“Bẫy” mà thí sinh thường gặp khi làm bài trắc nghiệm môn Sinh

24/04/2017 07:02
Linh Hương (ghi)
(GDVN) - Tuy phần lý thuyết chỉ cần học thuộc nhưng rất nhiều thí sinh nhầm lẫn vì lượng kiến thức lớn và câu hỏi trong đề thi rất hay bẫy học sinh.

Thông thường, phần lý thuyết môn Sinh học tập trung chủ yếu trong 4 chuyên đề (Cơ sở vật chất di truyền biến dị; Ứng dụng di truyền, di truyền học người, di truyền quần thể; Tiến hóa; Sinh thái) chiếm 60- 65% điểm trong đề thi.  

Tuy phần lý thuyết chỉ cần học thuộc nhưng rất nhiều thí sinh nhầm lẫn ở phần này vì lượng kiến thức lớn và câu hỏi trong đề thi rất hay bẫy học sinh. 

Thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên chuyên Sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên chuyên Sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Thành Công - giáo viên chuyên Sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm và là giáo viên luyện thi trung học phổ thông môn Sinh tại Hệ thống giáo dục Học mãi đưa ra lời khuyên giúp thí sinh đối phó với “bẫy” này thông qua những ví dụ cụ thể. 

Dạng 1: Dạng câu bẫy đơn giản

• Tìm phương án  đúng 

• Tìm phương án sai

• Đếm số khẳng định đúng

• Đếm số khẳng định sai

Giải pháp: Học sinh cần đọc kỹ yêu cầu, đặc biệt sự xuất hiện của từ phủ định. Điều kiện cần để giải được là bạn phải có kiến thức => phân tích từng phương án => chọn đáp án.

Dạng 2: Bẫy tinh vi

• Thay đổi số liệu, thông tin (tiểu tiết)

• Một loạt thông tin đúng chỉ có 1 tiểu tiết sai 

Giải pháp: Đọc kỹ đề => Phân tích đề

Ví dụ: Trong các khẳng định sau về cấu trúc NST, khẳng định chính xác là:

A. Mỗi NST có tâm động là nơi bám của tơ vô sắc trong phân bào

B. Mỗi Nucleosome dài có 1 đoạn ADN dài 15-85 cặp bazo cuộn quanh khối 8 protein histon

C. Đường kính của sợi cơ bản là 11 nm, của sợi siêu xoắn là 30nm

D. Khi NST được quan sát rõ nhất dưới kính hiển vi quang học nó có dạng NST đơn, có tâm động liên kết với tơ vô sắc

Đây là dạng câu hỏi trong một đáp án chứa nhiều thông tin, và những đáp án sai chỉ sai ở một tiểu tiết nhỏ. Cụ thể:

A. Đúng

B. Sai ở 15-85 cặp bazo

C. Sai ở sợi siêu soắn dài 30nm, đúng phải là 300nm

D. Trạng thái đúng phải là trạng thái NST kép, không phải trạng thái NST đơn

Dạng 3Bẫy tinh vi: Dùng kiến thức đúng nhưng không phải trọng tâm câu hỏi để gây nhiễu.

Ví dụ: Vật chất di truyền ở cấp độ tế bào là NST, giải thích nào là không chính xác

A. NST là cấu trúc có chứa ADN trong đó có chưa các gen chi phối tính trạng.

B. NST mang vật chất di truyền, có thể truyền cho thế hệ sau.

C. NCS có thể quan sát rõ nhất ở kỳ giữa phân bào nhờ kính hiển vi quang học.

D. NST mang thông tin quy định các đặc điểm cơ thể và có thể truyền cho đời sau

Cả 4 đáp án đều đúng, nhưng C là đáp án chẳng liên quan gì đến câu hỏi => C sai

Dạng 4Nhầm lẫn về kiến thức thường gặp trong cơ chế di truyền và biến dị

1. Nguyên liệu để tự sao có rất nhiều bạn nhầm lẫn rằng chỉ có 4 nu là: A, T, G, X. Thực chất có tổng cộng 8 loại đơn phân tham gia quá trình tự sao bao gồm cả rN: rA, rU, rG, rX.

=> có bao nhiêu loại đơn phân cấu tạo axit nucleic (ADN, ARN)?

Đáp án là 8 loại như trên: A, T, G, X và rA, rU, rG, rX.

2. Dịch mã có nguyên tắc bổ sung: Anticodon và codon

3. Điều hòa biểu hiện gen: 

• Gen điều hòa KHÁC vùng điều hòa. 2 khái niệm này rất hay bị nhầm lẫn với nhau. Nên nhớ gen điều hòa tạo ra sản phẩm protein điều hòa, gen điều hòa không nằm trong operon.

Linh Hương (ghi)