LTS: Tiếp theo kỳ 1 “Đừng đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu các thầy cô giáo phổ thông”, trong bài viết này, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình chỉ ra những việc cần làm ngay để ngăn chặn bạo lực học đường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Qua các vụ việc bạo lực đã xảy ra thời gian qua, có thể thấy vấn đề bạo lực học đường không chỉ diễn ra với đối tượng là các em học sinh với nhau mà còn mở rộng sang các đối tượng như: giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên và phụ huynh với giáo viên...
Và quan trọng hơn bạo lực học đường không chỉ là là những hành vi bạo lực về thể xác mà còn là bạo lực, bạo hành về tinh thần...
Như đã nói ở kỳ trước, vì bạo lực học đường trước hết là vấn đề liên quan trực tiếp đến ngành giáo dục, vậy nên trong phần này chúng tôi sẽ tập trung phân tích những nguyên nhân từ đó đề ra một vài giải pháp cụ thể nhất mà theo tôi ngành giáo dục phải làm ngay để hạn chế thảm trạng này trong tương lai.
Làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường. Ảnh minh họa trên trang thnguyenkhacnhu.tpbacgiang.edu.vn |
Cải cách triệt để nền hành chính giáo dục, thực hành dân chủ trong trường học
Khi sự việc đau lòng ở Hưng Yên xảy ra, nhiều người lên tiếng và đặt vấn đề “trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm” ở đâu?
Theo tường thuật của Báo Thanh Niên thì trong cuộc hợp với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cho rằng:
“Sẽ xem xét làm quy trình xử lý cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, cách chức Chi uỷ, cách chức Tổng phụ trách đội; xem xét kỷ luật Hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, sẽ xem xét xử lý bằng hình thức nặng hơn vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý học sinh”[1].
Ở đây tôi không bênh vực cho những hành vi sai trái của tập thể Ban giám hiệu và giáo viên trường Phù Ủng (nếu họ cố tình giấu giếm hay làm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc).
Tuy nhiên, từ cách đặt vấn đề về trách nhiệm của giáo viên như trên tôi cho rằng việc các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm “không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý học sinh” là vấn đề rất phổ biến trên cả nước hiện nay.
Phụ huynh nước ngoài mách nước giúp con không bị bạo lực học đường |
Hay nói khác đi, về sâu xa chúng ta không nên đổ hết mọi lỗi lầm này cho các thầy cô mà cần hiểu đây là cái hệ lụy tất yếu từ cách thức tổ chức, điều hành, quản lý nền giáo dục nước nhà mấy chục năm qua của những người có trách nhiệm.
Như nhiều lần người viết bài này đã đề cập, muốn công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” nước nhà thành công thì các cấp lãnh đạo và quản lý ngành giáo dục cần phải dũng cảm thay đổi nhận thức và tư duy quản lý.
Đây là vấn đề tối quan trọng đã được các thầy cô giáo với tư cách là những người trong cuộc lên tiếng rất nhiều lần, nhưng cho đến nay về cơ bản vẫn chưa thấy có những thay đổi mang tính đột phá nào từ những người lãnh đạo và quản lý.
Hãy hình dung, các thầy cô giáo hiện nay ngoài việc phải tập trung cho công tác giảng dạy còn phải đảm đương vô số công tác sự vụ hành chính và các hoạt động khác.
Đặc biệt là phải phải đối mặt với không biết bao nhiêu hồ sơ sổ sách, giáo án bài giảng, công tác chủ nhiệm; phải tham gia các phong trào thi đua các cấp; bên cạnh đó là liên miên các cuộc họp lớn nhỏ trong và ngoài trường… thì thời gian đâu nữa để mà quan tâm và “nắm bắt tâm tư nguyện vọng” của mấy mươi em học sinh?
Và như đã nói, nếu nhìn bạo lực học đường ở khía cạnh sự “bạo hành về tinh thần” thì ở phương diện nào đó, theo tôi, các thầy cô giáo ở phổ thông cũng là nạn của nền hành chính giáo dục hiện nay (nhưng rất ít người lên tiếng bênh vực).
Môi trường bạo lực tất yếu sẽ sinh ra những hành vi bạo lực. Một khi giáo viên bị áp lực, bị bạo hành, bị khủng hoảng thì việc học sinh sẽ là trở thành nạn nhân tiếp theo của họ là điều khó tránh khỏi.
Thế nên, để trả lời cho câu hỏi “trách nhiệm của người giáo viên ở đâu” khi học sinh bị bạo hành thì lãnh đạo các ban ngành có liên quan cũng nên có cái nhìn toàn cảnh, đa chiều, phải truy nguyên cái nguyên nhân từ gốc rễ của vấn đề chứ không nên quy hết mọi lỗi lầm cho các thầy cô giáo.
Nói khác đi, để tương lai không còn những vụ bạo lực học đường đau lòng thì nhất định phải cải tổ triệt để nền hành chính và quản trị giáo dục phổ thông hiện nay.
