LTS: Chia sẻ suy nghĩ của mình về những vai diễn trong vở kịch mang tên “dự giờ”, tác giả Đỗ Quyên đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền một clip giáo viên dạy học lớp 1. Đó là tiết dự giờ môn học vần lớp 1 ở một trường tiểu học.
Clip chỉ quay lại một hoạt động giáo viên giới thiệu vần học mới là vần “AO”. Gần bốn chục học sinh ngồi khoanh tay ngay ngắn trên bàn im phăng phắc.
Ấn tượng nhất là những câu trả lời, cách phân tích vần “chuẩn không cần chỉnh” của học sinh. Những lời đọc tròn vành rõ chữ đều tăm tắp.
Clip đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Thế nhưng lời khen thì ít mà lời chê lại quá nhiều.
Ảnh chụp lại màn hình từ clip giáo viên giới thiệu vần học mới cho học sinh. |
Có người gọi đây là “Tiết học giả tạo nhất mang tên dự giờ”. Người nói rằng “nhắc tới dự giờ còn ám ảnh”.
Những tiết dạy như biểu diễn mà diễn viên lại chính là học sinh còn giáo viên là những đạo diễn gạo cội. Khán giả là tất cả Ban giám hiệu và giáo viên trong trường hoặc của trường bạn.
Vì sao dự luận phản ứng?
Học sinh ngồi học trật tự, trả lời câu hỏi chính xác một cách vanh vách, tiết học diễn ra trơn tru, lẽ ra phải mừng nhưng cớ sao mọi người lại phản đối?
Bởi, nó không thật như tiết dạy ngoài thực tế khi không có ai dự giờ.
Cũng bởi vì ai đã từng trải qua thời học sinh đều đã từng ít nhất mươi lần tập dượt cho những tiết dự giờ đầy ám ảnh.
Có những tiết học, thầy cô phải chuẩn bị cả tháng, ngày nào cũng tập, cũng dượt đến thuộc lòng từng câu nói, từng lời giảng nhưng học trò vẫn phải tập đi tập lại đến chán ngán mới thôi.
Vì sao giáo viên biết giả dối mà vẫn làm?
Nếu như nhiều ngành nghề khác, người ta đánh giá hiệu quả công việc bằng sản phẩm cuối cùng thì ngành giáo dục phần lớn chỉ căn cứ vào việc đánh giá vài tiết dạy dự giờ để xếp loại giáo viên.
Bởi thế, không ít thầy cô dạy trên lớp thì lơ là, bê trễ, không chăm sóc học sinh nhưng kết quả đánh giá công tác giảng dạy lại rất tốt. Chỉ vì họ chịu khó đầu tư cho vài tiết dạy dự giờ trong năm.
Tính trung bình một năm, giáo viên có gần chục tiết dạy dự giờ (3 tiết dạy tay nghề, 1 dạy thao giảng trường, 2-3 tiết thao giảng tổ).
Chưa nói đến những tiết dự đột xuất của Ban giám hiệu, của thanh tra... rồi tiết dự liên trường, cụm trường…
Đó là chưa kể những giáo viên dự thi các hội thi giáo viên dạy giỏi thì chí ít cũng hơn chục tiết dạy dự giờ.
Về nguyên tắc, thông qua những tiết dạy dự giờ, giáo viên sẽ học hỏi, chia sẻ được nhiều kinh nghiệm giảng dạy cho nhau. Thế nhưng trong thực tế, lại chẳng học được gì.
Vì sao lại thế? Câu trả lời thật đơn giản, vì những tiết dạy ấy đã được chuẩn bị đến từng “chân tơ kẻ tóc”. Dạy chỉ là hình thức biểu diễn vì trò đã thuộc lòng các bước, thuộc làu nội dung. Biết được cả thầy cô sẽ hỏi gì? Và sẽ phải trả lời như thế nào?
Người ngoài ngành sẽ đặt câu hỏi “vì sao giáo viên phải dạy trước? Phải bỏ công tập cho học sinh từng câu hỏi, câu trả lời?
Bất kì thầy cô giáo nào cũng có thể trả lời được “vì nếu không làm như thế tiết dạy sẽ chẳng bao giờ thành công”.
Đơn giản chỉ vì việc áp đặt các phương pháp dạy học, cách phân bố kiến thức giữa các bài không đều. Nhiều kiến thức quá cao và vượt sức học sinh.
Có những tiết học, theo quy định chỉ dạy 35 phút nhưng trong thực tế giáo viên và học sinh phải học vật vã cả gần buổi học mới xong.
Nếu cứ để tự nhiên dự giờ mà không hướng dẫn cho học sinh trước, chắc chắn những tiết dạy như thế chỉ xếp loại chưa đạt yêu cầu.
Giáo viên lại chẳng ai dám đánh liều như thế. Vì vậy, họ buộc phải giả dối và tập cho học trò những chiêu thức ứng phó với những điều giả dối ấy.
Hãy dạy cho trẻ cách sống trung thực
Do dự giờ nhiều nên chính học sinh cũng có “kĩ năng kĩ xảo” để ứng biến. Các em trở nên ngoan và chăm học một cách kì lạ trong tiết học dự giờ.
Khác xa với những tiết học bình thường, trò nói chuyện rôm rả, thầy cô nói rát cả họng không nghe. Tiết học qua rồi thì mọi chuyện lại đâu trở về đấy.
Giáo sư Hoàng Tụy có một câu nói rất hay: “Một nền giáo dục lành mạnh trước hết hãy khoan dạy những cái cao siêu mà nên tập trung dạy học sinh sống lương thiện và trung thực”.
Để dạy trò điều trung thực thì trước hết chính thầy cô phải là người trung thực. Nhưng sống trung thực ngoài đời thì dễ, trung thực trong môi trường giáo dục hiện nay lại khó gấp ngàn lần.
Bởi, sự trung thực của giáo viên không phụ thuộc vào chính bản thân họ muốn hay không. Đó là một mối liên kết chặt chẽ giữa các cá nhân với nhà trường. Giữa nhà trường và các cấp cao hơn thế nữa.
Xóa bỏ điều giả dối, tôn vinh sự trung thực trong giáo dục chỉ mình giáo viên thì bất lực. Hơn bao giờ hết phải cần đến cả xã hội vào cuộc.