Xin Bộ trưởng hãy cho dừng ngay kiểu tích hợp cơ học này

30/01/2018 06:20
Phan Tuyết
(GDVN) - Thay chương trình, thay sách cũng không ngoài mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. Điều gì tốt có lợi cho giáo dục thì chúng ta hãy làm.

LTS: Phân tích những hạn chế trong việc thực hiện kiểu tích hợp môn học một cách cơ học, cô giáo Phan Tuyết kiến nghị với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xin hãy cho dừng việc tích hợp lại.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau tất cả những bài viết về việc tích hợp trong chương trình sách giáo khoa mới trên nhiều tờ báo trong nước đặc biệt là Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có hàng loạt bài phân tích sâu kĩ về chuyện tích hợp thực chất là việc gộp hai, ba môn học thành một môn.

Các bài viết đã chỉ ra những hậu quả khó lường khi ngành giáo dục vẫn cương quyết giữ vững quan điểm tích hợp như thế. 

Cũng như nhiều tác giả bài viết, tôi xin được đại diện cho khá nhiều đồng nghiệp ở cấp Trung học cơ sở muốn gửi đến Bộ trưởng lời thỉnh cầu tha thiết nhất: 

Nếu vì ngành giáo dục, vì tương lai con em chúng ta như mọi người thường nói thì xin Bộ trưởng hãy cho phép dừng ngay việc tích hợp Lịch sử, Địa lý thành Lịch sử & Địa lý. 

Ba môn Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên theo dự thảo mới được công bố gần đây.

Hình minh họa: VTV.vn
Hình minh họa: VTV.vn

Mặc dù chưa có sách giáo khoa cụ thể nhưng chúng tôi tin chắc rằng, sách giáo khoa của chương trình mới (hai môn tích hợp) sẽ được biên soạn khá giống với (hai môn tích hợp) của chương trình sách giáo khoa VNEN. 

Chúng tôi đã dạy qua chương trình tích hợp này nên hơn ai hết chúng tôi thấy được ưu điểm của việc gộp môn hầu như không có chỉ có những vất vả, nhọc nhằn, những bất cập khi hai, ba người vào dạy chung một môn. 

Hoặc một người dạy 2, 3 phân môn theo kiểu đọc sách giáo khoa cho học trò chép.

Nếu cứ tích hợp và buộc giáo viên phải dạy như thế thì tương lai giáo dục của chúng ta sẽ trôi về đâu? Chúng tôi không dám nghĩ tiếp.

Những vất vả nhọc nhằn không đáng có

Bộ trưởng có hình dung ra, hàng ngày giáo viên đã bù đầu vì khá nhiều công việc từ giảng dạy đến giáo dục học sinh. 

Xin Bộ trưởng hãy cho dừng ngay kiểu tích hợp cơ học này ảnh 2Các thầy cô hãy tưởng tượng, áp dụng dạy 2 môn tích hợp thì sẽ thế nào nhỉ? 

Công việc dạy dỗ đã quay mòng mòng (ba giáo viên Lý, Hóa, Sinh và hai giáo sinh Lịch sử, Địa lý) lại phải dành thời gian ngồi với nhau để phân thời khóa biểu, phân tiết dạy, phân công ra đề kiểm tra, vào sổ điểm, vào học bạ, ra đề thi giữa kì, cuối kì… 

Ở lớp 6, ba môn Lý, Hóa, Sinh đều có thời lượng 37 tiết/năm nên việc phân công giáo viên dạy, sắp xếp lượng kiến thức từng môn cho phù hợp cũng đỡ mệt và rắc rối hơn. 

Khối lớp 8, lớp 9 chỉ có 18 tiết Lý, Hóa và Sinh chiếm tới 70 phút nên việc phân công giáo viên dạy để đảm bảo lượng kiến thức hài hòa giữa ba phân môn tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, thi là khá khó khăn. 

