Lãnh đạo còn "cố ý sai lầm", nước mắt giáo viên sẽ còn phải rơi nữa!

22/03/2017 07:32
Nhật Duy
(GDVN) - Những hành động “cố ý sai lầm” của lãnh đạo được lặp đi lặp lại ở nhiều địa phương trong cả nước mà không có những hình thức kỉ luật nghiêm khắc để răn đe.

LTS: Vấn đề điều chuyển giáo viên đang trở thành bài toán lớn đối với tỉnh Thanh Hóa, gây nhiều giáo viên bức xúc và lo lắng cho các giáo tại đây.

Chia sẻ những câu chuyện liên quan đến việc tuyển giáo viên ồ ạt gây nên tình trạng dư thừa như hiện nay, tác giả Nhật Duy dự báo với những sai lầm của lãnh đạo ở nhiều địa phương thì sẽ còn khiến nhiều giáo viên phải rơi nước mắt.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Trước tình trạng tỉnh Thanh Hóa điều động 250 giáo viên cấp phổ thông xuống làm giáo viên mầm non, đã tạo nên một luồng dư luận bức xúc cho giáo viên bị điều động và dư luận cả nước. 

Thời gian gấp gáp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo dừng bồi dưỡng cho các đối tượng này. Tuy nhiên, chính quyền và ngành giáo dục Thanh Hóa vẫn quyết tâm làm.

Thời gian qua, dư luận cả nước đã bất bình về sự việc huyện Yên Định (Thanh Hóa) thanh lí hợp đồng với hơn 600 giáo viên dôi dư, sau đó lại có thông báo tuyển dụng lại.

Hàng trăm giáo viên bỗng dưng mất việc rồi lại phải lo lót, chạy chọt để được tuyển dụng lại. 

Cô giáo khóc khi phải rời trường để làm công việc không đúng chuyên môn. (Ảnh cắt từ clip/ Zing.vn).
Cô giáo khóc khi phải rời trường để làm công việc không đúng chuyên môn. (Ảnh cắt từ clip/ Zing.vn).

Cái vòng luẩn quẩn ấy tiếp tục được lặp lại khi tỉnh này có quyết định cho hàng trăm giáo viên phổ thông khác xuống mầm non để dạy. 

Để dẫn đến hệ quả này rõ ràng là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo rất lớn. Nhất là các Ủy ban nhân dân huyện và tỉnh. Cơ quan trực tiếp tuyển dụng trong những năm vừa qua. 

Chỉ tiếc, trách nhiệm của các cơ quan này không được đề cập hoặc né tránh trách nhiệm của mình.

Chỉ tội cho những giáo viên đứng lớp khi phải “tiền mất tật mang”. Khi phải thất nghiệp hoặc làm một công việc trái với chuyên ngành đào tạo hoặc những công việc chỉ cần lao động phổ thông.

Vì sao có thực trạng trên? Rõ ràng chuyện thừa giáo viên ngày hôm nay là sự tắc trách của các cơ quan tuyển dụng trong thời gian qua. 

Khi mà họ biết rằng, Thanh Hóa đã thừa giáo viên từ nhiều năm nay nhưng vẫn cố tình để tuyển dụng.

Và ai cũng biết việc tuyển dụng của các cấp chủ quản ở đây không phải là chuyện các giáo sinh cứ nộp hồ sơ vào là được tuyển dụng.

Đằng sau những chữ kí của lãnh đạo là cả một “chặng đường dài” mà người giáo viên phải đi qua. 

Họ phải chi phí rất nhiều, khi được tuyển dụng rồi thì phấn đấu để tìm một chỗ đứng trong đơn vị, nhưng sự phấn đấu, những danh hiệu, những chứng nhận của người thầy tất cả đã trở nên vô nghĩa bởi quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh khi điều họ xuống làm giáo viên mầm non.

Những giọt nước mắt nghẹn ngào của nhiều giáo viên Thanh Hóa

(GDVN) - Cô Huyên thấy việc điều chuyển không công bằng và không đặt tiêu chí giáo dục lên hàng đầu. Cô thuộc diện điều động vì là giáo viên Ngữ văn trẻ nhất trường.

Khi được trả lời phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam thì phần lớn giáo viên bị điều chuyển đi học bồi dưỡng đợt này đều nức nở khóc. 

Những giọt nước mắt bất lực, tủi hờn xen lẫn sự xót xa cho thân phận người thầy.

Nhưng có lẽ, những giọt nước mắt sẽ còn rơi nữa bởi sự thật ở Thanh Hóa vẫn đang còn dư thừa rất nhiều giáo viên ở bậc phổ thông.

Vì sao có tình trạng giáo viên dư thừa và những chính sách tréo ngoe mà các cơ quan chức năng đã áp dụng trong thời gian qua đối với giáo viên? 

