LTS: Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nếu giáo dục của chúng ta chậm chân thì sẽ rất thiệt thòi.
Đó là quan điểm của thầy Sơn Quang Huyến được chia sẻ trong bài viết sau đây.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Phụ huynh, học sinh chúng ta đang loay hoay với học thêm, học bớt suốt ngày.
Cả xã hội chúng ta đang quay cuồng với chữ “học thêm”, mục đích là tấm giấy khen “học sinh giỏi mỗi năm” treo đỏ chót góc học tập, bố mẹ chụp bỏ lên facebook, đầy “vinh quang tự hào”.
Đổi lại, gánh nặng còng vai cha, phạc phờ gương mặt thiếu ngủ của con, tuổi thơ bị đánh cắp mà không biết.
Ước mơ của con trẻ là không phải học, được ngủ đủ giấc, được đi chơi những trò mà chỉ có trong kí ức của cha mẹ!
Những đứa trẻ bị “nhồi hét kiến thức”, ra đời cứ “ngẩn tò te” như trên trời rơi xuống, cái gì cũng “không biết”, từ cầm cái chổi quét nhà, … nấu một nồi cơm!
Giáo dục cần thay đổi trước thách thức công nghiệp 4.0. Ảnh minh hoạ: innovationpost.it |
Một thế hệ “gà công nghiệp” đang được nền giáo dục “dạy thêm, học thêm” cho ra lò; một thế hệ không sáng tạo, không tự chủ, không tự lực, không tuổi thơ, không ước mơ hoài bão, dựa dẫm vào cha mẹ… kiến thức của thầy.
Nhận thức được điều đó, không ít người có điều kiện, cho con du học, hay học các trường quốc tế trong nước; các trường tư thục áp dụng công nghệ giáo dục hiện đại.
Việc phụ huynh Việt cho con “du học”, không phải tất cả đều dư tiền, nó phản ánh một thực tế mà chúng ta phải nói thẳng, nói thật để thay đổi chính mình:
Họ mất niềm tin vào giáo dục Việt Nam; họ đang ‘Tỵ nạn giáo dục”.
Chỉ cần bước ra khỏi biên giới phía bắc, chúng ta đã thấy sự khác biệt về tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, quy hoạch tổng thể xã hội.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức và cũng là cơ hội dành cho các em” |
Từ một nước nổi tiếng làm hàng nhái, hàng giả, Trung quốc làm cả thế giới “lo ngại” về tốc độ phát triển công nghệ của họ; thiết bị điện tử của họ “thống trị” thế giới, không dùng sản phẩm của họ thì không biết dùng của ai cho cạnh tranh; dùng thì sợ bị mất cắp, nghe lén!
Nhờ đâu mà họ có bước đột phá vậy? Chính nhờ giáo dục, phụ huynh, học sinh.
Phụ huynh 4.0 Trung Quốc, không còn bắt con mình chúi mũi vào “viện khổng”, họ đầu tư cho con vào các lớp học AI; ngay từ tiểu học, các lớp AI đông nghẹt, chật kín chỗ đăng ký trước; trong lúc đó chúng ta chưa biết AI là gì?
Người viết hỏi thử một số “trí thức”, có biết AI là gì không? Phần lớn không biết, còn nhầm với ký hiệu hóa học của nhôm!
AI là công nghệ tối quan trọng trong xã hội hiện đại, nhưng lại rất ít người Việt hiểu về nó.
AI đang là chủ đề được quan tâm nhất đối với giáo dục tại Trung Quốc. AI trong tương lai của Trung Quốc nhằm cạnh tranh vị trí số 1 với Mỹ.
Trung Quốc muốn tạo ra nhiều hàng hóa cao cấp, phức tạp hơn để phục vụ kế hoạch “Made in China 2025”.
Điều đó đồng nghĩa họ cần những tài năng về công nghệ để cạnh tranh với Mỹ và các nước phát triển.
Các chuyên gia về AI đều đồng tình rằng, không chỉ chờ đợi chính sách phát triển của quốc gia, mà các phụ huynh Việt cần “tỉnh lại”, đừng bắt con cái mình hoang phí tuổi thơ vào lớp dạy thêm, học thêm.
Chúng ta đang loay hoay với cải cách giáo dục, đang tranh cãi cần mấy bộ sách giáo khoa, đang luẩn quẩn với triết lý giáo dục; đang tự hỏi mình chương trình mới có cần dạy thêm học thêm không?
Phụ huynh chúng ta đang “tự hào” với tấm giấy khen, giấy chứng nhận học sinh giỏi “vô hồn” cuối năm học; thế giới quanh ta đã học thật, thi thật, đã cho con ước mơ lên mặt trăng, hoài bão cống hiến, thay đổi hiện tại, tiếp cận với công nghệ hiện đại; chúng ta chẳng khác gì trâu chậm… uống nước đục!
Ngành giáo dục cần tiếp cận công nghệ, cập nhật công nghệ, nhân rộng mô hình các trường sử dụng công nghệ trong dạy học.
Không phân biệt đối xử trường công, hay trường tư, trường nào thúc đẩy phát triển giáo dục, phát triển con người, tiệm cận với giáo dục tiên tiến là khuyến khích đầu tư phát triển.
Nguồn vốn đầu tư cho giáo dục, thiếu, yếu; không dùng lãng phí cho những dự án kiểu “VNEN”, xin hãy mở ra các trung tâm AI, STEM… với học phí phù hợp với thu nhập của người lao động; giúp con cái họ được tiếp cận công nghệ giáo dục hiện đại; đảm bảo công bằng giáo dục.
Đổi mới tuyển sinh, thi cử, giao cho các trường Đại học tự chủ hoàn toàn; hướng tới kiểm tra năng lực, thực tế cuộc sống; biện pháp giảm dạy thêm, học thêm căn cơ, lâu dài.
Ngành giáo dục, phụ huynh, học sinh, chỉ loay hoay với học để thi, thi cái gì, học cái nấy; đánh mất tuổi thơ, ước mơ của học sinh trong “dạy thêm chính khóa”; chúng ta sẽ không có “nước đục mà uống”, chứ không phải uống nước đục.
Tài liệu tham khảo:
https://tintucvietnam.vn/moi-tieu-hoc-phu-huynh-tq-da-do-xo-cho-con-hoc-ai-60382?fbclid=IwAR2h8cW7VUHXDBOW0NmbN0bkZvms4HpQ6nk9kjmLvT7o9BlkFKO4LDPu-AQ
http://kenh14.vn/ai-la-gi-ma-cac-hang-cu-dua-nhau-dua-tinh-nang-nay-len-smartphone-20180319100203034.chn