Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, mới đây, ngày 19/9, cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc trực tiếp với một số Trưởng, Phó phòng, ban, các khoa và Công Đoàn Trường Đại học Hoa Sen để lắng nghe phản ánh tình hình nhà trường trong thời gian vừa qua. Sau buổi làm việc, đại diện Bộ GD-ĐT đã yêu cầu lãnh đạo các phòng, ban, khoa thông báo đầy đủ, chính xác tinh thần buổi làm việc này cho BGH, HĐQT, GV-NV-SV, đề nghị không làm gì ảnh hưởng quyền lợi người lao động, sinh viên, mọi hoạt động phải tuân thủ quy định pháp luật, giải quyết mâu thuẫn nội bộ có tình, có lý…
Bùn và Ngọc trong “văn hóa công chức Việt”
(GDVN) - Đã là “giặc” thì phải tiêu diệt, thỏa hiệp với giặc có nghĩa là đầu hàng. Chống giặc nội xâm cũng có ý nghĩa như một cuộc cách mạng nhằm quét sạch tham nhũng,
Tuy nhiên, BGH nhà trường, Công Đoàn, lãnh đạo một số phòng, ban, khoa tham dự cuộc họp trên đã phớt lờ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tiếp tục thực hiện nhiều hành vi khiến nhiều GV-NV hoang mang, thậm chí còn cố tình truyền thông sai sự thật về ý kiến của Bộ GD-ĐT, gây ngộ nhận thông tin rằng Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận ý kiến của 500 GV-NV và ủng hộ chủ trương “không vì lợi nhuận” của nhà trường.
Ém thông tin và “chọn lọc” để truyền thông
Ngày 19/9 ngày cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc trực tiếp với một số Trưởng, Phó phòng, ban, các khoa và Công Đoàn Trường Đại học Hoa Sen. Tuy nhiên, hầu hết Giảng Viên, Nhân Viên (GVNV) hoàn toàn không hề biết có buổi làm việc này và nội dung buổi họp này là gì.
Chỉ đến ngày 6/10, khi Bản tin nội bộ tháng 9, được đưa lên trang thông tin nội bộ, nhiều GVNV mới được thấy vài dòng thông tin ngắn gọn, nhắc lại sự việc trên, thông qua phần trích dẫn phát biểu ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng phòng Đào tạo: “Vừa qua cơ quan thường trực Bộ GD&ĐT tại TPHCM có mời các Trưởng khoa/Phòng là đại diện cho GVNV gặp mặt để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và có tiếng nói với Bộ GD về các vấn đề bất ổn của ĐHHS trong thời gian qua. Tất cả các thành viên tham dự đều đồng ý với định hướng hoạt động của trường là ĐHKVLN. Bộ GD đề nghị thông báo chính xác tinh thần của buổi làm việc đến GV-NV để ổn định tư tưởng GVNV, tiếp tục thực hiện các hoạt động của trường”.
Nhiều GVNV đặt câu hỏi về “tâm tư, nguyện vọng đó là gì?” sao không nêu cụ thể? Nếu là chỉ đạo của Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ có biên bản ghi nhận toàn bộ nội dung buổi họp? Tại sao nhà trường không đưa lên toàn văn bản? Ngày 9/10, trên báo Tuổi Trẻ, GVNV tiếp tục đọc được những dòng thông tin tương tự. Như vậy từ ngày 19/9 cho đến ngày 10/10, Ban giám hiệu Trường Đại học Hoa Sen, lãnh đạo các Khoa, Phòng, Công Đoàn tham dự cuộc họp với Bộ GD-ĐT đã cố tình hoặc phớt lờ yêu cầu của Bộ GD-ĐT là phải “thông báo đầy đủ, chính xác tinh thần buổi làm việc này cho BGH, HĐQT, GV-NV-SV”.
Mãi đến ngày 11/10, Văn phòng Ban giám hiệu mới đưa toàn bộ biên bản cuộc họp này lên trang thông tin nội bộ GVNV và “chữa cháy” việc cố tình phớt lờ yêu cầu của Bộ GD&ĐT bằng cách tô đỏ, đậm dòng thông tin sau: Kính gửi Quý Đồng nghiệp, vừa qua, đại diện GV, NV trường ĐH Hoa Sen gồm các Trưởng, Phó phòng, Ban, Khoa và Chủ tịch công đoàn đã làm việc với Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình của Trường vào ngày 19/9/2014. Trong đó, ý kiến của Tổ công tác Bộ GDĐT là: Thông báo đầy đủ, chính xác tinh thần buổi làm việc hôm nay cho HĐQT, BGH và cán bộ, sinh viên Nhà Trường; Nay VP Trường ĐHHS gửi đến Quý Đồng nghiệp biên bản làm việc đính kèm để biết thông tin. Trân trọng”.
