Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mở chuyên mục “Đổi mới Giáo dục Đại học”

15/08/2016 13:43
GS. TSKH Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Từ hôm nay, nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả, cũng là mong muốn của nhiều trưởng đại học, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mở thêm mục “Đổi mới Giáo dục Đại học”.

Cùng với đổi mới đất nước, giáo dục đại học nước ta đã liên tục đổi mới trong mấy thập niên qua.

Theo chủ trương thể hiện ở Nghị quyết Trung ương 29-NQ/TW năm 2013, giáo dục đại học cần tiếp tục đổi mới cơ bản và toàn hiện hơn nữa. 

Để triển khai đổi mới có hiệu quả, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo chức các trường đại học,cao đẳng cần hiểu rõ các chủ trương chính sách liên quan đến giáo dục đại học, cả về bản chất lý luận lẫn và ý nghĩa thực tiễn.  

Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung

Trong thời gian qua nhiều bạn đọc, nhiều chuyên gia của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn tìm hiểu một số khái niệm, phạm trù liên quan đến các chủ trương đổi mới giáo dục đại học.

Để hưởng ứng và thực hiện các chủ trương đó chủ động và tích cực hơn, bạn đọc và các chuyên gia, các trường đại học đã đề nghị Ban biên tập Báo Giáo dục Việt Nam tạo không gian cho hoạt động này. 

Chuyên mục “Đổi mới Giáo dục Đại học” của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ra đời nhằm đáp ứng mong muốn đó. 

Chúng tôi kêu gọi sự tham gia chuyên mục này của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, quản lý về giáo dục đại học cũng như giáo chức và sinh viên, và cộng đồng giáo dục đại học rộng rãi nói chung. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mở chuyên mục “Đổi mới Giáo dục Đại học” ảnh 2

Giáo sư người Việt ở Úc kiến nghị 7 vấn đề đổi mới cho giáo dục Đại học Việt Nam

Đóng góp có thể dưới dạng bài viết về cơ sở lý luận, về kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến giáo dục đại học trong nước cũng như giáo dục đại học quốc tế. 

Cũng có thể đóng góp dưới dạng đề xuất vấn đề, hoặc trao đổi, thảo luận…Từ góc độ này chuyên mục cũng có tính chất gần như một diễn đàn về đổi mới giáo dục đại học. 

Các chủ đề liên quan đến đổi mới giáo dục đại học có thể đề cập rất rộng, chẳng hạn, về hệ thống giáo dục và giáo dục đại học; quản trị và quản lý giáo dục đại học (về tổ chức, tài chính và học thuật); 

Về quy trình và chương trình đào tạo; dạy, học và đánh giá trong giáo dục đại học; hoạt động sinh viên…Về địa bàn thì có thể xuyên suốt từ giáo dục đại học địa phương, toàn quốc đến giáo dục đại học quốc tế.    

Các bài viết cho chuyên mục xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn 

Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp