Thời gian này học sinh lớp 12 đã bắt đầu có những kế hoạch ôn luyện các môn thi tốt nghiệp, trong đó có nhiều học sinh lựa chọn thi khối C (ban xã hội) phải đề ra các phương pháp học sử, văn, địa sao cho hợp lý nhất, với khoảng thời gian ngắn nhất.
Trong bài viết này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam giới thiệu tới các em chuẩn bị thi tốt nghiệp, nhất là các em thi khối C một vài ý kiến chia sẻ về cách nhớ sự kiện lịch sử, cách học sử tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới như những ý kiến tham khảo.
|
Em Trần Phương Thúy (giải nhất học sinh giỏi sử quốc gia 2014), học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) chia sẻ, tốt nhất các bạn học kiến thức kỹ trong sách giáo khoa. Ảnh Xuân Trung |
Em Nguyễn Thị Hoàng Anh (giải nhì học sinh giỏi sử quốc gia năm 2014), học sinh lớp 12C2, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) khuyên các bạn chọn lịch sử là môn thi tự chọn rằng, để thi tốt môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, trước hết các bạn cần nắm được kiến thức cơ bản, học hiểu các ý trong bài. Đặc biệt, những kiến thức cô giáo dạy trên lớp phải cố gắng nắm vững, về nhà có thể học lại và vạch theo ý để dễ hiểu hơn.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm từ nhiều sách khác nhau, thường xuyên lên mạng tìm các đề thi trước đó là làm thử xem khả năng của mình tới đây.
Cũng nhắn nhủ với các bạn thi lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT này, em Trần Phương Thúy (giải nhất học sinh giỏi sử quốc gia 2014), học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) chia sẻ, tốt nhất các bạn học kiến thức kỹ trong sách giáo khoa, với các sự kiện các bạn có thể tự mở rộng để làm bài được tốt hơn.
Ngoài ra, theo Thúy việc đọc thêm sách và tìm thông tin trên mạng cũng sẽ giúp ích cho bản thân trong quá trình làm bài. Trong lúc làm bài, các bạn cần phân bố thời gian hợp lí để đạt được kết quả cao nhất.
Chia sẻ với độc giả của báo, em Trần Thị Thu Thủy (giải nhất học sinh giỏi sử quốc gia), học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nhắn nhủ: “Sắp thi tốt nghiệp các bạn nên học theo hệ thống cơ bản, học những ý chính trong sách giáo khoa, nếu được học theo sơ đồ tư duy nhất định, hãy gắn số liệu lịch sử với những con số gần gũi với mình thì sẽ nhớ hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, cô Bùi Thị Nhung, giáo viên lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), căn dặn: “Để học tốt lịch sử các em hãy học bằng niềm say mê của mình, niềm tự hào với lịch sử dân tộc, khi học với niềm say mê như thế các em sẽ học rất đơn giản”.
Theo cô Nhung, các em học sinh lớp 12 có lựa chọn môn sử là môn thi tốt nghiệp hãy sơ đồ hóa kiến thức để tinh giản kiến thức, nên nhớ các sự kiện thú vị riêng cho mình: “Nhớ tên, đặc điểm các quốc gia có thể ghép thành câu nói gì đó, nhớ sự kiện có thể gắn với ngày lễ, ngày sinh nhật, ngày trọng đại để đỡ khó nhớ hơn” cô Nhung bày cách.
Theo Quy định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 diễn ra từ ngày 2 – 4/6/2014. Sẽ có 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ Văn) trong 120 phút; 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.
Xuân Trung