LTS: Sau khi Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) công khai xử phạt hành chính và đọc to quyết định xử phạt đối với 4 người có hành vi mua, bán dâm đứng bên lề đường, tác giả Khánh Văn đã có bài viết bàn về cách ứng xử với những người lầm lỡ trong xã hội hiện đại ngày nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 29/1/2018, Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã mời 4 người (gồm 1 nam, 3 nữ) bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi mua, bán dâm đứng bên lề đường rồi đọc to quyết định xử phạt đối với những người này cho nhiều người cùng nghe.
Hình ảnh này đã được xuất hiện trên trang mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của dư luận.
Công an thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) bêu tên người mua bán dâm giữa phố (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Ngay sau sự việc trên, công an tỉnh Kiên Giang đã tổ chức họp báo để thông tin sự việc. Tại buổi họp báo này, đại tá Phạm Trung Thành - trưởng phòng tham mưu tổng hợp, kiêm người phát ngôn Công an tỉnh đã cho biết:
“Mấy ngày nay anh em đã nỗ lực đi tìm những người bị bêu tên trên vỉa hè để xin lỗi nhưng chưa gặp được. Còn một số câu hỏi của nhiều anh chị phóng viên về quy trình công khai hoá, ai sai cái gì, sai tới đâu thì khi có kết luận của tổ kiểm tra chúng tôi sẽ thông tin tới báo chí ngay”.
Đây có thể xem là một việc làm sửa sai cho công an thị trấn Dương Đông nhưng rõ ràng nếu tìm được 4 người này để “xin lỗi” thì vô hình trung lại thêm một lần “công khai” lỗi lầm của họ trước bàn dân thiên hạ, thêm một lần họ phải đau nữa.
Từ vụ việc này cho ta thấy rằng việc “hoàn lương” của những người lầm lỡ đôi lúc lại rất khó có cơ hội được sửa chữa nếu chúng ta vẫn giữ cách xử lí như vậy.
Từ sự việc trên, chúng tôi chợt nhớ về câu tục ngữ Việt Nam mà ông bà ta xưa đã truyền lại: “đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại”.
Dù vẫn biết hành động mua bán dâm hiện nay chưa được xã hội chúng ta chấp nhận bởi nó không phù hợp với thuần phong mĩ tục của dân tộc.
Công khai hình ảnh, tên tuổi người bán dâm không giúp họ hoàn lương… |
Nhưng, hành động xử lí bằng cách đứng công khai bên lề đường nó liên quan đến nhân phẩm của những người vi phạm. Nhất là những cô gái vì hoàn cảnh nào đó mà dấn thân vào con đường lầm lỡ này.
Chúng tôi không biện minh cho việc làm của họ nhưng cách mà công an thị trấn Dương Đông làm là cách làm nhục công khai những người đã vi phạm.
Nó không có tính giáo dục và lại triệt tiêu khả năng làm lại cuộc đời của họ. Rồi đây, họ sẽ sống thế nào bên cạnh họ là những lời đàm tiếu, sự ghẻ lạnh của cộng đồng, của người thân?
Một khi con người đã có quãng đời lầm lỡ, bị phát hiện, bị xử lí thì điều quan trọng hơn cả là cách làm tế nhị, nhân văn bởi đây không phải là những tội lỗi nghiêm trọng mà bắt họ phải đứng bên lề đường, nơi có nhiều người qua lại để công an đứng công khai lỗi lầm của họ bằng loa đài ầm ĩ như vậy.
Việc công khai các cơ sở và những người môi giới, người mua bán dâm là cần thiết nhưng công khai như thế nào để hiệu quả và phù hợp mới là điều quan trọng.
Bởi, đã là con người thì không phải lúc nào cũng đúng, cũng tốt mà có lúc nào đó vì một thói ích kỷ, tham lam hay hoàn cảnh đưa đẩy cũng khiến một con người từ tốt trở thành con người xấu chỉ là những ranh giới mỏng manh.
Từ sự việc trên cho ta thấy việc giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỡ của một số địa phương chưa tốt và chưa hiệu quả.
Thực tế, phần lớn các địa phương hiện nay đều có các trung tâm giáo dục cộng đồng, trường giáo dục trẻ vị thành niên, trung tâm cai nghiện dành cho những người đã có quá khứ không tốt.