Cụ thể, trước mắt Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng có một cuộc “tổng kiểm kê”, rà soát tiến đến loại bỏ các phong trào thi đua mang nặng tính phong trào, hình thức vô bổ;
Loại bỏ các loại hồ sơ sổ sách ghi chép thủ công nhằm “giải phóng” các thầy cô giáo ra khỏi cái áp lực sự vụ hành chính;
Trả lại thời gian và không gian để các thầy cô tập trung và dồn hết tâm huyết cho hoạt động dạy học bằng tất cả tình yêu thương và sự quan tâm chia sẻ đối với học sinh.
Bên cạnh đó, phải thực hành dân chủ trong trường học, kiên quyết chống bệnh thành tích... tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất cho các thầy cô giáo hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Đây không chỉ là mệnh lệnh đặt ra của công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” mà còn là thái độ, hành xử ứng xử văn minh và thật sự tôn trọng đội ngũ những người đang gánh trọng trách và sứ mạng “trồng người” cho xã hội và đất nước.
Hoạt động tư vấn tâm lý học đường phải được tiến hành thường xuyên, bài bản và thực chất
Có lẽ không cần phải nhắc lại ý kiến của các chuyên gia tâm lý về những chuyến biến tâm sinh lý rất phức tạp của các em học sinh trong độ tuổi vị thành niên đặc biệt là trong môi trường xã hội Việt Nam hiện nay.
Và mặc dù, năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có động thái yêu cầu các trường học phải có kế hoạch tư vấn tâm lý học đường trong bằng một thông tư hướng dẫn nhưng nhìn chung cho đến nay, theo quan sát của tôi vấn đề này vẫn không được nhìn nhận và chú trọng đúng mức.
Trong khi đó, từ rất nhiều câu chuyện học bạo lực học đường đã xảy ra có thể nói nhu cầu cần sự trợ giúp và tham vấn về tâm lý ở trường học hiện nay là rất lớn.
Thậm chí nhu cầu này không chỉ dành cho học sinh mà còn cho cả các thầy cô giáo với rất nhiều áp lực trong công việc (như đã phân tích ở trên).
Trong câu chuyện bạo lực học đường ở Hưng Yên, có một chi tiết em nữ sinh bị bạn đánh hội đồng trước đó đã bị 5 bạn kia hành xử bạo lực nhiều lần nhưng em không dám nói ra cả với gia đình và thầy cô giáo trong trường.
Tôi là người trong cuộc, tôi hiểu chân tơ kẽ tóc của nạn bạo lực học đường |
Chi tiết này cho chúng ta thấy rõ hơn cái lỗ hổng về sự khủng hoảng về tâm lý từ đó dẫn đến mất niềm tin trong nhà trường hiện nay.
Vì mất niềm tin nên học sinh không biết có nên nói ra những suy nghĩ hay những áp lực mà các em đang phải gánh chịu với các thầy cô.
Ngược lại, các thầy cô ngoài việc không có thời gian vì áp lực ông việc thì đa phần cũng thiếu một sự tinh tế và nhạy bén trước những biến chuyển và thay đổi về thái độ, hành vi của các em trong độ tuổi mới lớn.
Thế nên cả hai đã thiếu sự kết nối tương tác cần thiết để chia sẻ và động viên lẫn nhau.
Vậy nên, để từng bước khắc chế vấn nạn bạo lực học đường, trên cơ sở và từ thực tế việc thực hiện công tác tham vấn tâm lý học đường hiện nay ở các trường phổ nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần luật hóa vấn đề này trong Luật giáo dục?
Tuy nhiên, trước mắt Bộ cần làm ngay những vấn đề cụ thể sau đây:
- Thứ nhất, đề nghị các sở giáo dục địa phương nhanh chóng có kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các đơn vị trường học nhanh chóng thành lập, tuyển dụng, phân công giáo viên chuyên trách về tư vấn tâm lý học đường cho cả học sinh và giáo viên.
Định kỳ, tổ chức các buổi nói chuyện với các em học sinh về những vấn đề có liên quan đến tâm sinh lý lứa tuổi để kịp thời hóa giải những ức chế về tâm lý hay vấn đề mà các em đang băn khoăn...
- Thứ hai, về lâu dài có kế hoạch đào tạo hoặc bồi dưỡng giáo viên chuyên trách về tâm lý học đường để bổ sung các các cơ sở giáo dục vì thực tế hiện nay nhân lực về vấn đề này gần như không có.
Đẩy mạnh phong trào đọc sách từng bước xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh trong trường học
Có thể nói, sự tác bùng nổ của công nghệ thông tin đặc biệt là những tác động của mạng xã hội với những hành vi lệch chuẩn, những thông tin tiêu cực, bạo lực... là một thử thách và trở ngại rất lớn cho việc giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.
Đây là một thực tế buộc chúng ta phải chấp nhận và lựa chọn. Tuy nhiên, có thể thấy việc cấm đoán các bạn trẻ không nói “không” với mạng xã hội là hoàn toàn bất khả thi và đi ngược xu thế thời đại so với việc chấp nhận “sống chung với lũ” trong sự giám sát và tư vấn kịp thời từ phía những người đi trước.
