Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30 của TS Ngô Gia Võ, chúng tôi đã nhận được thư của thầy Nguyễn Hùng Phong - giáo viên Trường tiểu học B Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Trong thư, thầy Phong có phân tích một số luận điểm được TS Ngô Gia Võ đưa ra trong bài viết trước đó.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Kính gửi: TS Ngô Gia Võ - Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư pham, Đại học Thái Nguyên.
Kính thưa tiến sĩ, tôi là giáo viên tiểu học bình thường ở vùng quê, đọc bài viết của thầy tôi có vài cảm nhận sau:
Việc giáo viên quá tải là đúng
Đúng ở đây không phải là vì Thông tư 30 gây áp lực cho giáo viên. Mà bởi sự chỉ đạo của các nhà quản lí ở địa phương từ Sở giáo dục về đến Phòng giáo dục và trường là thực hiện chưa đúng theo tinh thần, nội dung Thông tư 30.
Thông tư 30 khiến giáo viên quá tải là đúng. Ảnh minh họa. (Nguồn: internet) |
Theo công văn Số: 6169/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 27 tháng 10 năm 2014 V/v thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014 nêu rõ: Giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là “viết” phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét; được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra của học sinh, sử dụng tin nhắn, email… để liên lạc sao cho thuận tiện trong việc phối hợp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Thông tư 30/2014 quy định, yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được “quên” em nào, nhưng khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng; không lạm dụng việc dùng các câu nhận xét có mẫu vì không phù hợp với các học sinh khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau.
Có nghĩa là không bắt buộc giáo viên phải ghi nhận xét 1/3 hay 2/3,... số lượng học sinh mà giáo viên đó dạy vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên có thể nhận xét bằng lời nhiều hơn ghi nhận xét vào tập, sổ.
Về vấn đề học sinh lười học
Tôi có chia sẻ thế này: một phụ huynh học sinh lớp tôi có liên hệ với tôi nói: "ở nhà con tôi không tự giác học, nhờ thầy nhắc nhở thêm."
Vào lớp tôi trao đổi trực tiếp riêng với em đó theo đúng tinh thần Thông tư 30. Và lập tức, từ ngày hôm sau, phụ huynh học sinh báo cho tôi hay là: "con tôi đã biết tự giác học bài không cần phải nhắc nhở nữa".
Vấn đề thầy Võ nói học sinh lười học, theo tôi nghĩ là do giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh chưa thực sự liên hệ chặt chẽ với nhau. Chứ không phải Thông tư 30 không có tác dụng.
Còn vấn đề giáo viên không được cho điểm 0 (không)
Vậy những trường hợp học sinh bỏ giấy trắng hoặc viết lung tung vào bài kiểm tra thì giải quyết như thế nào? Theo tôi trường hợp này là không thể xảy ra. Trừ phi em học sinh đó ngồi nhầm lớp (lên lớp non) hoặc là có bệnh tâm lý gì đó nên không biết gì.
Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30
Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.
Còn Giáo viên không được cho điểm 0, theo ý tôi cũng phù hợp, bởi điểm 0 là không đúng theo tinh thần Thông tư 30, học sinh sẽ tự ti với các bạn là mình không biết gì cả. Vả lại bài thi của các em dù gì đi nữa cũng có những ưu điểm.
Những vấn đề còn lại mà thầy Võ nêu, đó là những khó khăn ban đầu khi chúng ta thực hiện Thông tư 30. Chúng ta sẽ cùng nhau tháo gỡ, cùng nhau làm cho Thông tư 30 thật có ý nghĩa. Chứ không phải Thông tư 30 không có tác dụng.
Là một giáo viên chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy tôi có vài chia sẻ với thầy Võ: Những lời nói nhận xét thường xuyên của giáo viên có tác dụng tích cực hơn là ghi nhận xét vào vở.
Lớp học tôi có một em học sinh nữ thường rất mặc cảm với điểm số từ lúc em còn học lớp 2, lớp 3. Em này thường xuyên muốn nghỉ học vì cảm thấy mình học không tốt, thua kém so với bạn bè. Qua đợt kiểm tra cuối kì 1, tôi hỏi cảm nhận của em về điểm 3 môn toán, em trả lời: “Thưa thầy, em cảm thấy rất buồn. Nhưng em sẽ cố gắng hơn từ đây đến hết năm học”. Tôi không hỏi em cố gắng bằng cách nào?. Nhưng qua cảm nhận của em, tôi thấy rằng em ấy đã không còn mặc cảm với điểm số nữa, không vì điểm số mà chán nản để rồi đòi bỏ học như ở các lớp năm học trước.
Từ đó, cho thấy rằng Thông tư 30 đã phát huy được tác dụng bởi những nhận xét bằng lời, những lời động viên của giáo viên (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) đối với các em.
Một trường hợp nữa, trong lớp học tôi đang chủ nhiệm có một học sinh nam nắm kiến thức kĩ năng các môn học còn rất hạn chế, ngại phát biểu trong giờ học, không tích cực thảo luận nhóm.
Nhưng đến giờ phút này, em ấy rất tự tin, mạnh dạn để giơ tay phát biểu và khi thảo luận nhóm em ấy cũng rất tích cực trao đổi với các bạn.