội.
Sẽ không thể có một phương pháp giáo dục tối ưu cho mọi đối tượng trong nhà trường nếu không căn cứ vào khả năng tiếp thu của học sinh.
Ở các cấp đào tạo cao (thạc sĩ, tiến sĩ) thày giáo được gọi là “người hướng dẫn khoa học”, điều này chưa được áp dụng trong chương trình phổ thông, thày vẫn là người “dạy” chứ chưa đóng vai trò gợi mở, định hướng, khuyến khích học sinh tự học.
Tại Việt Nam, hơi hiếm thấy những người thành đạt ngoài xã hội được chọn làm thỉnh giảng hoặc cấp bằng danh dự trong trường đại học.
Những buổi giảng của họ có thể có khiếm khuyết về mặt sư phạm song sẽ rất hữu ích cho những người chuẩn bị khởi nghiệp.
Phải chăng có sự dị ứng nào đó giữa giới học thuật và những người không thuộc “nhóm học thuật”?
Để công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo đạt được kết quả, sửa đổi luật, biên soạn lại sách giáo khoa là cần thiết nhưng đó không phải là tất cả, thay đổi quan điểm và định hướng giáo dục mới là điều cần làm.
Định hướng giáo dục phải là đào tạo nhiều “thợ” giỏi chứ không phải “thày” dốt, đào tạo người làm ra của cải vật chất chứ không phải người sáng tác khẩu hiệu.
Người viết cho rằng ở bậc tiểu học và trung học cơ sở giáo dục là bắt buộc với mọi trẻ em, các bậc học cao hơn giáo dục chỉ nên “dạy” những người muốn học, những người không muốn học hãy để họ tự chọn con đường riêng của mình.
Sự ưu việt của thể chế chính trị không nằm ở chỗ tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao gần tuyệt đối mà ở chỗ ai cũng có công ăn việc làm và những người tài giỏi phải được đối xử đúng mực.