(Hình chụp cắt lại thông tin này trên trang nội bộ GVNV Đại học Hoa Sen – Eoffice) |
Đây rõ ràng là những hành vi thiếu minh bạch trong việc truyền đạt thông tin theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT tới Ban giám hiệu, lãnh đạo các Trưởng/Phó phòng, ban, khoa Trường Đại học Hoa Sen. Chưa dừng lại ở đó, trên facebook cá nhân của mình, nhiều lãnh đạo Phòng, Ban còn cố tình lái dư luận sang một hướng khác, khiến nhiều người ngộ nhận về quan điểm của Bộ GD&ĐT trước tình hình của nhà trường. Điển hình là ông Hoàng Đức Bình – Trưởng phòng Truyền thông của Trường Đại học Hoa Sen đã phát biểu trên facebook cá nhân như sau: “Chúng tôi, cán bộ quản lý của Trường Hoa Sen, đại diện cho gần 500 giảng viên nhân viên Hoa Sen, đề nghị bộ GD-ĐT ủng hộ chủ trương không vì lợi nhuận của trường và có chỉ đạo để đảm bảo quyền lợi của nhân viên, giảng viên và sinh viên tại trường”.
Trước thông tin này, nhiều GVNV bức xúc: “Phát biểu của một Trưởng phòng Truyền thông có được xem là đại diện cho 500 GVNV trường? Vì sao ông Hoàng Đức Bình cho mình cái quyền được nói thay tiếng nói cho 500 con người? Điều này càng vô lý hơn khi ông Bình đang sử dụng facebook cá nhân để nói mà không phải là trên báo chí hay bản tin nội bộ hoặc cuộc họp GVNV công khai”.
Tương tự, trên facebook cá nhân của bà Bùi Trân Thúy – Trưởng ban Biên tập thông tin Đại học Hoa Sen (Bà Bùi Trân Thúy là e gái của Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng) cũng không ngừng hô hào yêu cầu Bộ GD-ĐT: “Hãy nghe chúng tôi nói” và hàng loạt một số quản lý tham dự cuộc họp cũng nương theo hưởng ứng “đồng lòng, quyết tâm”, “chúng ta cùng chung tiếng nói”….Hành vi này của họ chẳng khác nào đang cố tình gây áp lực cho Bộ GD&ĐT phải ủng hộ quan điểm của mình, phải biết “lắng nghe” và lôi kéo GVNV?
Theo biên bản cuộc làm việc ghi lại, 15/15 thành phần được có mặt tại cuộc họp đã phát biểu ý kiến và trong nội dung phát biểu, tất cả đều khẳng định đường lối “phi lợi nhuận” của Đại học Hoa Sen. Từ đó, kiến nghị Tổ công tác có tiếng nói lên trên để bảo vệ đường lối, “mô hình tiên phong ít nhất cho khu vực đại học tư thục”.
Đại học Hoa Sen: Đâu là sự thật?
(GDVN) - Mâu thuẫn nội bộ tại trường Đại học Hoa Sen được ngụy trang dưới danh nghĩa cuộc chiến vì lợi nhuận và phi lợi nhuận để tranh giành quyền lực.
Tuy nhiên, với cương vị của những người “cầm cân nảy mực” đại diện cơ quan chủ quản ngành dọc một cách công tâm, cũng là những người đã theo sát sự bất ổn nội bộ của Đại học Hoa Sen từ trước đến nay, Tổ công tác Bộ GD-ĐT đã đặt câu hỏi: Trong buổi làm việc, các lãnh đạo Khoa, Phòng đều có mong muốn và ủng hộ Trường hoạt động theo mục tiêu không vì lợi nhuận, tuy nhiên năm 2013 Trường lại chia cổ tức lên tới 20%, vậy Trường hoạt động theo mục tiêu nào?
Trả lời chất vấn này, bà Đào Thị Hải - Trưởng Khoa Đào tạo Chuyên nghiệp nói: “Việc chia cổ tức 20% là do lúc đầu HĐQT đề nghị chia cổ tức 15%, nhưng có nhiều ý kiến đề nghị mức 30%, 25% thậm chí 35%, vì cho rằng kể từ năm Luật Giáo dục có hiệu lực, Trường phi lợi nhuận sẽ chỉ có mức cổ tức được khống chế bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ, nên sau nhiều lần mới kéo được về mức 20%”. Điều khá thú vị, đó là ngay tại ĐHĐCĐ 2013, chính bà Hải là người đề xuất cổ tức 25% và giải thích của bà Hải không khỏi khiến người nghe liên tưởng: Vì có ý kiến khác nhau, nên phải chăng Hội đồng Quản trị Hoa Sen thực tế cũng đã đồng ý “lách” cái gọi là định hướng, mục tiêu, đường lối, tuyên ngôn “không vì lợi nhuận” mà theo các vị là trường đã có ngay từ khi thành lập, để nhằm lách thời điểm hiệu lực của Luật với mục đích sau cùng là chia cổ tức thật cao?