Khi xây dựng và duy trì sự hoạt động các trung tâm này thì ngân sách nhà nước đầu tư rất lớn. Thế nhưng, khi những người vi phạm hoàn lương, tái nhập cộng đồng thì xã hội chúng ta vẫn chưa đối xử một cách nhân văn và vẫn phân biệt đối xử với những người này.
Xã hội chúng ta được xem là một xã hội ưu việt, chúng ta có nhiều trung tâm giáo dục cộng đồng có nhiệm vụ giáo dục những con người lầm lỡ hoàn lương, phân biệt được đúng sai để trở về với cái tốt đẹp mà làm lại cuộc đời.
Nếu lúc nào chúng ta cũng coi những con người đã từng lầm lỡ là xấu mà xa lánh họ, ghẻ lạnh với họ thì không những không làm cho họ tốt lên được mà chúng ta đã vô tình đẩy họ đến bước đường cùng.
Từ xưa đến nay, quan niệm của người Việt Nam ta vẫn là: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” dù là cách nói chuyện với nhau hay giảng dạy trong nhà trường, chúng ta thường nghĩ về nghĩa của câu tục ngữ là gần người xấu sẽ xấu, gần người tốt sẽ tốt theo.
Đó là cách nghĩ đúng nhưng có lẽ câu tục ngữ này mới chỉ đúng chứ chưa đủ và có lẽ nó sẽ không hoàn toàn phù hợp với chính sách nhân văn mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới.
Đừng huỷ hoại cơ hội làm lại cuộc đời của những người lầm lỡ |
Là một giáo viên dạy Văn, nên có lần tôi đã đưa câu tục ngữ này cho học sinh thảo luận trước lớp. Có nhiều ý kiến phát biểu nhưng vẫn là cách nghĩ truyền thống. Các em vẫn nói theo một lối mòn đã có từ lâu.
Tôi đã từng đem vấn đề này để đồng nghiệp thảo luận và cũng có nhiều cách nói nhưng tựu trung lại vẫn không có gì mới.
Cách nghĩ đó không sai, nhưng chúng ta cứ mãi nghĩ theo cách cũ thì bao giờ chúng ta mới giúp những con người này hoàn lương được để hướng tới cho họ làm lại cuộc đời mới.
Xã hội hiện đại hôm nay, chúng ta phải chứng kiến nhiều cái xấu và cái tốt luôn đan cài nhau. Người tốt rất nhiều nhưng ngược lại vẫn không thiếu người lầm đường, lạc bước.
Chẳng hạn một cô gái lầm lỡ, phải bán mình, một người đàn ông có những lúc làm những chuyện phạm pháp. Họ phải vào trại cải tạo. Khi ra trại mà mọi người xa lánh thì sao? Trong nhà trường, nếu có học sinh cá biệt, nếu như thầy cô và bạn bè xa lánh thì sao?
Chẳng lẽ cứ để “mực” đen mãi? Một con người mà ngay cộng đồng, xã hội, thậm chí là gia đình cũng không chấp nhận thì sẽ đẩy họ đi về đâu?
Hiện nay, chúng ta vẫn bắt gặp nơi này, nơi khác xuất hiện tình trạng kỳ thị với một số người lầm lỡ như khi tuyển lao động họ nhìn vào lý lịch nếu có một thời gian đã lầm lỡ thì không nhận vào làm việc.
Một số em học sinh có HIV thì bị phụ huynh và các bạn trong lớp tẩy chay, gây áp lực với nhà trường để không cho học sinh này chung lớp.
Một số học sinh cá biệt thì luôn là ám ảnh với thầy cô, lúc nào cũng áp đặt là các em này sai, quậy phá;.
Trong gia đình có một đứa con hư hỏng là cha mẹ từ con…phải chăng chúng ta đã và đang góp phần làm cho họ tiếp tục lao vào lối cụt của cuộc đời?
Văn hóa người Việt thường nói: “Thương người như thể thương thân”; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Và, đó là đạo lý, là cội nguồn của đức hạnh.
Đôi mắt nhân ái của mọi người hãy dành những tình yêu thương, sẻ chia giúp mọi người lầm lỡ bước tới ánh sáng của cuộc đời thì xã hội này sẽ có nhiều người tốt đẹp hơn sao. Chúng ta đừng đẩy họ đến bước đường cùng.
Bởi vậy, câu chuyện công khai xử phạt hành chính của công an thị trấn Dương Đông là một câu chuyện rất buồn về cách ứng xử với những người lầm lỡ trong xã hội hiện đại ngày nay.