LTS: Phản ánh những bất cập trước việc Ban giám hiệu yêu cầu các giáo viên đưa ra minh chứng cho việc đánh giá chuẩn giáo viên, thầy giáo Nhật Duy cho rằng đây là một công việc gian nan và tốn nhiều công sức.
Theo tác giả, cần đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cho giáo viên và thực hiện áp dụng công nghệ thông tin để nhà trường dễ dàng quản lý cũng như giáo viên tập trung hơn vào công việc chuyên môn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Khi năm học kết thúc, nhà trường đã tổ chức đánh giá, xếp loại, xét thi đua cho giáo viên xong cũng là lúc các Ban giám hiệu nhà trường đòi minh chứng cho việc đánh giá chuẩn giáo viên.
Bởi nhiều địa phương sau khi nhận được báo cáo, xếp loại của các nhà trường gửi về là Phòng, Sở tổ chức đi kiểm tra việc thực hiện của một số trường.
Vì thế, chuyện đi tìm minh chứng cho các tiêu chuẩn, tiêu chí trong đánh giá chuẩn giáo viên bao giờ cũng gian nan và không biết bắt đầu như thế nào cho đúng… “chuẩn”.
Mấy ngày nay, Ban giám hiệu nơi chúng tôi công tác liên tục nhắn tin để thúc giục giáo viên nộp minh chứng cho hồ sơ đánh giá chuẩn giáo viên.
Công việc tìm minh chứng đánh giá chuẩn giáo viên bao giờ cũng gian nan. (Ảnh: plo.vn). |
Nhắn lần đầu chắc không thấy mấy người nộp minh chứng nên nhắn lần 2, lần 3 để hoàn thành hồ sơ chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Phòng trong những ngày tới.
Giáo viên ai cũng ái ngại khi phải đi tìm nguồn minh chứng cho việc đánh giá “chuẩn” của mình.
Bởi, đây là công việc mà nhìn vào như một mớ bòng bong nhưng mấy năm qua giáo viên phải thực hiện nhưng không biết minh chứng bằng cách nào và minh chứng để làm gì?
Phải nói rằng trong 25 tiêu chí của 6 tiêu chuẩn hiện nay mà cấp phổ thông đang thực hiện hàng năm có quá nhiều bất cập và không biết thực hiện như thế nào.
Nhiều tiêu chí rất mơ hồ, lại chồng chéo ở hồ sơ chuyên môn. Những chuyện như giáo án, sổ điểm của giáo viên thì ai đi dạy mà chả có.
Điều này đã có trong hồ sơ chuyên môn và được kiểm tra hàng năm của Ban giám hiệu nhà trường, của Phòng, Sở giáo dục rồi vậy cuối năm bắt giáo viên photo vào trong bộ minh chứng để làm gì?
Mỗi giáo viên hàng chồng hồ sơ như vậy chất từ năm này qua năm khác chẳng biết đã “minh chứng” được cái gì nhưng thiếu nó lại không được. Đây có phải là điều cần thiết trong triết lí giáo dục hiện đại?
Làm sao tìm được giáo viên “hai năm không hoàn thành nhiệm vụ” để tinh giản? |
Trong các “tiêu chuẩn” và “tiêu chí” của bản đánh giá chuẩn giáo viên có nhiều tiêu chí không biết minh chứng ra sao, lấy đâu ra giấy tờ để minh chứng.
Ví như ở Tiêu chuẩn 1 nói về Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người giáo viên có 5 tiêu chí đều rất khó tìm minh chứng.
Tiêu chí 1, nói về phẩm chất chính trị thì nhiều trường nói là nếu là đảng viên thì lấy bản đánh giá đảng viên hàng năm ra minh chứng.
Điều này có thể chấp nhận được với đảng viên còn đối với giáo viên không phải là đảng viên thì minh chứng bằng cái gì?
Các tiêu chí 2-5 yêu cầu về Đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với học sinh, ứng xử với đồng nghiệp, lối sống tác phong thì biết minh chứng như thế nào?
Bởi các tiêu chí này thuộc về phạm trù đạo đức. Nếu giáo viên nào không vi phạm thì cứ đến giờ lên lớp giảng dạy.
Và, mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp diễn ra một cách tự nhiên, bình thường chứ có ai đánh giá hay cấp cho tờ giấy nào đâu mà năm nào cũng yêu cầu phải có minh chứng?
Ở Tiêu chuẩn 3 nói về Năng lực dạy học gồm 8 tiêu chí từ 8-15 thì tất cả các tiêu chí này đều đã có trong hồ sơ chuyên môn của nhà trường.
Ví như Kế hoạch dạy học thì giáo viên nào chả có và đã nộp cho Ban giám hiệu đầu năm học, việc “đảm bảo kiến thức, chương trình” thì đã được thể hiện rõ qua Sổ đầu bài.
“Phương pháp giảng dạy” trong giáo án, “sử dụng thiết bị dạy học” thì đã đăng kí vào sổ qua nhân viên thiết bị…
Vậy mà đến cuối năm phải photocopy tất cả những sổ sách này để minh chứng cho việc đánh giá chuẩn giáo viên.
Thầy cô đang vào mùa khai biểu mẫu, giấy tờ đánh giá, phân loại cán bộ |
Nhiều quyển sổ chồng chéo giữa các giáo viên như Sổ đầu bài, sổ mượn thiết bị nên giáo viên cứ phải đợi chờ hết người này đến người khác để được mượn và photo.
Thật là một nỗi vất vả không đáng có và chẳng có tác dụng gì sao năm nào cũng bắt giáo viên phải làm những chuyện vô bổ?
Giáo viên cập rập chuẩn bị suốt nhiều ngày với biết bao công sức và tiền photo đến khi Phòng, Sở về họa hoằn lắm mới lật giở vài trang lấy xác xuất thì yêu cầu giáo viên làm mấy việc này để làm gì chẳng biết?
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định có một số loại hồ sơ nhất định cho giáo viên nhưng nhìn vào bảng đánh giá chuẩn của giáo viên phổ thông, chúng ta thấy có quá nhiều giấy tờ, hồ sơ mà người giáo viên phải chuẩn bị và thực hiện.
Đánh giá chuẩn giáo viên, đánh giá công việc trong một năm học đâu phải là một số tiêu chí, tiêu chuẩn mơ hồ để giáo viên dưới cơ sở khổ sở đi tìm nguồn minh chứng.
Cái quan trọng là chất lượng giảng dạy, là sự cống hiến của cá nhân mỗi người thầy trong một năm học đối với đơn vị như thế nào mới là cái “chuẩn” cần thiết nhất.
Thiết nghĩ, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, thủ tục rườm rà không cần thiết cho giáo viên là điều cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện đại.
Thời đại công nghệ thông tin chúng ta không nên cứ bắt giáo viên phải làm những việc vô ích, nặng về hành chính nhưng không hiệu quả về chất lượng thì cớ gì cứ phải “hành hạ” nhau mãi?