Mạng xã hội là một tác nhân, nguy cơ của bạo lực học đường, xâm hại tình dục |
Riêng trong phạm vi giáo dục nhà trường tôi cho rằng, có một cách giám sát tích cực và khả thi nhất là phải tạo ra được không gian học tập tích cực, chủ động thông qua những hoạt động ngoại khóa thật sự có ý nghĩa (chứ không phải phong trào hình thức như hiện nay).
Đặc biệt, tôi cho rằng để hạn chế những tác động từ những thông tin tiêu cực và thiếu lành mạnh của xã hội đến các em học sinh hiện nay thì việc đẩy mạnh đẩy mạnh phong trào đọc sách từng bước xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh trong trường học là việc làm cần thiết.
Dĩ nhiên, chúng ta không máy móc và ảo tưởng cho rằng việc sau khi đọc sách rồi thì các em sẽ không còn đánh nhau nữa.
Tuy nhiên, nếu xây dựng được thói quen đọc sách cho các em học sinh trong trường học tôi tin là sẽ góp phần hạn chế vấn nạn bạo lực học đường giữa các em học sinh với nhau vì hai lẽ sau:
Thứ nhất, nếu các em học sinh có thói quen đọc sách chắc chắn thời gian dành cho việc tương tác trên mạng xã hội sẽ ít lại, không còn bị ảnh hưởng và tác động nhiều bởi những thông tin tiêu cực...
Thứ hai, nói cho cùng mục đích và ý nghĩa cao nhất của hoạt động giáo dục là phải làm sao hình thành thói quen và ý thức “tự giáo dục” cho mỗi cá nhân trong xã hội.
Nghĩa là, mỗi cá nhân ngoài việc được/bị người khác giáo dục thì việc tự mình học hỏi và rèn luyện để ngày một trưởng thành hơn về nhận thức và sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng, xã hội.
Trong ý nghĩa này thì đọc sách chính là cách thức quan trọng nhất của việc “tự giáo dục”.
Đặc biệt ngay từ nhỏ nếu học sinh được tiếp xúc thường xuyên với những câu chuyện, những bài học ý nghĩa nhân văn... trong sách vở về lâu dài tin chắn các em sẽ biết tự tạo ra sức “đề kháng” và “miễn nhiễm” với những cái xấu, cái ác xung quanh...
Thay lời kết
Bàn về vấn đề bạo lực học đường, tác giả Nguyễn Quốc Vương trong bài viết “Hãy cho trẻ niềm vui làm người tốt” cho rằng:
“Bạo lực học đường là hệ lụy của những yếu kém và suy thoái của cả gia đình, trường học và xã hội. Nhìn thẳng vào sự thật đó, những cá nhân, tổ chức có liên quan mới tìm ra giải pháp phù hợp”. [3]
Dẫn lại quan điểm rất xác đáng trên của Nguyễn Quốc Vương tôi muốn nhấn mạnh thêm để tương lai vấn nạn bạo lực học đường không còn trầm trọng như hiện nay nữa (cả về số lượng lẫn tính chất) thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành giáo dục.
Điều đó cũng có nghĩa, tất cả giải pháp trên nếu được triển khai trong toàn ngành giáo dục nhưng vẫn thiếu một sự hợp tác tích cực từ phía gia đình và xã hội thì cũng sẽ khó giải quyết được vấn nạn này.
Nói khác đi, trong câu chuyện này, nói cho cùng tất cả chúng ta - “những người lớn”, “những người đi trước” - không ai là vô can vì đã góp phần làm nên một xã hội mà theo nhiều người là loạn chuẩn và xuống cấp về đạo đức và văn hóa hiện nay.
Vậy nên, mỗi người trước hết cần chân thành và nghiêm túc nhìn lại “vai trò nêu gương” của mình đối với thế hệ trẻ hôm nay!
Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một môi trường sống lành mạnh để thế hệ trẻ không bị tiêm nhiễm bởi những thói hư tật xấu của chính chúng ta.
Tài liệu tham khảo:
[1]:”Vụ nữ sinh bị lột quần áo, bạo hành trong lớp: Trách nhiệm giáo viên ở đâu?
Xem tại: https://thanhnien.vn/giao-duc/vu-nu-sinh-bi-lot-quan-ao-bao-hanh-trong-lop-trach-nhiem-giao-vien-o-dau-1066123.html
[2]: “Nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành dã man: Khi hiệu trưởng chỉ biết cúi đầu!
Xem tại: https://thanhnien.vn/giao-duc/nu-sinh-hung-yen-bi-bao-hanh-da-man-khi-hieu-truong-chi-biet-cui-dau-1066429.html
[3]: “Hãy cho trẻ niềm vui làm người tốt”. Xem tại: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/hay-cho-tre-em-niem-vui-lam-nguoi-tot-517795.html