Điều này thể hiện ở tầm nhìn của lãnh đạo và cả những việc một số quan chức đã “nhắm mắt làm liều” hòng thu lợi bất chính cho riêng mình hoặc một nhóm người có thẩm quyền.

Hơn 10 năm trước, khi tôi mới ra trường và xin dạy hợp đồng tại một trường cấp 3 bán công ở huyện Triệu Sơn của tỉnh này cũng đã từng chứng kiến cái sự tham lam của Hiệu trưởng nhà trường. 

Mặc dù giáo viên Ngữ văn đã đủ nhưng vị này vẫn kí hợp đồng thêm với 6 giáo viên nữa. Và, điều dĩ nhiên là mỗi giáo viên khi được Hiệu trưởng gật đầu cũng đồng nghĩa với việc phải cống nạp một số tiền lớn.

Riêng bản thân tôi, khi làm việc với Hiệu trưởng bị ông ta ra giá 5.000.000 đồng (tương đương với 1 cây vàng lúc bấy giờ) nhưng khi vào dạy thì chỉ được bố trí dạy 1 lớp Văn/tuần cùng với 2 tiết môn Giáo dục công dân. 

Mỗi tuần 6 tiết, mỗi tháng được hơn 200.000 đồng mà còn phải quà cáp mỗi khi ngày lễ tết đến. 

Đó chỉ là chuyện hợp đồng với Hiệu trưởng để dạy tạm thời, để nuôi hi vọng được kí hợp đồng dài hạn. 

Và chúng ta biết rằng, một mình Hiệu trưởng không thể tự tung tự tác như vậy nếu không có những người đứng ở phía sau.

Lãnh đạo còn "cố ý sai lầm", nước mắt giáo viên sẽ còn phải rơi nữa! ảnh 2

Mỏng manh thân phận người thầy!

(GDVN) - "Cái thân phận của giáo viên hiện nay, có thể tóm gọn trong từ mỏng manh. Đến mức, quyền lợi chính đáng có bị xâm phạm thì đa số cũng chỉ biết nuốt nước mắt".

Tình trạng các Hiệu trưởng kí hợp đồng rồi dần dần kết hợp với cấp trên của mình để làm hợp đồng dài hạn đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua. 

Bởi đã lâu, Thanh Hóa không có tuyển viên chức giáo dục nhưng số lượng giáo viên luôn được tăng lên.

Vì vậy, mới có tình trạng chỉ một huyện mà thanh lí hợp đồng với hơn 600 giáo viên như thời gian qua. 

Chỉ tiếc, sau khi báo chí vào cuộc về cách tuyển dụng vô tội vạ hàng trăm người nhưng bà Ngô Thị Hoa, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Định vẫn ung dung đứng ngoài cuộc. 

Gần một năm trời, vậy mà không một ai trong số những người tuyển dụng bị kỉ luật và sự việc đã dần đi vào quên lãng.

Trong số 250 giáo viên phổ thông bị điều xuống dạy mầm non đợt này, tiếp tục gióng lên hồi chuông cách làm việc tắc trách của các cơ quan chức năng địa phương ở đây trong thời gian qua.

Vậy nhưng, họ không hề bị qui trách nhiệm mà nếu có chăng nữa cũng chỉ dừng lại ở việc rút kinh nghiệm. Khổ nỗi, hàng trăm con người, hàng trăm gia đình đã đang và sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của mình.

Ngày nay, chuyện tuyển dụng và bổ nhiệm vô tội vạ không chỉ còn là chuyện cá biệt ở một địa phương mà chúng ta thấy đã trở nên phổ biến. 

Thời gian qua, báo chí cũng đã từng đề cập đến một huyện ở Đắk Lắk thừa hơn 500 giáo viên và 32 Phó Hiệu trưởng, đồng thời chỉ đích danh những sai phạm của lãnh đạo huyện trong nhiệm kì trước.

Tiếc thay, những người đó bây giờ lại đang tại vị ở một vị trí cao hơn. 

Sai phạm của một vài con người nhưng hậu quả là mỗi năm ngân sách nhà nước phải oằn lưng chi trả lương hàng chục tỉ đồng/huyện. 

Người ta cứ mặc nhiên tuyển dụng giáo viên đến nỗi phải chia 5 học sinh/lớp mới phân công hết lượng giáo viên dư thừa.

Những hành động “cố ý sai lầm” của lãnh đạo được lặp đi lặp lại ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, những sai lầm ấy không có những hình thức kỉ luật nghiêm khắc để có tính răn đe nên ngày một lan rộng. 

Vì thế, chuyện 250 giáo viên phổ thông ở Thanh Hóa nức nở khóc khi bị điều xuống làm giáo viên mầm non chắc chưa dừng lại. Rồi đây, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều những giọt nước mắt của giáo viên tiếp tục rơi nữa.

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, góc nhìn, kinh nghiệm và cách hành văn của riêng tác giả.

Nhật Duy