Chia sẻ về việc thống nhất cách ra đề kiểm tra, thầy H tổ trưởng chuyên môn tổ Hóa-Sinh một trường trung học cơ sở cho biết:

Tới thời điểm kiểm tra hoặc thi, giáo viên (Lý, Hóa, Sinh), hoặc “Lịch sử, Địa lý” nào đang dạy kiến thức nhiều hơn sẽ trở thành giáo viên chính chịu trách nhiệm khâu ra đề tự luận (còn ra đề trắc nghiệm thì hai hoặc ba giáo viên cùng hợp lại);

Và đương nhiên đề thi của môn Khoa học tự nhiên hoặc môn Lịch sử & Địa lý lần ấy, phân môn ấy cũng chiếm tỉ lệ kiến thức cao hơn phân môn còn lại"

Thầy H nói rõ “quy định như vậy để tránh việc chấm bài phải truyền qua ba (hoặc hai) giáo viên sẽ mất khá nhiều thời gian".

Thầy N - tổ trưởng tổ Hóa – Sinh một trường trung học cơ sở ở Bình Thuận cho biết thêm:

Môn Khoa học tự nhiên được gộp 3 môn Lý, Hóa, Sinh. Nói là tích hợp nhưng cả một năm học, chỉ có vài bài là mang tính tích hợp như bài về đo khối lượng, thể tích, chiều dài… còn vẫn in 3 phần riêng biệt Lý, Hóa, Sinh hay Lịch sử, Địa lý. 

Thế nên khi phân công chuyên môn, nhà trường vẫn dựa vào chuyên môn từng giáo viên để phân dạy. 

Ai có chuyên môn Lý thì dạy Lý, chuyên môn Hóa thì dạy Hóa…

Học sinh không thể khá hơn khi thầy cô chỉ biết đọc, chép

Xin Bộ trưởng hãy cho dừng ngay kiểu tích hợp cơ học này ảnh 3Xin mời thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Mai Sỹ Tuấn dạy thị phạm 2 môn tích hợp 

Chúng tôi thấy được khá nhiều giáo viên không thể dạy chéo môn như giáo viên Lý không thể dạy Hóa, dạy Sinh;

Giáo viên Hóa không thể dạy Lý, dạy Sinh và giáo viên Sinh cũng không thể dạy Lý và Hóa…

Trả lời câu hỏi của chúng tôi “Tích hợp kiểu này thầy (cô) có dạy được không?

Câu trả lời của những giáo viên được hỏi chẳng có gì bất ngờ hơn “chắc chắn là không thể dạy nổi (hiểu chữ dạy theo đúng nghĩa). 

Có thầy cô nói rằng “nếu chỉ cần nhìn sách giáo khoa đọc cho trò chép, sách nói gì mình nói lại thôi thì giáo viên sẽ dạy được hết. Nhưng để dạy sâu, dạy kĩ, dạy cho học sinh hiểu đúng vấn đề thì khó lắm. 

Điều này chỉ có giáo viên đơn môn mới có thể đáp ứng. Còn dạy đa môn, thầy cô ấy phải có kiến thức nền vững vàng, có sự hiểu biết sâu rộng. 

Những thầy cô như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

“Nếu cho giáo viên đi tập huấn thì sao? Các thầy cô có thể một mình dạy tích hợp 3 (hoặc 2) môn?” 

Có giáo viên khẳng định chắc chắn “có tập huấn vài tháng cũng thế, huống gì mươi ngày. Chỉ có cho đi đào tạo lại hàng năm trời trời thì may ra mới hy vọng”.

Cha ông ta nói “biết mười dạy một” nhưng kiểu tích hợp này giáo viên chỉ biết một thì dạy ai?

Thưa Bộ trưởng! 

Thay chương trình, thay sách cũng không ngoài mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. Điều gì tốt có lợi cho giáo dục hãy nên làm. 

Những gì chưa được xã hội công nhận và đồng thuận cũng cần được tính toán thật kĩ trước khi mọi chuyện đã rồi.  

Đến lúc đó thì mọi gánh nặng lại trút xuống đầu giáo viên chúng tôi là không biết dạy còn học sinh lại không biết học.

Phan Tuyết