Nếu đúng vậy thì Hội đồng Quản trị Đại học Hoa Sen đã tự phản bội đường lối, tôn chỉ hoạt động của Trường – nơi mà họ đại diện cho chủ sở hữu vốn? Hoặc sự thật bấy lâu nay Đại học Hoa Sen tạo ra “bình” là phi lợi nhuận (theo như cách nói của nhà trường việc này có ghi trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường) nhưng “rượu” chia cổ tức ngất ngưởng? Mãi đến khi Luật giáo dục 2013 “bất thình lình” xuất hiện quy định chia tổ chức thì nhà trường mới vội “kéo” mức cổ tức xuống cho dễ ăn nói trước dư luận? Đây thật sự là một phát biểu đáng hổ thẹn, vì nhiều người hình dung bấy lâu nay Đại học Hoa Sen “đã không nói thật, sống thật” như phương châm “dạy thiệt, học thiệt, làm thiệt…” mà nhà trường đã và đang khẳng định trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như trước GVNV và SV.
Ai được lên tiếng và ai phải lặng im?
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, mặc dù được Bộ GD-ĐT yêu cầu cho gặp tất cả các Trưởng/Phó phòng, ban, khoa để lắng nghe tiếng nói về tình hình của nhà trường, tuy nhiên Ban giám hiệu nhà trường đã cố tình “sắp xếp” và “chọn lọc” những người “có cùng chung tiếng nói” tham dự.
Vì vậy, thành phần tham dự buổi làm việc với Bộ GD-ĐT chỉ có 15/24 tổng số Trưởng, phó phòng, ban, khoa, giám đốc trung tâm dự án…. Trong đó, có 9 Trưởng, phó phòng hoặc giám đốc trung tâm không hề được thông báo về buổi làm việc này. Kể cả ông Nguyễn Phước An, nguyên Kế toán trưởng (người đã phát hiện ra 119 tỷ đồng do giấu doanh thu của Hiệu trưởng) và vừa bị lãnh đạo nhà trường cho thôi giữ chức kế toán trưởng vào đầu tháng 10/2014.
Nguyên nhân 9/24 người không hề biết hoặc biết nhưng không được Ban giám hiệu mời họp với Bộ rất dễ hiểu vì đã bày tỏ quan điểm “khác biệt” với Ban giám hiệu và tố cáo sai phạm của Hiệu trưởng hoặc những người dám thẳng thắn nói lên quan điểm của mình với lãnh đạo. Điều đáng lưu ý nhất là việc góp tiếng nói “từ xa” của Trưởng Khoa Khoa học và Công nghệ - Lê Quang Khải qua email (vì đang công tác nước ngoài). Trong khi Phó Khoa – Nguyễn Trọng Duy vẫn đang có mặt tại trường (thời điểm này ông Nguyễn Trọng Duy chưa bị giáng chức, ngoài ra Ông Duy cũng là bí thư chi bộ trung tâm đào tạo, Đảng ủy viên) nên theo nguyên tắc, nếu trưởng khoa vắng mặt thì Phó Khoa phải được tham dự để đảm bảo tính dân chủ, nhưng Ban giám hiệu nhà trường lại “ếm” thông tin này, chỉ vì muốn đảm bảo được việc “thống nhất tiếng nói” có lợi cho mình và sẵn sàng “qua mặt” Bộ GD&ĐT khi báo cáo là “có đủ thành phần các Trưởng, phó phòng, Ban khoa”.
Sau khi được chúng tôi cập nhật danh sách tổng số 24 Trưởng, Phó phòng, ban, Khoa, Trung tâm, dự án…ở thời điểm cuộc họp, một số đại diện Bộ GD&ĐT đã vô cùng bất ngờ vì phát hiện có thành phần đúng như yêu cầu lại bị Ban giám hiệu cố tình “đẩy ra” ngoài cuộc.
Còn tiếp…
(Nguyên nhân và nhiều diễn biến về việc “đẩy” tiếng nói khác biệt này chúng tôi sẽ tiếp tục nêu trong bài viết sau)