LTS: Với mong muốn góp ý về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa làm sao để đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, đặc biệt là việc "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách trong chương trình mới , thầy Bùi Nam có những chia sẻ góc nhìn của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tôi thật sự rất bất ngờ và thất vọng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thời gian dự kiến thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm học 2019 – 2020 ở lớp 1; 2020 – 2021 ở lớp 2 và 6; 2021 – 2022 ở lớp 3,7,10,…Trong đó có 2 môn “tích hợp” là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.
Chúng tôi có cảm giác, dường như Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các nhà soạn thảo chương trình đang quyết tâm làm để giải ngân nguồn vốn từ ngân sách nhà nước theo kiểu “phóng lao thì phải theo lao” hay “cố đấm ăn xôi”.
Bởi thực chất chúng ta không thể nào có thể thực hiện chương trình mới khi không đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực (nhiều môn chưa có đào tạo, nhiều môn thừa, môn thiếu,…), còn quá nhiều tranh cãi…
Có rất nhiều nhà chuyên môn, nhà giáo tâm huyết góp ý cho dự thảo chương trình nhưng không được tiếp thu và Bộ hoàn toàn không có động thái gì cho việc thay đổi.
Nỗi lo của các giáo viên về dạy tích hợp (Ảnh minh họa: tuoitre.vn). |
Chương trình các môn học được công bố tiếp tục nhận sự phản đối lớn từ các nhà giáo, nhất là việc tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên hay 2 môn Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý.
Đó là việc lắp ghép cơ học khi 1 sách 2, 3 thầy dạy. Đó là điều “nhảm nhí” nhất mà các quý thầy chủ biên đang muốn biến giáo viên và học sinh phải gò ép theo ý muốn chủ quan của quý thầy mà không hề nghĩ cho giáo viên trong việc giảng dạy và học sinh trong việc tiếp thu bài học.
Thử nghiệm 1 thầy dạy 2 môn đã từng thất bại, thầy “thập cẩm” không thể ra trò giỏi
Từ những năm 2000 trở về trước, các trường Cao đẳng sư phạm (đào tạo giáo viên trung học cơ sở) trên cả nước thường đào tạo giáo viên có 2 môn ghép như Toán – Lý, Hóa – Sinh, Văn – Sử,…nhưng sau đó nhận thấy bất cập trong việc giáo viên được đào tạo như trên không được chuyên môn hóa, kiến thức chưa được chuyên sâu.
Sau đó, giáo viên chỉ được đào tạo và chỉ dạy một phân môn riêng biệt duy nhất, giáo viên được đào tạo bài bản hơn, chuyên sâu hơn nên học sinh tiếp thu bài tốt hơn, có nhiều học sinh giỏi dự thi đạt các giải trong nước và quốc tế.
Không biết từ đâu mà quý thầy Tổng chủ biên, chủ biên chương trình các bộ môn “sáng tạo” ra kiểu giáo viên “thập cẩm”, học sinh “thập cẩm” này như ghép 3 môn Lý, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên, dồn Sử, Địa thành môn Lịch sử và Địa lý.
Chắc các thầy chỉ là các nhà nghiên cứu nên các thầy không biết rõ, chỉ có giáo viên chuyên ngành, nắm vững và sâu kiến thức mới có thể truyền đạt học sinh nắm vững kiến thức.
Quý thầy nghĩ sao khi một giáo viên “ba mớ” mỗi thứ biết một ít như biết một chút về Lý, một chút về Hóa, một chút về Sinh thì sẽ tạo ra những học sinh như thế nào thưa quý thầy?
Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả? |
Môn Lịch sử và Địa lý cũng vậy, nó là 2 môn khác nhau, mỗi môn học có đặc thù riêng, phải có phương pháp giảng dạy riêng, giáo viên có phải “thần thánh” đâu mà dạy được các môn “thập cẩm” đó?
Tôi xin nói thẳng, nếu giáo viên Lý mà dạy tiết Sinh, Hóa thì chỉ có nước cho học sinh đọc và chép sách giáo khoa thôi.
Ngược lại cũng vậy, nếu giáo viên đang giảng dạy mà được đào tạo thêm các tín chỉ như các thầy nói cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, làm gì đủ kiến thức, kinh nghiệm để giảng dạy các môn khác.
Tôi hy vọng được tận mắt chứng kiến các quý thầy chủ biên về các trường trung học cơ sở trên cả nước giảng dạy một vài tiết Khoa học tự nhiên hay Lịch sử và Địa lý cho chúng tôi được dự giờ, góp ý và đánh giá chính xác về các bộ môn trên, để chúng tôi tin tưởng sự “cao thâm” các thầy.
