LTS: Trước thời điểm con vào lớp 1, việc cho trẻ học chữ trước là vấn đề được nhiều quý vị phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, việc chỉ chăm chăm cho trẻ học kiến thức mà nhiều phụ huynh đã quên đi việc dạy những kĩ năng cần thiết cho con. Từ đó, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đã nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có lệnh cấm việc dạy chữ cho học sinh lớp 1. Gần như các trường mẫu giáo đã không vi phạm điều này.
Các trường tiểu học quê tôi cũng tuyệt đối không tuyển sinh học sinh lớp 1 để dạy hè. Nhưng phần lớn trẻ nhỏ hàng ngày vẫn được cho đi học chữ miệt mài nơi các lớp học thêm bên ngoài.
Có nên dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Rất nhiều phụ huynh có tâm lý “không yên tâm khi con vào lớp 1 mà chưa biết đọc, biết viết”. Thế nên chưa đến hè những đứa trẻ lớp Lá đã được ba mẹ gửi tới lớp học thêm.
Bên cạnh một số phụ huynh có nhu cầu thật sự cho con học trước, số khác “thấy con người ta đi học, con mình ở nhà thì nóng ruột” nên cũng tìm cách cho con đi học luôn.
Phụ huynh chú trọng nhiều việc học chữ bỏ qua những kĩ năng thiết yếu
Vào năm học, lớp học từ 40-50 em phải có 90% các em đã biết đọc, viết. Đọc bài rành, chữ viết tốt nhưng nhiều kĩ năng trẻ thiếu trầm trọng. Bởi thế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt, học tập của các em ở lớp.
Nhiều trẻ nhỏ khóc bù lu bù loa khi mẹ đưa đến trường. Nhiều phụ huynh cứ phải đứng ngoài cửa sổ nhìn vào nơi con ngồi để “bé mới yên tâm học” suốt cả buổi.
Có em trong giờ học lại không biết lấy sách, lấy vở để ghi bài vì ở nhà ba mẹ thường làm thay.
Một số em không biết nói lời yêu cầu đề nghị với cô (như xin đi vệ sinh, xin cô phổ biến lại…).
Nhiều giáo viên lớp 1 nói rằng, có em cứ ngồi nguyên tại chỗ tè dầm, thậm chí đi đại tiện.
Lớp học phải ngưng lại, giáo viên phải dọn dẹp “bãi chiến trường” trẻ vừa bày ra.
Em lại đi vệ sinh không biết kéo quần, lau chùi và dội nước… gây nhiều cảnh dở khóc, dở cười cho cả lớp và thầy cô.
Nên chú trọng rèn kĩ năng hơn học chữ
Vào lớp 1, dù trẻ đã biết đọc, biết viết, giáo viên vẫn phải dạy lại từ đầu theo đúng quy trình từ âm, vần, tiếng, từ và câu… trẻ chưa biết chữ ắt sẽ biết sau khi được giáo viên hướng dẫn (trừ một số trẻ có vấn đề về trí tuệ).
Nhưng, trẻ thiếu kĩ năng sẽ rất khó cho cô vì kĩ năng phải được dạy hàng ngày, dạy thường xuyên, phải được hình thành trong suốt cả một quá trình dài. Trẻ có đủ các kĩ năng sẽ giúp các em tự tin nhiều hơn trong học tập.
Một giáo viên mẫu giáo chia sẻ “ở trường, tụi em vẫn dạy trẻ lớp Lá một số kĩ năng đi vệ sinh, kĩ năng hợp tác với bạn nhưng về nhà nhiều phụ huynh cứ làm thay con nên các em quên dần và ỉ lại.
Lời khuyên của nhiều giáo viên “ba mẹ nên dành thời gian 3 tháng hè cho con làm quen với bảng chữ cái.
Cho tập tô, tập đồ thậm chí tập viết những âm vần cơ bản để bé cầm viết cho cứng là đủ. Không nhất thiết phải bắt trẻ học thêm đêm ngày.
Thời gian còn lại, cha mẹ cần tập trung dạy cho các em biết cách soạn sách vở, biết giao lưu hợp tác với bạn, với cô, biết tự vệ sinh cơ thể, vệ sinh sau khi đi đại, tiểu tiện. Phải biết nói lời đề nghị với cô “thưa cô cho con ra ngoài”…
Những buổi chiều rảnh, ba mẹ nên chở con đến trường tiểu học để giới thiệu “đây là ngôi trường sang năm con sẽ học” để trẻ chơi và làm quen dần với môi trường mới. Có thế mới tránh được khi vào học các em sẽ không khóc lóc.
Một số trường mẫu giáo quê tôi đã có cách làm khá hay. Cuối năm học, nhà trường cũng tổ chức một vài buổi tham quan ngôi trường mới cho học sinh lớp Lá.
Các em được dẫn đi đến từng phòng và cô giáo là hướng dẫn viên rất nhiệt tình. Các em không chỉ được làm quen với trường, lớp còn được làm quen với các thầy cô giáo mới.
Nhất là khi nghe cô giáo của mình giới thiệu “đây là ngôi trường sang năm các con sẽ học”; “đây là cô hiệu trưởng, cô hiệu phó, đây là cô…là thầy…”.
Những bỡ ngỡ, rụt rè ban đầu dần tan biến. Nhiều em đã thấy thích và ước ao nhanh đến ngày mình sẽ được chính thức bước chân vào ngôi trường này.
Cho trẻ học chữ nhiều, vào năm học các em lại phải học lại sẽ không tránh khỏi sự nhàm chán dẫn đến việc trẻ lơ là không muốn học.
Nhưng nếu trang bị cho trẻ đầy đủ các kĩ năng cần thiết, ba mẹ sẽ chẳng còn bận lòng khi trẻ đến trường đi học.