Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đối với cấp tiểu học, những phẩm chất học sinh cần đạt được là “Sống yêu thương” gồm: Yêu Tổ quốc (Yêu quý, không xâm hại các cảnh, vật, công trình của quê hương, đất nước; quan tâm đến những sự kiện thời sự nổi bật ở địa phương).
Giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình Việt Nam được hiểu là yêu mến và sẵn sàng cùng người thân làm một số việc đơn giản; kính trọng người trên trong gia đình.
Giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hoá của quê hương, đất nước được hiểu là yêu quý các thuần phong mỹ tục của địa phương. Tôn trọng các nền văn hoá trên thế giới được xem là Yêu thích các sản phẩm, hoạt động văn hoá khác nhau trên thế giới.
Nhân ái, khoan dung được hiểu là học sinh yêu thương, tôn trọng bạn bè, thầy cô và những người xung quanh; sẵn sàng giúp đỡ mọi người, tha thứ cho người mắc lỗi với mình; không đồng tình với các hành vi sai trái. Yêu thiên nhiên là có ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh và các con vật có ích; không đồng tình với những hành vi phá hoại thiên nhiên.
Vụ trưởng Phạm Ngọc Định trao đổi với báo chí xung quanh nội dung mới của câp tiểu học. Ảnh Xuân Trung |
Phẩm chất nữa học sinh biết sống tự chủ, và sống trách nhiệm. Bên cạnh đó còn có các năng lực cần đạt như: Năng lực tự học, trong đó xác định mục tiêu học tập, lập kế hoạch và thực hiện cách học, đánh giá và điều chỉnh việc học được xem là hàng đầu.
Trong năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, học sinh cần có năng lựuc phát hiện và làm rõ vấn đề, đề xuất, lựa chọn giải pháp, thực hiện và đánh giá giải pháp giải quyết vấn đề, nhận ra ý tưởng mới, hình thành và triển khai ý tưởng mới và tư duy độc lập.
Ngoài ra, học sinh còn phải có năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực tính toán, năng lực công nghệ thông tin và truyền thông.
Trên đây là những điểm mới cơ bản trong việc phát triển năng lực, phẩm chất học sinh cấp tiểu học. Ngay ở lĩnh vực đạo đức công dân ở chương trình mới sẽ có những thay đổi về mục tiêu, chương trình đào tạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nói thêm về những điểm mới đáng chú ý, cụ thể, nếu trước đây ở tiểu học gọi môn học Giáo dục công dân là “Giáo dục đạo đức”, nhưng ở chương trình mới giờ đổi thành “Giáo dục lối sống”, vì sao có tên gọi như vậy?
Nếu giáo dục đạo đức chỉ nói về cái thiện, cái ác, còn giáo dục lối sống sẽ rộng hơn. Ông Định lấy ví dụ, học sinh thực hiện chủ trương pháp luật, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, đó là những kĩ năng sống.
Tổ chức giáo dục ở chương trình tổng thể cũng khác trước. Ông Định lấy ví dụ, có thể hình dung giáo dục một hành vi đạo đức, nói là thương ông bà, ai cũng biết giáo dục trẻ con hành động thương ông bà, nhưng làm thế nào đó trở thành thói quen thật sự, làm thế nào tổ chức thói quen đó hàng ngày để trải nghiệm cho trẻ con sống cùng ông bà, có những lúc vui, những lúc chia sẻ với ông bà.
Dần dần trẻ có tình thương đối với ông bà, chứ không dạy một ngày là được ngay tình thương này.
“Có thể dạy học sinh biết phép tính trong một giờ, nhưng để dạy hành vi thì là một quá trình” ông Định cho biết.
Về kĩ năng sống trong chương trình mới, ông Định cũng cho lấy ví dụ, dạy học sinh hành vi không vứt rác ra lớp học, ai cũng biết hành vi này là không tốt, nhưng để dạy học sinh thành thói quen thì phải tổ chức cuộc sống thật hàng ngày ở nhà trường.
Cùng nhắc nhở học sinh và dần dần hình thành thói quen. Thứ nữa, chính môi trường cũng tạo ra hành động, lần này trong chương trình mới tiểu học quan trọng là tổ chức môi trường giáo dục cho học sinh.
“Chúng ta hình dung nếu ra nước ngoài, vào một hội trường nào đó thấy vô cùng sạch sẽ, tôi đố ai vứt giấy bừa bãi, đành cho vào túi để vứt ở chỗ quy định. Đó chính là môi trường để cho con người ta thực hiện” ông Định dẫn chứng.
Vậy, làm thế nào để hình thành được năng lực và phẩm chất? Vụ trưởng Vụ tiểu học cho rằng, nếu trước đây thiết kế chương trình nặng về kiến thức, thời gian tập trung cho kiến thức quá nhiều, nhưng lần này sẽ cân đối.
Ông Định nói cụ thể, kiến thức đó phải làm sao đủ thời gian để hình thành năng lực và phẩm chất. Một ví dụ tổ chức cho trẻ con chơi đầu giờ, đằng sau trò chơi đó các em chơi rất vui, qua đó các em cũng nhận thấy được khi chơi trò chơi như thế sẽ có được những năng lực, phẩm chất gì.
Trước băn khoăn, trong quá trình thực hiện chương trình mới có thuận lợi hay không? Ông Định cho biết, về nguyên tắc là không được sai, mà phải đúng, có điều đúng ít hay đúng nhiều mà thôi.
“Trong quá trình thực hiện tất cả các công việc bao giờ cũng phải đặt ra câu hỏi về mặt lí luận là cái gì, nếu chỉ làm theo kinh nghiệm, mà kinh nghiệm có thể đúng, sai. Thì trước hết phải tìm xem lí luận đó có đúng hay không, nếu lí luận đã đúng, tin tưởng chắc chắn thì sau đó mới triển khai thực hiện” ông Định cho biết.
Những khó khăn khi xây dựng chương trình phổ thông tổng thể mới ông Định dẫn chứng, ngay ở mô hình trường học mới (VNEM), biết là đúng đấy nhưng không phải ngày đầu thành công ngay được. Do đó, phải dần dần, có thể đối với cấp quản lí là đúng nhưng đối với giáo viên chỉ là mức độ.
“Lấy ví dụ đơn giản về việc làm thế nào cho học sinh tự học, ai cũng hiểu như thế từ trước tới nay nhưng không phải làm ngay được.
Triển khai mô hình trường học mới, đã có tài liệu cho giáo viên đọc, nhưng có những cô chưa hiểu, trong khi nguyên tắc giáo viên chỉ đóng vai tổ chức hướng dẫn thì giáo viên sợ học sinh không hiểu nên đã giảng luôn cho học sinh” ông Định nói một trong những khó khăn khi thực hiện mô hình trường học mới.
Ông Phạm Ngọc Định cũng cho rằng, chương trình mới sẽ vừa làm vừa điều chỉnh để cho kết quả được tốt hơn.