LTS: Phản ánh thực tế đánh giá giáo viên còn nhiều bất cập, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng hiện nay đa phần các trường đều đánh giá giáo viên ở mức "hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Với cách đánh giá giáo viên hời hợt, qua loa như hiện nay thì rất khó để tìm ra giáo viên "không hoàn thành nhiệm vụ" trong 2 năm để tinh giản biên chế.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bài viết "Giáo viên 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ" của phóng viên Thùy Linh đăng tải ngày 22/5/2017 trên Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều chia sẻ và phản hồi của bạn đọc.
Chuyện giáo viên hai năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị tinh giản biên chế đã có trong luật. Thế nhưng, thực tế chứng minh những trường hợp này cực kì hiếm hoi ở trong ngành giáo dục.
Vì sao vậy? Bởi cách đánh giá hời hợt như hiện nay thì làm gì có chuyện đó xảy ra. Trường nào cũng chỉ thấy xếp loại giáo viên ở mức “xuất sắc” và “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Hiếm hoi mới có người “hoàn thành nhiệm vụ” thì làm sao tìm được người “không hoàn thành nhiệm vụ” để tinh giản biên chế?
Hiện nay, ở cấp học phổ thông đang thực hiện việc đánh giá giáo viên hàng năm bằng Nghị định 56 của Chính phủ và Thông tư 30 của Bộ giáo dục và Đào tạo.
Làm sao tìm được giáo viên “hai năm không hoàn thành nhiệm vụ” để tinh giản biên chế? (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Đối với Nghị định 56 có 4 mức là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Thông tư 30 cũng có 4 mức: Loại xuất sắc; loại khá; loại trung bình và loại chưa đạt chuẩn-loại kém. Qui định là thế nhưng khi đánh giá, xếp loại hàng năm của các trường thì giáo viên thường được xếp ở 2 mức cao nhất.
Việc đánh giá giáo viên theo Nghị định 56 của Chính phủ hiện nay qui định rất rõ về mức độ hoàn thành công việc cùng với việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước.
Đồng thời có qui định thêm việc giáo viên phải có Sáng kiến kinh nghiệm được cấp cơ sở công nhận (cấp trường) thì mới được xếp từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Vì thế, vướng mắc lớn nhất trong việc xếp loại viên chức trong ngành giáo dục là chuyện Sáng kiến kinh nghiệm.
Nhưng, nhiều địa phương tạo hướng mở cho giáo viên là giáo viên nào không có sáng kiến kinh nghiệm thì phải làm một giải pháp hữu ích.
Vì thế, giáo viên nào không muốn thực hiện sáng kiến kinh nghiệm thì viết giải pháp hữu ích vài trang giấy để đối phó và được coi như đã hoàn thành theo Nghị định 56.
Khi xếp loại thì giáo viên tự đánh giá trước nên giáo viên nào có một chút thành tích thì xếp loại xuất sắc, giáo viên nào bình bình thì xếp loại Hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Gần như không có giáo viên nào lại tự xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi giáo viên tự đánh giá thì Tổ chuyên môn đánh giá và ở tổ gần như là thống nhất với phần tự đánh giá của giáo viên.
Khi nhà trường tổ chức đánh giá thì cũng chủ yếu là nâng lên, hạ xuống ở hai mức đầu là xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vì, nhìn chung thì giáo viên cũng rất ít người vi phạm gì lớn. Có chăng chỉ là một vài việc lặt vặt như vào điểm trễ hay hoàn thành một số kế hoạch chậm so với qui định.
Nhưng những lỗi lặt vặt như thế người ta cũng thường châm chế và bảo vệ cho nhau.
Người nọ bảo vệ người kia nên nếu một ai có ý kiến là nên hạ giáo viên này, giáo viên kia xuống mức thấp hơn cũng được người khác bảo vệ rồi cuối cùng vẫn được xếp ở mức cao.
Đối với việc đánh giá chuẩn giáo viên cũng vậy, mọi thứ qui định trong các “tiêu chí, tiêu chuẩn” nhìn chung không rõ ràng, mơ hồ.
Vì thế, đa số giáo viên cũng chủ yếu là làm lấy lệ và thường tự đánh giá ở mức “khá”. Sau đó, tổ chuyên môn, trường xếp ở mức 2 là khá.
Mức này an toàn, đủ điều kiện để xét các danh hiệu thi đua và cũng không khắt khe trong việc tìm minh chứng…
Thầy giáo hiến kế bỏ công chức, viên chức giáo viên (GDVN) - Một khi ngành giáo dục không được tuyển dụng con người thì cũng đồng nghĩa những tiêu cực xảy ra và khó tuyển được người có đúng khả năng cho từng vị trí. |
Mức xuất sắc thì không nhiều vì nó đòi hỏi nhiều minh chứng nên giáo viên cũng ngại đánh ở mức này.
Phải công nhận một điều là chuyện đánh giá giáo viên hàng năm không hề là một việc đơn giản và rất khó để thực hiện đúng.
Người thầy đi dạy thì lấy chất lượng giảng dạy làm tiêu chí nhưng chất lượng giảng dạy thì phải được thể hiện qua điểm số.
Nhưng, cuối năm, nhiều giáo viên dạy bình thường thì lại có tỉ lệ giảng dạy cao hơn giáo viên được coi là có chuyên môn tốt.
Bởi mỗi môn học có nhiều cột điểm khác nhau, có những môn học có đến trên chục cột điểm thì giáo viên họ đã tính toán trước cả rồi.
Chuyện đánh giá chính xác chỉ có cột điểm thi học kì vì đa số các trường phổ thông xếp học sinh ngồi theo số báo danh.
Nhưng, một cột điểm thi học kì cũng không thể nào thay đổi được nhiều so với những cột điểm thường xuyên, định kì đã được giáo viên tính toán từ trước.
Vì thế, việc đánh giá giáo viên qua điểm số coi như thất bại. Các phong trào khác coi như chuyện “hên xui”, chẳng hạn như chuyện thực hiện sáng kiến kinh nghiệm là một ví dụ điển hình.
Nếu quen biết, nếu có người thân ở Phòng, Sở giáo dục thì lại là một lợi thế… và khi xếp thi đua, đánh giá giáo viên thì những người có thành tích như vậy bao giờ cũng được xếp ở mức cao.
Chuyện cán bộ công - viên chức hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì bị xem xét để tinh giản biên chế.
Thế nhưng, phần lớn các trường hiện nay chưa thấy xếp ở mức này. Hàng chục năm công tác ở ngành giáo dục ở một số đơn vị khác nhau, cũng như tìm hiểu từ một số trường khác, chúng tôi chưa từng thấy giáo viên nào bị xếp mức không hoàn thành nhiệm vụ.
Vì thế, chuyện hai năm không hoàn thành nhiệm vụ ở trường học còn khó hơn chuyện “hái sao trên trời”.
Muốn đánh giá chính xác công chức một cách chính xác đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống văn bản hợp lí, phù hợp với môi trường giáo dục, tránh chung chung, mơ hồ như việc đánh giá chuẩn giáo viên hiện nay.
Đồng thời, đội ngũ quản lí nhà trường phải làm việc khách quan, chính xác, tránh làm hình thức, cả nể, làm qua loa rồi cuối năm tất cả lại hòa làng.
Ai cũng xuất sắc, cũng tốt thì không thể nào thúc đẩy sự đi lên của giáo dục. Và, chính từ cách làm qua loa như hiện nay thì đừng bao giờ nói đến chuyện giáo viên có hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản biên chế.