Nếu được nghe và thấy các thầy giảng dạy các tiết trên có hiệu quả thì không có lý do gì để chúng tôi phản đối. Nếu các thầy chỉ nói lý thuyết suông mà bắt chúng tôi phải theo thì đúng là trái lẽ thường, chúng tôi không tin.
Thật nực cười khi thầy Mai Sỹ Tuấn – Chủ biên môn Khoa học tự nhiên, trả lời rằng, ông biết có nhiều khó khăn khi sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên vào điểm, phân công giảng dạy, trách nhiệm, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn, truyền tải kiến thức,…chỉ có thuận lợi duy nhất là “bộ môn này được nhiều nước trên thế giới giảng dạy”.
Thưa thầy Mai Sỹ Tuấn, tôi cam đoan rằng không có nước nào trên thế giới giảng dạy kiểu “tích hợp” hay đúng ra là “thập cẩm” 1 sách 2, 3 thầy như ông nói.
Tôi đề nghị Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cung cấp danh sách các quốc gia nào "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách như cách quý thầy đang làm, cũng như các cuốn sách giáo khoa "tích hợp" kiểu 2, 3 môn trong 1 của họ.
Cho dù có đi nữa, thì người ta đã chuẩn bị hàng chục năm trước, đã đủ cơ sở vật chất, giáo viên, thử nghiệm,…rồi người ta mới đưa vào giảng dạy.
Còn tình hình chúng ta hiện tại là 5 không: không có giáo viên “tích hợp”, không sách giáo khoa, không cơ sở vật chất, không phòng bộ môn, không có ai chịu trách nhiệm bộ môn.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc Hội cho tạm dừng các môn tích hợp
Trong giai đoạn hiện nay nếu tiến hành triển khai chương trình mới mà đưa môn “tích hợp” vào giảng dạy thì tôi tin chắc rằng sẽ thất bại.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xin hãy thận trọng, nhớ lại bài học về thất bại củamô hình VNEN mà cẩn trọng, nếu có nhiều phụ huynh tập trung trước trường phản đối chương trình mới Bộ sẽ xử lý như thế nào?
Chẳng lẽ như VNEN, nơi nào muốn dạy theo chương trình mới thì dạy, nơi nào phản đối thì dạy theo chương trình cũ?
Trên các diễn đàn giáo dục, nếu lấy ý kiến giáo viên và phụ huynh học sinh về 2 môn "tích hợp", tôi tin rằng sẽ có trên 80%, thậm chí trên 90% phản đối việc đưa vào giảng dạy 2 môn tích hợp.
Đổi mới là cần thiết nhưng phải đổi mới một cách thận trọng, khoa học, phải có thực nghiệm và thực chứng, phải cân nhắc ở những môn nào đã chuẩn bị hoàn tất hay đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị thì cho tiến hành, tập trung vào xử lý việc ngụy tạo thành tích, bệnh “giả dối”, ngồi nhầm lớp, phải học thật, thi thật.
Việc đưa vào 2 môn “tích hợp” trên không chỉ làm tăng nợ công, tăng gánh nặng ngân sách một cách vô vị, mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến sự học tập và phát triển của học sinh, ảnh hưởng đến tương lai và vận mệnh của dân tộc.
Tôi cũng cố gắng gò ép mình vào việc hay để xem chương trình mới ra sao rồi góp ý, hay cố gắng giảng dạy nhưng tôi thấy đây không phải là “trò chơi”, nó không cho phép thất bại.
Tôi cũng là giáo viên, tôi hoàn toàn không tìm được bất kỳ lý do gì để có thể “tích hợp” kiểu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Tôi không muốn thấy chúng ta lại “thất bại” và phải làm lại, học sinh sẽ ra sao? Giáo viên sẽ đi về đâu? Nhân dân đánh giá ngành giáo dục như thế nào?
Vì những lý do trên, vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết tâm “đeo bám” 2 môn “tích hợp” này, nên tôi xin phép kiến nghị Thủ tướng chính phủ, Quốc Hội cho nghiên cứu, khảo sát kỹ, đánh giá thực trạng một cách toàn diện trước khi triển khai giảng dạy 2 môn “tích hợp” trên.
Trong giai đoạn này, kiến nghị vẫn để các môn học như trên, tích hợp một số nội dung vào từng bài học cụ thể, đào tạo giáo viên “tích hợp”, đến khi nào đủ cơ sở vật chất, giáo viên “tích hợp” thì có thể thử nghiệm ở một số nơi có điều kiện.
Vì tương lai học sinh, vận mệnh dân tộc, mong các cấp lãnh đạo quan tâm, xem xét!